Dịch vụ cho thuê xe dịp lễ tăng giá gần gấp rưỡi
Do cung không đủ cầu nên dịch vụ cho thuê xe ôtô trong những ngày lễ thường rơi vào tình trạng “cháy” xe, do đó giá thuê xe được đẩy lên cao hơn so với ngày thường từ 30-40%.
Theo các công ty và cửa hàng cho thuê xe ôtô, khách thuê xe dịp lễ 30/4-1/5 năm nay bắt đầu đặt xe ngay từ đầu tháng Ba. Đến cuối tháng Ba, các hợp đồng cho thuê xe gần như đã kín lịch. Nhiều doanh nghiệp cho thuê xe đã phải từ chối phục vụ khách hàng từ những tuần đầu tháng Tư vì không còn xe trống.
Theo khảo sát tại Hà Nội, các cửa hàng cho thuê xe tập trung nhiều ở các tuyến phố như La Thành, đường Láng, Lê Văn Lương, Nguyễn Khang, Trần Khát Chân. Các cửa hàng cho thuê xe đều tập trung nhiều mẫu xe phong phú, từ các dòng xe cũ như Matiz, Kia morning, Getz đến các dòng xe hạng trung là Toyota Yaris, Honda Civic, Focus, hay những dòng hạng sang như BMW, Mercedes, Toyota Camry, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Tuy nhiên, do nhu cầu thuê xe tăng cao nên giá thuê xe trong những ngày này được đẩy lên cao. Theo một nhân viên cửa hàng cho thuê xe trên đường Trần Khát Chân, thông thường giá thuê xe những ngày lễ thường tăng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với ngày thường mà vẫn không đủ xe. Cụ thể, hiện nay giá thuê xe 7 chỗ có người lái (2 lượt) cho quãng đường 80km là 1,5 triệu đồng/chuyến; xe 16 chỗ (chỉ 1 lượt) cho quãng đường 150km là 2,8 triệu đồng/chuyến; xe 24-29 chỗ cũng cho quãng đường như trên từ 4-4,2 triệu đồng.
Còn với xe tự lái, giá thuê tăng từ 200.000-300.000 đồng/ngày. Cụ thể, nếu như ngày thường, giá thuê xe 4 chỗ như Kia Morning có giá 600.000 đồng/ngày, thì những ngày cao điểm giá dao động từ 900.000-1 triệu đồng/ngày. Tương tự, Honda Civic, Corolla Altis tăng từ 1,3-1,5 triệu đồng/ngày. Đặc biệt, các dòng xe 7 chỗ như Innova có giá tăng cao nhất, khoảng 500.000 đồng/xe, với giá thuê là 1,5-1,7 triệu đồng/ngày, xe Santafe có giá hơn 2 triệu đồng/ngày.
Ngoài ra, phí lưu đêm từ 100.000-200.000 đồng/ngày, tùy từng loại xe. Lý giải nguyên nhân tăng giá, chị Thu Quế - nhân viên cửa hàng cho thuê xe trên đường Trần Khát Chân, cho biết dịch vụ cho thuê xe chỉ tăng cao vào các dịp lễ, Tết, còn ngày thường lượng khách thuê ít, có những tháng hầu như không có hợp đồng nào, trong khi đó, hàng tháng vẫn phải trả tiền phí gửi xe, tiền xăng dầu, bảo trì, bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, do lo ngại kinh tế khó khăn, các đơn vị sợ ít người thuê nên không dám đầu tư thêm xe khiến thị trường xe cho thuê trở nên khan hiếm, đẩy giá tăng cao. Cũng theo chị Quế, giá thuê cao hay thấp còn phụ thuộc vào chất lượng của xe cũ hay mới, xe rẻ tiền hay xe đắt tiền, loại xe to hay nhỏ. Anh Đức Long, chủ cơ sở cho thuê xe trên đường Đê La Thành, cho biết rủi ro khi cho thuê xe tự lái là rất cao. Chính vì thế, ưu tiên hàng đầu vẫn là khách hàng thân quen.
Vì vậy, yêu cầu mà các nhà xe đưa ra là phải có chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe ôtô, giới hạn 250 km/ngày (số km phụ trội sẽ tính thêm tiền từ 2.500-3.000 đồng/km). Có nơi còn yêu cầu khách hàng phải đặt cọc bằng tiền mặt khoảng 20-30 triệu đồng (tùy giá trị từng loại xe). Còn với các dòng xe đắt tiền, thủ tục thuê xe chặt chẽ hơn như người thuê xe phải có hộ khẩu Hà Nội, bằng lái xe phải được cấp trên 6 tháng, phải đặt chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và tài sản có giá trị.
Ngoài ra, các cửa hàng cho thuê xe đều từ chối các hợp đồng thuê ngắn hạn, khách phải ký hợp đồng thuê xe trọn 5 ngày nghỉ lễ. Theo kinh nghiệm của anh Mạnh Hiếu (phố Hoàng Cầu), kiểm tra xe là khâu quan trọng khi thuê xe, không nên căn cứ vào vẻ bề ngoài của xe mà nên chú ý đến chất lượng xe, có thể nhờ người có kinh nghiệm đi cùng.
Ngoài ra, khách hàng nên xem xét các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt cần thỏa thuận kỹ với công ty cho thuê xe về những hỏng hóc để tránh xảy ra những rắc rối sau này.
Theo Vietnam+