Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đỉa rừng dài 5 cm sống bám trong khí quản suốt một tháng

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, các bác sĩ đã tiến hành nội soi phát hiện một con đỉa rừng trong đường thở của bệnh nhân.

Theo bệnh nhân L.T.T., 43 tuổi, sống tại Bắc Kạn, cách ngày vào viện khoảng một tháng, bệnh nhân đi rừng có uống nước khe suối. Khoảng 10 ngày trước khi ngày vào viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nuốt vướng, ngứa họng, khản tiếng, ho khạc ra máu tươi lẫn máu cục, mệt mỏi, ngủ kém.

Bệnh nhân đã đi khám và điều trị ở y tế tuyến dưới một tuần nhưng không đỡ, được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Bệnh nhân được chẩn đoán có dị vật đường thở và được chuyển vào khoa Nội Hô hấp.

Dia dai 5 cm song bam trong khi quan anh 1
Hình ảnh đỉa trong khí quản bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Tại đây, các bác sĩ khoa Nội Hô hấp kết hợp với khoa Nội Tiêu hóa đã tiến hành nội soi phát hiện có một con đỉa rừng trong đường thở của bệnh nhân. Ngay lập tức, bác sĩ quyết định thực hiện gắp con đỉa đang ký sinh ra khỏi khí quản của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Chu Thị Thu Lan, Trưởng kíp nội soi, các bác sĩ thường gặp đỉa ở mũi, tai, còn ở vị trí khí quản rất hiếm gặp. Ca nội soi gặp khó khăn do con đỉa di chuyển lúc lên lúc xuống giữa hai dây thanh khí quản, bệnh nhân ho nhiều nên rất khó gắp. Bằng kinh nghiệm, sự hỗ trợ của phương tiện trang thiết bị hiện đại, bác sĩ đã gắp ra khỏi khí quản của người bệnh con đỉa dài hơn 5 cm.

Qua sự việc trên, bác sĩ khuyến cáo người dân, nhất là người sinh sống ở miền núi, không nên dùng nước trong các khe suối khi đi rừng, rất dễ bị đỉa, vắt và các loại ký sinh khác xâm nhập vào cơ thể.

Những loài đỉa sống ở dưới nước ngẫu nhiên chui vào cơ thể người khi uống nước qua đường miệng hoặc chui vào đường tiết niệu, sinh dục do tắm lâu dưới nước. Bệnh do đỉa chui vào cơ thể người đã gặp ở nhiều nơi trên thế giới. Khi uống nước lã, đỉa nhỏ có thể chui vào miệng, bám vào niêm mạc hầu, xuống thực quản, lên mũi; do hít sâu nên đỉa có thể xuống tới phế quản. Đỉa thường bám vào thanh quản, hầu, mũi, họng, thực quản.Triệu chứng thường gặp là chảy máu liên tục do đỉa tiết ra chất hirudin có tác dụng chống đông máu, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Triệu chứng chảy máu được phát hiện dưới các hình thức ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu.

Đỉa thường bám vào một vị trí nào đó để hút máu nên chúng gây ra những triệu chứng như tăng áp lực, khó chịu, đau, thần kinh bị kích thích bắt nguồn từ nơi bị ký sinh; rối loạn chức năng cơ quan bị đỉa ký sinh, bội nhiễm vi khuẩn gây viêm ở nơi đỉa bám hút máu; có thể gây ổ áp xe ở lớp dưới niêm mạc.Nếu bị chảy máu kéo dài sẽ gây thiếu máu. Nếu đỉa bám vào thanh quản, bệnh nhân ho liên tục, đờm có chất nhầy, máu; người bệnh bị đau ngực, khó thở, nói khàn giọng, tím tái, đôi khi mất tiếng nói.Nếu đỉa ký sinh ở hầu, khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong. Nếu đỉa ký sinh ở lưỡi gà, thực quản sẽ gây triệu chứng nuốt khó, nôn ọe.

Đỉa có thể chui vào âm hộ gây chảy máu kéo dài; có thể chui vào đường sinh dục của nam giới gây chảy máu đường tiết niệu. Khi đỉa chui vào mắt gây chảy máu ở mắt; người bệnh sợ ánh sáng, chảy nhiều nước mắt.

Tắm suối ngày nghỉ lễ, hai cha con bị đỉa chui vào mũi

Đi tắm suối trong dịp nghỉ lễ, hai cha con ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị đỉa chui vào mũi. Rất may, các bác sĩ đã phát hiện, phẫu thuật gắp dị vật ra ngoài kịp thời.


https://suckhoedoisong.vn/dia-dai-5cm-song-bam-trong-khi-quan-nguoi-dan-ong-suot-1-thang-n157767.html

Theo Lê Hồng/ Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm