Theo phổ điểm các môn thi THPT quốc gia 2019 do Bộ GD&ĐT công bố, các môn trắc nghiệm không có bài thi 0 điểm. Thực tế, gần 1.000 điểm 0 đã được ghi nhận ở 8 môn trắc nghiệm. Nhiều điểm 0 trong số đó do sai sót trong chấm thi tại Tây Ninh đã được phúc khảo và tăng điểm mạnh.
Gần 1.000 điểm 0 ở các bài thi trắc nghiệm
Sau khi công bố điểm thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT đồng thời công bố phổ điểm các môn. Điều đáng chú ý, môn duy nhất có điểm 0 trong phổ điểm là Ngữ văn với 9 bài thi. Trong khi năm 2018, môn Toán đã có gần 1.000 điểm 0 gây khó hiểu cho các chuyên gia.
Nhìn từ vụ việc 58 bài thi trắc nghiệm 0 điểm của Tây Ninh thay đổi mạnh sau phúc khảo, rõ ràng đã có những bài thi 0 điểm ở những môn khác ngoài Ngữ văn. Không chỉ riêng Tây Ninh, một số địa phương khác cũng phát hiện có điểm 0 ở các bài thi trắc nghiệm.
Thậm chí, nhiều thí sinh còn bị 0 điểm ở cả 3 môn trong một bài thi tổ hợp. Cụ thể, thí sinh Lê Quang Kỳ là học sinh giỏi quốc gia môn Tin học nhưng 3 bài thi Lý, Hóa, Sinh của Kỳ đều 0 điểm. Sau phúc khảo, điểm của thí sinh này mới được trả về đúng với bài làm của em.
Phổ điểm môn Toán năm 2018 có gần 1.000 điểm 0 nhưng năm 2019 lại không có bài thi nào môn này 0 điểm. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
Theo thống kê dữ liệu điểm thi 2019 của Zing.vn, chỉ riêng môn Văn cả nước đã có 187 bài thi 0 điểm. Trong khi con số này được Bộ GD&ĐT công bố chỉ có 9.
Trái ngược hoàn toàn với số liệu Bộ GD&ĐT công khai, 8 môn thi trắc nghiệm còn lại đều có điểm 0. Cụ thể, môn Toán có 82 bài thi điểm 0, Vật lý là 50 bài, Hóa học 57 bài, Sinh học có 53 điểm 0. Con số này ở môn Lịch sử là 166, Địa lý là 230, Giáo dục công dân: 101, tiếng Anh: 109.
Mỗi môn trắc nghiệm có hàng chục đến hàng trăm điểm 0, thậm chí riêng số lượng bài thi 0 điểm môn Văn mà Bộ GD&ĐT công khai cũng không chính xác.
Về vấn đề này, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, cho biết một số thí sinh vắng thi sẽ bị phần mềm cho điểm 0. Do đó, các thí sinh này sẽ bị loại để bảo đảm tính chính xác của phổ điểm. Bên cạnh đó, bộ phát hiện một số thí sinh bị điểm 0 bất thường nên bỏ ra khỏi phổ điểm và yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát.
Tuy nhiên, tính toán theo báo cáo nhanh về số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 và số bài thi được chấm trong dữ liệu điểm thi, rõ ràng số thí sinh vắng đã được Bộ GD&ĐT trừ đi. Nên những điểm 0 trên khó có thể là của thí sinh vắng.
Những điểm 0 lạ
Ngoài Tây Ninh, Zing.vn cũng phát hiện nhiều điểm 0 lạ ở các địa phương khác. Đáng chú ý, nhiều thí sinh điểm thi các môn khác đều rất khả quan nhưng lại bị một môn thi 0 điểm.
Ví dụ, trường hợp thí sinh ở Đồng Nai có số báo danh 48011xxx dự thi các môn Toán, Văn, Tiếng Anh và bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên. Điểm số các môn thi lần lượt của thí sinh này là Toán: 7,8, Ngữ văn: 5; Vật lý: 5,75; Sinh học: 7,25; Lịch sử: 6; Tiếng Anh: 0 điểm.
