Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nỗi sợ Covid-19 ngày càng ăn sâu vào đời sống người dân Nhật Bản.
Các công đoàn lao động cho biết họ nhận đượ nhiều báo cáo từ các nhân viên đang chịu sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Những người này không chỉ bị cấp trên bắt nạt mà còn bị nhiều khách hàng quát tháo, xúc phạm chỉ vì không đáp ứng đủ loại hàng hóa họ cần mua.
Một người phụ nữ trung niên tại thủ đô Tokyo - nơi có số ca nhiễm cao nhất Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Một người phụ nữ 73 tuổi làm việc tại nhà máy sản xuất ở tỉnh Nara (Nhật Bản) cho biết cấp trên quát các nhân viên đứng tránh xa ra. Một lần khác, vị sếp đó hét vào mặt một đồng nghiệp của bà khi hai người định ngồi cạnh nhau khi ăn trưa.
Sự việc trên khiến bà cảm thấy đau lòng. Bà nói: “Lý do duy nhất tôi có thể nghĩ đến là vì mình đến từ Osaka, nơi có số ca nhiễm Covid-19 chỉ xếp sau thủ đô Tokyo”.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Osaka ghi nhận hơn 1.200 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong khi tỉnh Nara chỉ có khoảng 60 ca.
Tổng Liên đoàn Nhật Bản, tổ chức lao động lớn nhất của quốc gia, cũng ghi nhận một trường hợp phân biệt đối xử khác liên quan đến dịch bệnh. Cấp trên của một công ty chỉ cho phép các nhân viên trẻ tuổi đi làm bởi họ ít nguy cơ mắc Covid-19 hơn.
Ngay cả y bác sĩ và bệnh nhân cũng bị kỳ thị ở Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Một cán bộ Tổng Liên đoàn khẳng định: “Không chỉ riêng việc phản ứng thái quá, những hành động và phát ngôn không phù hợp cũng được xét là hành vi phân biệt đối xử. Điều này gây bất an và căng thẳng cho mối quan hệ giữa con người với nhau, từ đó có thể dẫn đến các hành vi kích động khác”.
Theo kết quả cuộc khảo sát tháng trước của Hiệp hội Siêu thị Quốc gia Nhật Bản, số lượng khách hàng trút giận lên nhân viên ngày càng tăng do nhiều sản phẩm cháy hàng. Có người yêu cầu nhân viên phải lấp đầy kệ trống ngay lập tức. Có người lại khiếu nại cửa hàng chỉ vì những tin đồn thất thiệt.
“Nhiều siêu thị, cửa hàng vừa phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên, vừa kiểm kê và xếp hàng hóa, lại vừa giải quyết các khiếu nại từ khách hàng”, hiệp hội cho biết.
Bên cạnh đó, một số trường hợp kỳ thị nhân viên y tế và các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng xảy ra. Nhiều người đổ tội cho các bệnh nhân, cho rằng tất cả do lỗi của họ.
Số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản vẫn tăng từng ngày. Ảnh: Reuters. |
Bà Keiko Fujino thuộc Viện Phát triển đa dạng và Trao quyền Phụ nữ Nhật Bản cho rằng các hành vi kỳ thị liên quan đến dịch bệnh hiện nay giống những hình thức quấy rối khác, và mọi người nên mạnh dạn tố cáo.
Ngoài ra, bà cũng kêu gọi người dân Nhật Bản hãy lựa chọn từ ngữ cẩn thận khi phát ngôn trên mạng xã hội. Theo bà, mặc dù đây là thời điểm khó khăn toàn quốc, mọi người vẫn cần thể hiện sự tôn trọng và phép lịch sự đối với người khác.