Theo công bố của trang web tuyển dụng Zhaopin China, số sinh viên tốt nghiệp đại học vào năm 2022 vượt mức 10 triệu người, một con số kỷ lục trong những năm qua.
Tính đến giữa tháng 4/2022, chỉ 46,7% tân cử nhân, kỹ sư tìm được việc làm. Con số này thấp hơn hẳn so với 62,8% sinh viên tốt nghiệp đại học có công việc năm 2021. Tình trạng này khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
Trường học ở Trung Quốc bị phong tỏa vì dịch bệnh. Ảnh: Sohu. |
Vụt mất cơ hội vì lệnh phong tỏa
Theo NetEase, Zhang Yi tốt nghiệp từ ĐH Cát Lâm - ngôi trường nằm trong dự án xây dựng các trường đại học và ngành học hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Với tấm bằng đại học danh giá của mình, cô không hề nghĩ bản thân sẽ nằm trong 53,3% số sinh viên thất nghiệp.
Hồi tháng ba, Zhang Yi tràn đầy tự tin với dự định đến thành phố phía nam thực tập. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều địa phương phải phong tỏa. Điều đó cũng khiến kế hoạch tìm kiếm việc làm của cô thất bại hoàn toàn.
Zhang Yi từng học chuyên ngành Truyền thông. Cô dự định làm thủ tục bảo lưu một thời gian ngắn để tập trung cho kỳ thực tập tại công ty lớn ở Bắc Kinh.
Đầu tháng ba, thành phố Cát Lâm bước vào trạng thái phong tỏa toàn thành. Các công ty, xí nghiệp dừng hoạt động. Tất cả trường đại học cũng tiến hành phong tỏa chặt chẽ.
Đúng thời điểm này, Zhang Yi nhận email thông báo trúng tuyển từ công ty. Tuy nhiên, trường học phong tỏa khiến cô từ bỏ cơ hội trong tiếc nuối.
Zhang Yi đành chuyển sang hoàn thành luận văn tốt nghiệp trong thời gian chưa có nơi thực tập. Cô gửi hồ sơ xin việc tới rất nhiều nơi nhưng chỉ nhận duy nhất một lời mời phỏng vấn. Kết quả lần phỏng vấn này một lần nữa khiến Zhang Yi rơi vào thất vọng.
Hoạt động tuyển dụng hàng năm tại các trường đại học trong toàn tỉnh cũng bị hoãn lại hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến. Nhu cầu tuyển dụng giảm sút. Nhà tuyển dụng và ứng viên không có cơ hội tiếp xúc khiến nhiều sinh viên lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, sự bức bối khi phải ở trong phòng ngày này qua ngày khác cùng những tin tức tiêu cực trên mạng xã hội khiến quyết tâm đến làm việc tại các thành phố lớn của Zhang Yi lung lay.
Cô không dám tưởng tượng nếu dịch bệnh một lần nữa bùng phát, bản thân mắc kẹt tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn đến mức nào.
Trải qua nhiều lần bị từ chối, Zhang Yi dần đánh mất hy vọng và có ý định chuyển hướng sang lựa chọn an toàn hơn là thi công chức để làm việc trong các cơ quan nhà nước ở quê nhà.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp lớn tại Trung Quốc khó tìm kiếm việc làm. Ảnh: Sohu. |
Thất vọng vì kỳ thi công chức bị hủy bỏ vào phút chót
Liu Shi Bing là một cô gái sinh ra tại Sơn Đông, Trung Quốc. Trong kế hoạch phát triển sự nghiệp của cô, thi đỗ kỳ thi công chức tỉnh Chiết Giang, tìm công việc thuộc biên chế nhà nước là mục tiêu lớn nhất trong những năm tới.
Liu Shi Bing chia sẻ bản thân là người không có tham vọng, thích sự ổn định nên đã vạch sẵn kế hoạch này cho bản thân từ rất sớm. Ngay từ năm thứ ba đại học, Shi Bing đã bắt đầu hành trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi công chức.
Khi học đại học năm thứ tư, nữ sinh đăng ký liên tiếp các kỳ thi công chức của tỉnh Chiết Giang, Sơn Đông, Thiên Tân và Quảng Đông.
Theo thông báo của ban tổ chức, Liu Shi Bing được sắp xếp tham gia kỳ thi của tỉnh Chiết Giang vào ngày 13/3, tại tòa nhà thuộc ĐH Cát Lâm.
Tuy nhiên, 13 tiếng trước khi bắt đầu, cô bất ngờ nhận thông báo kỳ thi bị hủy bỏ do tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng. Trừ thông báo hủy bỏ kỳ thi, Liu Shi Bing không nhận được bất kỳ tin tức nào về các biện pháp xử lý sau đó.
Cô cho biết bản thân đã tốn rất nhiều công sức để chuẩn bị cho kỳ thi, đồng thời bỏ ra khoản chi phí lớn để tham gia các lớp học bồi dưỡng. Việc kỳ thi bị hủy bỏ đột ngột, không có thông tin gì về thời gian dự kiến tổ chức trở lại khiến cô chịu đả kích rất lớn, rơi vào trạng thái hoang mang, thất vọng.
Tâm lý và sức khỏe bị ảnh hưởng vì các cuộc phỏng vấn khó khăn
Năm 2022, tỉnh Cát Lâm dự tính có 219.000 sinh viên tốt nghiệp đại học. Trong đó, một số lượng lớn rơi vào tình trạng không tìm được việc làm giống như Zhang Yi và Liu Shi Bing.
Các đợt tuyển dụng hàng năm được tổ chức tại trường bị hủy bỏ, họ chỉ còn cách túc trực trước màn hình máy tính từ sáng đến tối để tìm kiếm và chờ đợi thông tin ít ỏi từ các công ty.
Trang web tìm việc làm của trường, trang web chính thức của các công ty, các nhóm tìm việc làm cho sinh viên đại học là những nơi mà các sinh viên này phải ghé thăm vô số lần trong ngày để tìm kiếm cơ hội.
Những người may mắn nhận được lời mời phỏng vấn cũng phải đối mặt với hàng tá khó khăn trong việc chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn trực tuyến.
Mỗi đơn vị tuyển dụng sẽ có yêu cầu về không gian phỏng vấn, nền tảng phỏng vấn và góc đặt camera khác nhau. Các yêu cầu về ánh sáng, tiếng ồn, không gian phỏng vấn không được có người ngoài xuất hiện khiến những sinh viên mắc kẹt tại ký túc xá rất khó đáp ứng.
Chất lượng mạng trong trường cũng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc phỏng vấn của những sinh viên này. Việc phỏng vấn online khiến ứng viên không đoán được thái độ của nhà tuyển dụng cũng trở thành rào cản tâm lý đối với bộ phận sinh viên này.
Tình trạng kéo dài thậm chí khiến nhiều sinh viên gặp vấn đề về tâm lý, sức khỏe do quá áp lực khi tìm việc làm và phỏng vấn. Nhiều sinh viên chia sẻ đau bụng do căng thẳng là một trong những vấn đề mà họ gặp phải trước mỗi cuộc phỏng vấn sau thời gian dài sống trong lệnh phong tỏa.