Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khoa đang trở nên quá tải khi phải gánh cùng lúc hai dịch bệnh theo mùa là sởi và chân tay miệng. Đặc biệt, số bệnh nhi chân tay miệng nhập viện liên tục. Một số thời điểm, khoa phải tiếp nhận và điều trị hơn 240 bệnh nhi. Do dịch sởi và chân tay miệng không thể ở chung một khoa, ảnh hưởng đến vấn đề chống dịch, bệnh viện buộc phải cải tạo căn tin thành phòng bệnh và kê thêm giường mới đáp ứng đủ lượng bệnh nhi nhập viện gia tăng.
“Nguyên nhân dịch chân tay miệng bùng phát được cho là đến chu kỳ hàng năm song song đó có hai chủng virus mới nên khiến nhiều trẻ mắc bệnh. Thông thường, thời gian điều trị theo phác đồ cho các bệnh nhi này chỉ từ 4 ngày đến một tuần. Tuy nhiên, lần này, chúng tôi phải theo dõi kỹ nên thời gian nằm viện kéo dài hơn. Thời điểm này mới chỉ là đầu mùa dịch, nếu khống chế ở mức trung bình đến cuối tháng 11 dịch sẽ hết”, bác sĩ Khanh nói.
![]() |
Căn tin bệnh viện biến thành phòng bệnh để tiếp nhận thêm 50 bệnh nhân mắc chân tay miệng. Ảnh: Minh Anh. |
Chiều ngày 3/10, tại khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, khoảng 20-30 bệnh nhi mắc chân tay miệng trong tình trạng nặng được theo dõi tích cực. Nhiều bệnh nhi phải hỗ trợ máy thở và được bác sĩ theo dõi 24/24. Hiện tại, bệnh viện vẫn còn hơn 150 trẻ nằm điều trị tại khoa.
Tại căn tin, anh Hoàng Hữu Thuấn (43 tuổi, con nhỏ 9 tháng tuổi) cho biết bé sốt cao đã nhập viện tuyến dưới không khỏi nên chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Không khí bệnh viện căng thẳng từ phòng chăm sóc đặc biệt cho đến hành lang, tiếng trẻ em khóc vì sốt cao vang khắp nơi. Mỗi ca trực gồm 3 bác sĩ cùng 5 điều dưỡng phải chăm sóc, khám cho khoảng 100 bệnh nhi.
Bệnh viện vẫn đang tiếp nhận hàng chục bệnh nhi mắc chân tay miệng từ tuyến dưới đổ về.
![]() |
Bác sĩ Khanh đang khám cho những bệnh nhi mắc chân tay miệng nặng đang chăm sóc ở phòng đặc biệt. Ảnh: Minh Anh. |
Theo báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, Cục y tế Dự phòng - Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm, 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên cả nước. Trong đó, 25.845 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong ở khu vực phía Nam. Đặc biệt, dịch bệnh và dịch sởi đang bùng phát mạnh ở khu vực Đông Nam Bộ với diễn tiến rất phức tạp.
10 ca mắc tay chân miệng do nhiễm khuẩn EV71 tại Hà Nội
EV71 là loại virus gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn.
6 trường hợp tử vong vì tay chân miệng, Bộ Y tế khẩn cấp chống dịch
Bệnh tay chân miệng thường có diễn biến nhẹ nhưng cũng có thể gặp biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng ở trẻ
Nhiệt độ cơ thể tăng, phát ban trên da, lưỡi, ăn kém... là những dấu hiệu cảnh báo con bạn có thể mắc bệnh tay chân miệng.