Điểm thi của một số thi sinh khá tốt nhưng lại có một bài thi 0 điểm. |
Một thí sinh khác tại Đồng Nai có số báo danh 48021xxx dự thi các môn Toán, Văn, Tiếng Trung và bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội. Kết quả của thí sinh này lần lượt là: Toán: 7,2; Ngữ văn: 6,25; Lịch sử 7,25; Địa lý: 8, Giáo dục Công dân: 9, Tiếng Trung: 0 điểm.
Một trường hợp khác cũng có điểm 0 đáng ngờ ở môn Tiếng Anh là thí sinh có số báo danh 55008xxx tại Cần Thơ. Kết quả thi THPT quốc gia của em này là: Toán: 7,8; Ngữ văn: 5,75; Vật lý: 4,5; Hóa học: 8,75; Sinh học: 8,75; Tiếng Anh: 0 điểm.
Bộ GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh sự cố sai sót trong chấm thi dẫn đến sai lệch kết quả hàng chục bài thi chỉ diễn ra tại Tây Ninh. Nhưng việc cơ quan đầu ngành giáo dục mập mờ trong dữ liệu điểm, đặc biệt là sự vắng mặt của những điểm 0 - điều được nhiều người ví khó như lên trời trong kiểm tra trắc nghiệm - không khỏi khiến người ta nghi ngờ về sự chính xác trong việc công bố điểm và công tác chấm thi.
"Phần mềm chấm thi lỗi hay che giấu"
Nói về vấn đề này, một chuyên gia giáo dục cho rằng hình thức thi trắc nghiệm để đạt điểm 0 còn khó hơn lên trời, trừ bỏ thi, phạm quy hoặc để trắng. "Khả năng phần mềm bị lỗi hoặc che giấu", chuyên gia nhận định.
Ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn Toán, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cũng cho rằng việc các môn trắc nghiệm có hàng trăm điểm 0 là điều không tưởng. Hơn nữa việc Bộ GD&ĐT mập mờ trong chuyện công bố những điểm 0 này càng khiến ông nghi ngờ hơn về tính xác thực của điểm thi.
"Theo lý thuyết xác suất, xác suất một thí sinh nếu tô đủ tất cả 50 câu mà vẫn được 0 điểm bằng 0,000000567. Với hơn 880.000 thí sinh thi môn Toán thì nếu tất cả cùng nhắm mắt tô bừa chưa có tới một bài thi bị điểm 0. Môn Lý, Hóa, Sinh mỗi môn khoảng 330.000 thí sinh dự thi thì khả năng một em bị điểm 0 còn nhỏ hơn nữa. Bởi vậy, nếu các môn này mỗi môn có hàng chục đến hàng trăm điểm 0 là có vấn đề. Chỉ có một trong hai khả năng sau: Một là thí sinh bỏ trống không chịu làm bài. Hai là phần mềm chấm thi có vấn đề", ông Vĩnh phân tích.
Chuyên gia này cho rằng khó có chuyện thí sinh đi thi mà bỏ trắng bài, đặc biệt với hình thức thi trắc nghiệm, nên khả năng để một thí sinh bị điểm 0 về mặt thực tế là không có. Vậy có hàng trăm thí sinh bị điểm 0 này là do đâu? Do phần mềm chấm thi có vấn đề hay thí sinh để trống, không tô với mục đích nhờ người tô hộ nhưng không thành?
Ông cũng cho rằng việc Bộ GD&ĐT không thông tin rõ ràng số lượng bài thi điểm 0 là một sai lầm.
"Có lẽ Bộ GD&ĐT sợ khi công bố có nhiều điểm 0 lại sợ dư luận suy diễn kiểu này kiểu kia. Người ta nói con chim đã một lần trúng tên thì sợ cả cành cây cong. Tôi vẫn nghĩ với hoàn cảnh nước ta hiện nay và với mục đích tổ chức thi cử như hiện nay, thi trắc nghiệm là một sai lầm. Khi có gian trá đơn lẻ khó tìm ra thủ phạm. Kỳ thi năm nay đang được đánh giá là yên bình, không có sai phạm nhưng tôi nghĩ trong mặt hồ phẳng lặng chắc vẫn có sóng ngầm bên dưới, tuy nhỏ nhưng không phải là không có", nguyên cán bộ ĐH Nông nghiệp Hà Nội nói.