Ông cha ta đã dạy rằng: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” và quả không sai khi mỗi bước chân ta đi đến một miền đất mới là thêm những phút giây trải nghiệm, để thấy mình lớn hơn một chút, để thấy mình bớt dại hơn một ly… Chuyến đi nào cũng ngập tràn những kỷ niệm, những bài học, những kinh nghiệm, có khi đọng lại thành những ký ức.
Lựa chọn mảnh đất Nam Trung Bộ đầy nắng, gió, những hoang mạc mênh mông và những bãi biển đẹp như mộng khi TP Phan Thiết - thủ phủ của tỉnh được gọi với cái tên “Thủ đô của những resort”, những đặc sản nước mắm, thanh long… là những gì tụi mình đã đọc và tìm hiểu trước. Hành trình ngày thứ nhất sau một chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Sau đó là lịch trình đến TP Phan Thiết từ TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ 8h tối trên xe giường nằm.
Lịch trình ngày thứ hai là tụi mình đã thuê một chiếc xe máy, lần mò điểm đổ xăng qua lời chỉ dẫn của bác bảo vệ khách sạn, rồi hỏi đường đến điểm du lịch đầu tiên là Trường học Dục Thanh, một ngôi trường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy học thời thanh niên năm 1910 khi Bác 20 tuổi và đóng cửa năm 1912. Ngôi trường này hiện nay được phục dựng lại theo phiên bản cũ và cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành một di tích lưu niệm danh nhân gắn với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trường Dục Thanh (TP Phan Thiết) |
Rời trường Dục Thanh, loanh quanh dạo TP Phan Thiết là con đường biển qua TP và dòng sông Cà Ty với tháp nước nổi tiếng được xây dựng từ 1928-1934 do Hoàng thân Xuphanuvong (Lào) thiết kế là một nét đặc biệt giữa thành phố.
Tháp nước Phan Thiết trên sông Cà Ty. |
Theo con đường ven biển để tìm đến với biển Mũi Né xinh đẹp, tụi mình đã ghé thăm một ngôi tháp Chăm trên đồi là Tháp PoShanư, một công trình kiến trúc tôn giáo của cộng đồng người Chăm nơi đây. Ngôi tháp được xây dựng vào thế kỉ 15, thờ công chúa PoShanư, con gái một vị vua, người có tài đức và phép ứng xử. Hình ảnh những người dân tộc Chăm với trang phục truyền thống làm việc tại đây là một điểm hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt nếu họ có thời gian thưởng thức những màn biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Tháp PoShanư |
Cách nội thị TP Phan Thiết 22km, trên đường đến Mũi Né - địa danh nổi tiếng về một “mũi” đất đưa ra biển được người đi biển “né” lại khi gặp bão, chắc hẳn mọi người sẽ đi qua Rạng dừa Hàm Tiến với những thân dừa cao vút ven theo đường bờ biển dài, đẹp bất tận. Chỉ có điều muốn thấy tận mắt, gần hơn nữa các bãi tắm này chính là sự cản trở bởi các resort của nước ngoài hay hợp tác liên doanh với nước ngoài. Hàng trăm resort san sát phục vụ cho những đối tượng khách nước ngoài hay những khách hạng sang. Người dân bình thường muốn tắm biển lại nô nức kéo nhau sang Hòn Rơm cách đó 3km vì chi phí gửi xe, thuê đồ, thuê chỗ ngồi cũng rẻ hơn so với ở resort. Bãi biển khá dài, nhiều dịch vụ nhưng không trong xanh như Mũi Né, ăn uống cũng rất đa dạng với các loại hải sản tươi và được chế biến tại chỗ như sò, điệp, mực trứng...
Hòn Rơm |
Buổi chiều, trên đường về, tụi mình có ghé qua Đồi cát bay, rất nhiều trẻ em khu vực này sau giờ đi học trở thành những huấn luyện viên cho một môn thể thao tại đây, đó là “trượt cát” với dụng cụ là máng trượt bằng tôn và với 10-20k sẽ kèm theo được chỉ dẫn cách trượt rất thú vị.
Môn trượt cát đầy thú vị. |
Lịch trình ngày thứ ba khi xuôi về phương nam, tụi mình lại rong ruổi dọc theo con đường ven biển, qua hàng trăm vườn thanh long - một sản vật đặc trưng của tỉnh để đến huyện Hàm Thuận Nam và chinh phục Mũi Kê Gà. Đoạn đường khá dài khoảng 40km, với nhiệt độ nắng nóng của mùa hè như thiêu rụi làn da nhưng với quyết tâm chinh phục ngọn Hải đăng Kê Gà được xác lập kỷ lục là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam khiến tụi mình càng hào hứng.
Gần đến nơi, đã nhìn thấy hải đăng từ phía xa mà chưa thấy lối rẽ vào thì có tiếng gọi của một thanh niên, ra là a này là chủ thuê canoe mà sau đó tụi mình phải đi mới ra đến Mũi đất đó được.
Hải đăng Mũi Kê Gà (Hàm Thuận Nam) |
Ngọn hải đăng sừng sững với 183 bậc thang xoáy ốc để chinh phục đỉnh cao nhất và ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp của nơi đây, sự hòa quyện các màu xanh: màu xanh của trời, của biển, của cây cối tạo nên một bức tranh tuyệt vời với lòng tự hào về biển, đảo quê hương như lời bài hát Biển hát chiều nay: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam…”
Nơi đây khá là hoang sơ với các dịch vụ chưa phát triển. |
Cảnh đẹp là vậy nhưng nơi đây khá là hoang sơ với các dịch vụ chưa phát triển, vài hàng quán thưa thớt và thuê canoe, dịch vụ nơi đây chưa đáp ứng được nhu cầu và điểm du lịch chưa tạo được ấn tượng với khách du lịch sẽ là điều đáng tiếc với du lịch Bình Thuận.
Rời Bình Thuận với nhiều điều còn bỏ ngỏ, nhiều điểm du lịch chưa được đặt chân đến và hẹn nhất định sẽ quay lại lần sau để khám phá Chùa Núi Tà Cú, Bàu Trắng hay Cù Lao Câu…
"Việt Nam diệu kỳ" là cuộc thi dành cho các độc giả yêu thích du lịch. Độc giả gửi bài dự thi dưới dạng bài cảm nhận chuyến đi, hướng dẫn về các điểm du lịch độc đáo, hoặc đưa ra những sáng kiến để phát triển du lịch Việt. Ngoài dạng bài viết, bạn có thể gửi bộ ảnh hoặc clip. Bên cạnh giải nhất 30 triệu đồng, cuộc thi "Việt Nam diệu kỳ" còn có những giải thưởng hấp dẫn khác như tour du lịch nội địa, kỳ nghỉ ở resort 4 sao.
Xem thông tin về thể lệ cuộc thi TẠI ĐÂY.
* Để bình chọn cho bài viết, bạn vui lòng Vote trên trang fanpage Zing.vn TẠI ĐÂY