Zing.vn trích dịch bài viết trên CNN, đề cập đến thực trạng người dân Nhật Bản hầu hết không làm việc tại nhà mà vẫn thường xuyên di chuyển trên các phương tiện công cộng đông đúc để đến văn phòng làm việc.
Đến tận vài tuần trước, Hideya Tokiyoshi, 52 tuổi, người mỗi ngày phải đi từ quận Saitama đến thủ đô để làm việc mỗi ngày, cũng nằm trong số đó.
Hideya Tokiyoshi là một giáo viên dạy tiếng Anh. Cô mới chuyển sang dạy trực tuyến sau khi học sinh bày tỏ nỗi lo lắng về đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Tokiyoshi thuộc thiểu số.
Thống đốc Tokyo – ông Yuriko Koike – đã thúc giục 13,5 triệu cư dân của thành phố làm việc ở nhà nếu có thể cho đến ngày 12/4. Các công ty lớn của Nhật Bản như Honda, Toyota và Nissan đều đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà.
Thế nhưng, nhiều nhân viên thậm chí vẫn vượt quãng đường xa để đi làm. Hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Nhật Bản vẫn hoạt động hết công suất.
Hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Nhật Bản vẫn hoạt động hết công suất. Ảnh: CNN. |
Đó là câu chuyện trên khắp Nhật Bản, nơi khoảng 80% các công ty không có khả năng cho nhân viên làm việc ngoài văn phòng, theo dữ liệu chính phủ nước này công bố năm 2019.
Thủ tướng Shinzo Abe mới đây đã từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp của đại dịch trên cả nước cho nên các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn trong việc thực thi cách ly xã hội. Trên lý thuyết, nhân viên vẫn có quyền hợp pháp đến văn phòng làm việc.
"Thông tin về Covid-19 luôn thường trực trong tâm trí chúng tôi và người dân Nhật sợ hãi nhiều hơn bạn tưởng. Nhưng ở đây, công việc luôn là ưu tiên cao nhất. Trừ khi chính phủ ra lệnh đóng cửa tất cả các doanh nghiệp (chỉ với một vài sự miễn trừ), không thì chẳng có ai chịu ở nhà. Chúng tôi là nô lệ của công việc”, Tokiyoshi viết trên Twitter.
Tác phong làm việc lạc hậu
Thế vận hội Tokyo 2020 đáng ra được tổ chức nhằm thể hiện Nhật Bản là một quốc gia công nghệ cao thông qua hình ảnh những chú robot dẫn khách đến tận chỗ ngồi hay những thiên thạch nhân tạo trên bầu trời.
Nhưng trên thực tế, người dân nước này có xu hướng cố hữu với cách thức làm việc truyền thống hơn.
Chẳng hạn, máy fax vẫn là vật cố định trong nhiều văn phòng và mọi người vẫn sử dụng tem của công ty thay cho con dấu phê duyệt mang tính bảo mật đối với các tài liệu quan trọng.
Tại Nhật Bản, tem cá nhân và tem công ty được ưa chuộng hơn chữ ký điện tử hoặc viết tay.
Trong đại dịch, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển sang phần mềm nhắn tin và hội nghị video để giữ nhịp độ công việc.
Rochelle Kopp là một nhà tư vấn kinh doanh của Công ty tư vấn đa văn hóa Nhật Bản. Với kinh nghiệm làm việc với cả Nhật Bản và Mỹ trong hơn ba thập kỷ, ông cho rằng các công ty Nhật Bản đã không đầu tư đủ nguồn lực công nghệ thông tin để làm điều tương tự.
“Nhiều nhân viên không có máy tính xách tay để mang về nhà, các công ty không có mạng riêng ảo (VPN) hoặc khả năng truy cập từ xa vào máy chủ, có nghĩa là mọi thứ chỉ có thể được truy cập trực tiếp tại văn phòng”, Kopp nói.
Theo Misaki Togoshi, phát ngôn viên của Bộ Lao động Nhật Bản, để thúc đẩy sự thay đổi trong văn hóa làm việc khi cuộc khủng hoảng Covid-19 còn tiếp diễn, Bộ đang cung cấp các khoản tài trợ lên tới 77.000 USD để giúp các công ty vừa và nhỏ chuẩn bị tổ chức làm việc tại nhà.
Các công ty Nhật Bản đã không đầu tư đủ nguồn lực công nghệ thông tin để phục vụ làm việc tại nhà. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản.
"Chúng tôi nhận được tới 25 đơn đăng ký mỗi ngày kể từ ngày 9/3 từ các công ty muốn áp dụng phương thức làm việc từ xa, nhưng kinh phí là hữu hạn nên không phải ai cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ", Togoshi nói.
Một rào cản khác là khoảng 25% dân số Nhật Bản có độ tuổi từ 65 trở lên. Nhiều người vẫn đang đảm nhận các vị trí cấp cao và không am hiểu về công nghệ.
Ví dụ, năm 2018, Bộ trưởng Bộ an ninh mạng của nước này – lúc đó 68 tuổi – thừa nhận ông chưa bao giờ sử dụng máy tính trong suốt sự nghiệp của mình.
Văn hóa làm việc tập thể và tương tác trực tiếp
Việc miễn cưỡng đóng cửa văn phòng để làm việc từ xa thể hiện rõ văn hóa làm việc căng thẳng ở Nhật Bản, nơi các nhân viên dự kiến sẽ làm việc trong nhiều giờ liền.
