Thể loại: Giả tưởng, võ hiệp
Đạo diễn: Từ Khắc
Diễn viên chính: Triệu Hựu Đình, Phùng Thiệu Phong, Lâm Canh Tân, Mã Tư Thuần, Lưu Gia Linh
Zing.vn đánh giá: 6/10
Tứ đại Thiên Vương là tập phim thứ ba trong loạt Địch Nhân Kiệt của đạo diễn Từ Khắc. |
Địch Nhân Kiệt: Tứ đại Thiên Vương diễn ra ngay sau các sự kiện của phần trước - Địch Nhân Kiệt: Thần đô Long vương (2013). Cũng cần phải nói thêm rằng cả hai tập đều là tiền truyện của tập đầu tiên mang tên Địch Nhân Kiệt: Bí ẩn ngọn lửa ma (2010) của ngôi sao Lưu Đức Hoa.
Sau khi phá thành công vụ án Long vương, ngăn chặn âm mưu phá hoại triều đình Đại Đường của ngoại bang, Địch Nhân Kiệt (Triệu Hựu Đình) được phong làm trưởng quản Đại Lý Tự, nhận Kháng Long Giản - thứ binh khí đúc từ thiên thạch có quyền phán xử bất cứ ai - từ Hoàng đế.
Lo sợ quyền lực của Kháng Long Giản nằm trong tay Địch Nhân Kiệt có thể gây ảnh hưởng đến uy quyền bản thân, Võ Hậu (Lưu Gia Linh) bèn ra lệnh cho tướng quân Úy Trì Chân Kim (Phùng Thiệu Phong) thu nạp một đám kỳ nhân dị sĩ ngoài giang hồ nhằm đoạt lại thần khí.
Dưới sự dung túng của Võ hậu, đám “dị nhân” không chỉ muốn giành lấy Kháng Long Giản, mà còn dự định thủ tiêu luôn cả Địch Nhân Kiệt. Vị thần thám của Đại Lý Tự nay buộc phải ẩn thân, giao mọi việc lại cho bằng hữu Sa Đà Trung (Lâm Canh Tân) và nhờ cậy chính Úy Trì Chân Kim bảo vệ Kháng Long Giản khỏi tay Võ hậu.
Nhưng không chỉ có Võ hậu hay đám kỳ nhân dị sĩ tay sai muốn chống lại Địch Nhân Kiệt. Một thế lực khác cũng đang thầm lên kế hoạch tiêu diệt cả họ Địch lẫn Đại Đường, nhằm trả thù cho mối huyết thù xảy ra cách đây nhiều năm.
Đánh mất yếu tố trinh thám
Địch Nhân Kiệt: Tứ đại Thiên Vương diễn ra nối tiếp ngay sau các sự kiện của Thần đô Long vương với các tuyến nhân vật chính đều quay trở lại. Do đó, dù bộ phim mới sở hữu câu chuyện riêng độc lập, khán giả vẫn cần theo dõi tập trước để có thể nắm rõ hoàn cảnh phim, cũng như mối quan hệ giữa các nhân vật.
Bộ phim có mở màn tương đối hấp dẫn, với âm mưu của Võ hậu nhằm sử dụng Úy Trì Chân Kim và đám kỳ nhân dị sĩ giang hồ nhằm triệt hạ Địch Nhân Kiệt.
Điều đó khiến Địch thần thám tuy là nhân vật chính nhưng gần như không thể trực tiếp ra mặt, chủ yếu hành động phía sau để chỉ đạo chiến lược. Từ đây, bộ phim ẩn chứa nhiều kế hoạch, mưu lược chờ đợi khán giả cùng khám phá.
