Đoạn Nguyễn Siêu, đặc biệt khúc giao với đường Ngô Văn Năm, đang trở thành điểm hẹn hò mới của giới trẻ. Trước khi cầu Ba Son được đưa vào khai thác, kết nối giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1) với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), đây chỉ là đoạn đường hẹp, nằm khuất sau những tòa cao ốc văn phòng và lẫn vào các công trường xây dựng. |
Khoảng 6 tháng trở lại đây, nhiều thương hiệu F&B có tiếng đã tập trung về khu vực này, như Katinat, Juicetin, Passio, Okkio, tạo ra không khí sôi động, nhất là tầm chiều tối, cuối tuần. |
Tối 25/6, dòng người xếp hàng đông đúc trước quầy order của thương hiệu Katinat, nơi mới khai trương 2 ngày. Cảnh tượng này cũng dễ bắt gặp ở những cửa hàng xung quanh. |
Theo ghi nhận, để gọi được đồ uống, mỗi khách có thể phải xếp hàng tới 15 phút, rồi chờ thêm 10-15 phút nữa để nhận đồ uống. Do lượng người quá đông, nhiều quán khu vực này áp dụng hình thức tự phục vụ, khách gọi đồ uống, lấy thẻ, tự đến lấy đồ tại quầy. |
Nhiều quán ở đây được xây cao tầng nhằm tận dụng vị trí đắc địa đón view cầu Ba Son, tòa Landmark 81, nhưng khách hàng lại ưa thích không gian ngoài trời với những chiếc bàn, ghế nhựa bày trên vỉa hè. |
Quỳnh Như (17 tuổi, TP.HCM, bên phải) cho biết thích không gian thoáng đãng, mát mẻ, lại tiện đi lại ở khu vực này. Trước đó, cô là khách quen của các quán cà phê, trà sữa ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. "Đây là lần đầu tôi đến đây và có thể sẽ trở lại nhiều lần nữa. Khu này mới, không gian rộng rãi và đón gió tự nhiên, ngồi thoải mái hơn hẳn", cô chia sẻ. |
Khu vực vỉa hè, khoảng trống phía trước các công trường, được tận dụng làm nơi gửi xe có trả phí, với mức giá 10.000 đồng/xe máy. Một số quán hỗ trợ 1/2 phí gửi xe cho khách bằng cách trừ thẳng vào hóa đơn. |
Đây cũng là một trong những lợi thế của khu vực này so với nhiều quán cà phê ở quận 1, ví dụ như khu vực Nhà thờ Đức Bà, vì không có chỗ đậu xe và phải đi bộ khá xa để uống một ly nước. |
Càng về khuya, con phố cà phê càng tập nập người trẻ ghé thăm. Trên mạng xã hội, khu vực này từng nổi tiếng vì những clip ghi nhận cảnh hàng trăm người ngồi tràn ra đường khiến lực lượng quản lý trật tự đô thị phải nhắc nhở. |
Dù vậy, so với không gian trong nhà, không gian vỉa hè cho phép các nhóm bạn đông tùy ý xoay chuyển bàn ghế, cũng như dễ trò chuyện hơn. Các lầu có điều hòa chỉ có khách tới trong ngày. |
Trong ảnh, Thủy Tiên và Thúy Vân (cùng 23 tuổi, TP.HCM) cho biết có thói quen chọn một quán cà phê mới để trải nghiệm. Lần này, tranh thủ thời tiết TP.HCM mát mẻ sau trận mưa chiều, hai người tìm đến đường Nguyễn Siêu để ngồi cà phê vỉa hè. "So với lần cuối đi qua con phố này, tôi thấy nơi đây nhộn nhịp hơn rất nhiều. Có thể nói đây là tụ điểm ăn chơi mới của các bạn trẻ", cô nói. |
Khác với khu Nguyễn Siêu - Ngô Văn Năm, cũng ở quận 1, nhiều vị trí đắc địa trên đường Tôn Thất Thiệp, ngã 6 Phù Đổng, Nhà thờ Đức Bà, Hồ Con Rùa lại chứng kiến làn sóng trả mặt bằng, các thương hiệu nổi tiếng lần lượt rời đi. |
Con người bắt đầu uống cà phê từ khi nào
Có một số bằng chứng cho thấy rằng từ xa xưa ở Ethiopia người ta ăn quả của cây cà phê, cuốn với mỡ động vật như một món ăn vặt tăng sự hưng phấn. Có chứng cứ về việc người ta uống cà phê vào cuối thế kỷ 15, nhưng không đủ để khẳng định quán cà phê đầu tiên là Kiva Han, được mở năm 1475 ở Constantinople. Trước những năm 1600 thói quen uống cà phê chưa lan đến châu Âu và việc sử dụng cà phê chủ yếu là cho mục đích y tế chứ không phải để thưởng thức.