Jesper Kato, một nhà kinh tế và chiến lược tài chính tại Nhật Bản cho biết: "Một số nhân viên sẽ ở lại văn phòng sau nhiều giờ vì họ nghĩ rằng ông chủ có thể sẽ quay lại sau bữa tối với các cộng sự của mình. Tất cả những điều này là một phần rất thực của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản".
Sự thâm căn trong văn hóa ra quyết định tập thể ở Nhật Bản cũng có thể khiến mọi người cảm thấy bức bối khi phải làm việc ở nhà, nơi họ sẽ không được trực tiếp trao đổi ý kiến với các đồng nghiệp của mình.
Nhân viên Nhật Bản giữ khoảng cách an toàn với nhau khi đợi xe buýt. Ảnh: CNN. |
"Văn hóa làm việc ở Nhật Bản có phần đặc biệt so với các quốc gia khác, nơi mọi người có phong cách làm việc cá nhân hơn. Khi đó, họ sẽ dễ dàng chuyển sang làm việc tại nhà", Kato nói.
Tại Hong Kong, chính phủ đã làm gương bằng cách tuyên bố rằng các công chức sẽ làm việc tại nhà. Việc này lại không có tác dụng ở Nhật. Trong khi một số nhân viên chính phủ đang làm việc tại nhà, nhân viên của nhiều doanh nghiệp vẫn đến văn phòng.
Ngành công nghiệp dịch vụ là đầu tàu
Theo Cục Thống kê Nhật Bản năm 2019, hơn 70% lực lượng lao động của nước này đầu quân cho lĩnh vực dịch vụ. Nhiều người trong số những nhân viên đó gần như không thể làm việc từ xa, Kato nhận định.
Haru, một nhà trị liệu massage trong một trung tâm mua sắm ở Tokyo, vẫn bắt xe buýt đi làm mỗi ngày. Nhưng thời gian này, số lượng khách hàng hủy đặt phòng tăng lên, đặc biệt là từ khi 78 người được xác nhận dương tính với Covid-19 ở thủ đô vào ngày 31/3 – con số ca nhiễm cao nhất trong 1 ngày ở Nhật.
“Tôi cũng rất sợ vì số ca nhiễm virus đang tiếp tục tăng ở Tokyo, thực lòng tôi muốn ở nhà. Nhưng tôi vẫn phải đấu tranh tư tưởng. Nếu như ông chủ bảo chúng tôi đóng cửa và ở yên trong nhà, chúng tôi sẽ không có lý do gì để phản đối”, Haru chia sẻ.
Bebe Ishikawa điều hành một doanh nghiệp ở Tokyo, chuyên cung cấp trái cây cho các cửa hàng bánh, khách sạn và địa điểm tổ chức đám cưới. Cô quản lý 5 nhân viên trong văn phòng của mình, tất cả đều đến làm việc bình thường.
"Nếu họ đi tàu, tôi bảo họ có thể đến muộn hoặc về sớm hơn để tránh giờ cao điểm. Tôi còn khuyên họ đi xe taxi để tránh tiếp xúc với nhiều người", cô nói.
Ishikawa cho biết cô hiểu rằng nếu tình trạng dịch bệnh không tiến triển tốt, sẽ cần đến lệnh phong tỏa toàn quốc để hạn chế sự lây lan của virus, nhưng nhiều doanh nghiệp có thể phá sản trong viễn cảnh đó.
"Nếu tôi ngừng phân phối sản phẩm của mình thì điều đó cũng có nghĩa là khách hàng của tôi không thể bán hàng hóa của họ, mỗi liên kết trong chuỗi cung ứng sẽ đều bị ảnh hưởng", cô bổ sung.
Cảm giác an toàn mơ hồ
Cho đến nay, Nhật Bản - đất nước 127 triệu dân – đã ghi nhận hơn 2.300 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 57 trường hợp tử vong. Tổng cộng có 472 người đã hồi phục.
Tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp được ghi nhận đã tạo ra cảm giác an toàn ở Nhật Bản, điều này vô hình trung khuyến khích người lao động đi làm bình thường.
"Chính phủ Nhật Bản nên chặt chẽ hơn. Chính phủ nước này quá tin vào sự tự giác của người dân. Tôi nghĩ họ nên gửi một thông điệp rõ ràng và quyết đoán hơn để nói với mọi người rằng đại dịch Covid-19 thực sự nghiêm trọng."
Một số người đã vượt qua được sự trì hoãn và bỡ ngỡ ban đầu để thích nghi với lối sống online. Ảnh: Pinterest. |
Quay trở lại Saitama, cô giáo Tokiyoshi đã chấp nhận thói quen dạy học online và thừa nhận có nhiều thời gian hơn cho những sở thích cá nhân của mình. Cô cùng các học sinh đã vượt qua được sự trì hoãn và bỡ ngỡ ban đầu để thích nghi với lối sống mới này.
"Trước đây, mọi người nghĩ rằng họ sẽ không thể làm việc tại nhà vì khó có thể tập trung vào công việc. Nhưng bây giờ, tôi tin là nhiều người đã nhận ra rằng họ có thể làm rất nhiều việc ở nhà”, cô nói.