Yếu tố trinh thám trong Tứ đại Thiên Vương rất ít. Điều này khác xa với hai tập Địch Nhân Kiệt trước của chính Từ Khắc. |
Các nhân vật khác như đám kỳ nhân dị sĩ, Võ hậu, hay Úy Trì Chân Kim đều có âm mưu riêng của bản thân, khiến cho bộ phim tương đối khó đoán định ai là bạn, ai là thù, cũng như mục tiêu thực sự của họ. Thêm vào đó, thế lực bí ẩn phía sau chưa lộ mặt cũng là yếu tố gây kích thích sự tò mò cho người xem.
Song, bản thân Tứ đại Thiên Vương lại không có một vụ án hay bí ẩn trọng tâm xuyên suốt nào để khán giả tập trung theo dõi từ đầu đến cuối. Các nhân tố bí ấn được tiết lộ rõ ràng khá sớm ngay từ giữa phim, và từ đó về sau, đây chỉ còn là một tác phẩm võ hiệp thông thường kết hợp với yếu tố giả tưởng ma quái, chứ gần như không còn chút yếu tố điều tra phá án nào nữa.
Việc này khiến phần kết của bộ phim trở nên kém hấp dẫn hơn các phần trước, khi các bên chính - tà không còn đối đầu bằng những âm mưu lắt léo, kinh thiên động địa. Đó đơn giản chỉ là một trận chiến mang đậm chất giả tưởng kỳ ảo.
Các khán giả vọng vào những âm mưu đặc sắc phía sau các vụ án bí ẩn từng xuất hiện ở hai phần trước có lẽ sẽ cảm thấy thất vọng với Tứ đại Thiên Vương.
Ưu tiên xây dựng mối quan hệ giữa các tuyến nhân vật chính
Địch Nhân Kiệt: Tứ đại Thiên Vương tiếp tục đem đến cho khán giả tuyến nhân vật chính đã xuất hiện và được giới thiệu từ phần trước. Lần này, bộ phim đi sâu khai thác cá tính và mối quan hệ giữa họ nhiều hơn.
Địch Nhân Kiệt tiếp tục là tâm điểm của tác phẩm. Lần này, bản thân nhân vật được biên kịch và đạo diễn nâng tầm. Không còn chỉ là vị quan nhỏ mới đến nhậm chức với tài năng phá án hơn người, anh giờ đây đã là trưởng quản Đại Lý Tự, được Hoàng đế ban cho Kháng Long Giản.
Tướng quân Úy Trì Chân Kim được ưu tiên thời lượng rõ rệt. |
Họ Địch phải gánh vác trách nhiệm rất lớn: vừa phải bảo vệ Đại Lý Tự cũng như bản thân mình trước sự uy hiếp của Võ hậu, vừa không để kẻ xấu gây nguy hại đến giang sơn xã tắc Đại Đường.
Giờ đây Địch Nhân Kiệt có cơ hội thể hiện mình còn là một nhà lãnh đạo tài tình, có tầm nhìn xa trông rộng, khả năng xây dựng chiến lược, chiến thuật hợp lý, bố trí nhân lực cẩn thận, phù hợp một cách chu toàn. Do đó, tuy bị Võ hậu kiềm chế và uy hiếp, buộc phải hoạt động ẩn mình phía sau hầu hết bộ phim, nhưng Địch Nhân Kiệt vẫn để lại ấn tượng tốt cho người xem.
Tướng quân Úy Trì Chân Kim - nhân vật có cá tính mạnh mẽ và để lại ấn tượng lớn nhất ở phần trước - tiếp tục được ưu tiên thời lượng và đất diễn đáng kể. Lần này, nhân vật của Phùng Thiệu Phong bị Võ hậu ép phải đối phó với Địch Nhân Kiệt - bằng hữu tốt từng cùng phá vụ án Long vương.
Thân bất do kỷ, Úy Trì Chân Kim phải làm sao vừa không mang tiếng phản thần, vừa không làm hại bằng hữu. Nhân vật tiếp tục thể hiện cá tính mạnh mẽ, cao ngạo, đồng thời cũng rất trọng tín nghĩa. Chính loạt thử thách phải trải qua về mặt tâm lý khiến anh trở nên thú vị và có chiều sâu hơn.
