Chiều muộn ngày 10/8, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã tiến hành cuộc họp về phòng chống dịch.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp.
Các tỉnh có số mắc trên 100.000 dân cao nhất cả nước là Đà Nẵng (507,9), Bình Dương (232,5), Hà Nội (154,2), Khánh Hòa (134,4), TP.HCM (118,6).
Ở khu vực Miền Bắc, đa số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên 15 tuổi (80%), trong khi ở khu vực miền Nam, đa số mắc dưới độ tuổi này (53%). Hiện tại, Hà Nội là thành phố có số ca tử vong cao nhất. Số bệnh nhân đang còn phải điều trị tại bệnh viện là 1.673 trường hợp (12% tổng số bệnh nhân).
Diễn biến số mắc theo tháng tại Hà Nội từ 2006 đến nay. Đồ họa: Bộ Y tế cung cấp. |
Cục Y tế dự phòng nhận định dịch bệnh tại Hà Nội đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Nguyên nhân là nền nhiệt độ trung bình năm 2017 của khu vực miền Bắc cao hơn các năm trước, mùa mưa đến sớm tạo thuận lợi cho muỗi phát triển; điều kiện vệ sinh môi trường, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu lán trọ, nhà tập thể cũ, các khu đất trống xen kẹt, công trường với nhiều dân vãng lai đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn.
Bên cạnh đó ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong việc phun hóa chất xử lý ổ dịch. Thực tế, 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất.
Đặc biệt, khác với các năm trước chỉ ghi nhận hai type virus Dengue gây bệnh là D1 và D2, năm nay Hà Nội đã phát hiện thêm type D4, càng làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh.
Theo nhận định của Bộ Y tế, thời gian tới dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.