Câu chuyện của Sa Đà Trung và Thủy Nguyệt mang màu sắc lãng mạn pha hài hước. Tuy nhiên, nó đôi lúc khiến mạch phim bị loãng. |
Còn nhân vật Sa Đà Trung của Lâm Canh Tân cũng có nhiều đất diễn để thể hiện năng lực và cá tính hơn. Tuy mối quan hệ mới chớm nở giữa anh và nữ sát thủ Thủy Nguyệt (Mã Tư Thuần) còn chưa đủ sâu đậm, thậm chí còn làm loãng mạch phim ở một số chỗ, nhưng về cơ bản, nó vẫn khá thú vị, giúp đem đến tiếng cười nhẹ nhàng cho tác phẩm.
Tuyến nhân vật phản diện nhạt nhòa với kế hoạch mơ hồ
Ngược lại với tuyến nhân vật chính, các nhân vật phụ của bộ phim có lối xây dựng vô cùng nhạt nhòa và mơ hồ, đặc biệt là tuyến nhân vật phản diện.
Biên kịch xây dựng tuyến phản diện ẩn với âm mưu rất kín kẽ cùng khả năng sử dụng phương thuật cực kỳ cao siêu, đến mức có thể tạo nên những ảo giác kỳ dị gây tác động đến bất cứ đối tượng nào. Song, kế hoạch của chúng quá mơ hồ và bất hợp lý.
Tuyến nhân vật phản diện trong phim tỏ ra thiếu thuyết phục. |
Với khả năng cao siêu vượt trội đến vậy, có nhiều cách đơn giản hơn nhiều để thực hiện mưu đồ tiêu diệt Đại Đường, thay vì những chiêu trò có phần phô trương nửa vời như trong bộ phim thể hiện. So với âm mưu của phe phản diện trong hai tập Địch Nhân Kiệt trước, mưu đồ lần này bị thiếu thực tế và kém ấn tượng hơn hẳn.
Chính bởi khả năng sử dụng phương thuật quỷ dị của phe phản diện quá cao siêu, nên biên kịch với đạo diễn đành phải tạo nên cách giải quyết vấn đề không kém phần mơ hồ là thông qua Phật pháp.
Điều đó khiến cái kết của Địch Nhân Kiệt: Tứ đại Thiên Vương trở nên thiếu thuyết phục và mang nặng tính giáo điều, không tương xứng với kỳ vọng ban đầu, đồng thời khiến vai trò của tuyến nhân vật chính đột ngột giảm đi một cách không hợp lý.
Chưa kể, tuyến nhân vật phản diện được xây dựng có phần thần bí, mờ ảo, với quá khứ đau thương chỉ được thể hiện mơ hồ qua vài lời kể. Do đó, khán giả rất khó để hiểu hay thông cảm cho hoàn cảnh, quá khứ cũng như mục tiêu của chúng.
Sự xuất hiện của Phật pháp khiến kết phim mang nặng tính giáo điều một cách không cần thiết. |
Hiệu ứng hình ảnh của bộ phim có chất lượng tương đối tốt so với trình độ chung của khu vực. Song, đạo diễn Từ Khắc có phần lạm dụng kỹ xảo hình ảnh ma quái, giả tưởng một cách không cần thiết, khiến tác phẩm đánh mất đi yếu tố chân thực cần thiết, và trở nên lạc lõng hơn nếu đặt cạnh hai tập trước.
Nhìn chung, Địch Nhân Kiệt: Tứ đại Thiên Vương là một bộ phim tương đối hấp dẫn, với hệ thống nhân vật ấn tượng cùng hiệu ứng kỹ xảo hoa mỹ. Dù yếu tố trinh thám hầu như không còn nữa khiến bộ phim thiếu đi sự bí ẩn, kịch tính cần thiết, đây vẫn là một tác phẩm giải trí chấp nhận được đối với số đông đại chúng.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.