Chu Đức Giang
Blogger
Nhắc đến Phú Yên, nhiều người nhớ tới danh xưng "xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh", điểm tham quan gành Đá Đĩa, tháp Nhạn...
Năm 2021, tháp Nghinh Phong xuất hiện khá nhiều trong các bức ảnh của dân mạng. Nhiều người gọi đây biểu tượng mới của du lịch Phú Yên nên tôi tò mò muốn quay trở lại vùng đất này chiêm ngưỡng công trình.
Có 3 lý do chính để tôi chọn Phú Yên làm điểm đến trong chuyến đi mùa hè.
- Vùng đất có lợi thế về biển cả, đồi núi, các hòn vịnh, các bãi biển trải dài xanh, sạch, đẹp.
- Người dân hiếu khách và thân thiện.
- Văn hóa ẩm thực đa dạng.
Hai ngày một đêm tại Phú Yên
Ngày 1: Hà Nội - Phú Yên (Tháp Nghinh Phong, tháp Nhạn, bờ kè Xóm Rớ, hồ Điều Hòa).
Tôi chọn The Urban là nơi nghỉ chân với giá 400.000 đồng/đêm/2 khách. Đây là mô hình homestay kết hợp cà phê view thoáng mát, phòng rộng rãi. Homestay nằm trên đường Hùng Vương - trục đường ở trung tâm - nên thuận tiện đi lại, gần biển, gần chợ và nhiều khu ăn uống. Ngoài ra, ở đây còn cung cấp dịch vụ cho thuê ôtô, xe máy.
Tôi ăn trưa muộn bằng món bánh canh hẹ tại quán Thành Tâm trên đường Điện Biên Phủ, giá 20.000 đồng/tô.
Chúng tôi chọn tháp Nghinh Phong, tọa lạc tại quảng trường Nghinh Phong, ngay trung tâm thành phố Tuy Hoà làm điểm đến đầu tiên. Đây là địa điểm check-in mới, thu hút khách tham quan.
Nổi bật nhất là 2 cột đá cao 35 m đại diện cho Lạc Long Quân và 30 m đại diện cho Âu Cơ. Dưới mỗi chân tòa tháp là 50 khối đá xếp chồng lên nhau lấy ý tưởng từ ghềnh Đá Đĩa. Du khách tự do ra vào, không mất phí tham quan.
Tiếp đến, tôi qua núi Nhạn để ngắm công trình kiến trúc tháp Nhạn, ngọn tháp Chăm duy nhất tại Phú Yên, được xây dựng vào cuối thế kỷ XI.
Cuối chiều, tôi cùng bạn đồng hành ghé sang Xóm Rớ. Nằm trên địa phận Đông Tác, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa. Không chỉ nổi tiếng là thiên đường rêu xanh, địa điểm này còn được nhiều người đánh giá lý tưởng để ngắm hoàng hôn.
Sau đó, chúng tôi di chuyển về homestay nghỉ ngơi, tắm rửa và đi ăn. Đến Phú Yên, bạn đừng bỏ qua món đặc sản cơm gà hay món bánh xèo giòn rụm.
Ngày 2: Cầu gỗ Ông Cọp, nhà thờ Mằng Lăng, gành Đá Đĩa, gành đèn Hải Đăng, đầm Ô Loan, hòn Yến, bãi Xép
Ngày thứ 2, tôi dậy lúc 7h, ăn sáng để kịp khám phá hết các điểm đến theo lịch trình lên sẵn.
Từ Tuy Hoà, chúng tôi di chuyển xe máy theo hướng quốc lộ 1A về Quy Nhơn (Bình Định). Cầu gỗ Ông Cọp cách thành phố của Phú Yên chừng 35 km. Những năm trở lại đây, cây cầu gỗ mộc mạc giữa không gian nên thơ là địa điểm được giới trẻ yêu thích. Bạn có thể để xe ở đầu cầu và vào chụp ảnh. Mức phí ở đây khá rẻ, 12.000 đồng/2 khách.
Nhà thờ Mằng Lăng cách cây cầu gỗ tôi check-in khoảng 1-2 km, đường dễ đi, dễ tìm. Nhà thờ xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic. Vẻ ngoài khoác sắc xám bao phủ rêu phong cổ kính.
Gành Đá Đĩa thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, là một trong những điểm đến du khách lần đầu đến Phú Yên không thể bỏ qua. Vé vào khu tham quan ở mức 20.000 đồng/người.
Nếu còn nhiều thời gian, bạn có thể đi thẳng qua gành đèn hải đăng cách đó không xa để tham quan, chụp ảnh check-in.
Chúng tôi ăn trưa ở đầm Ô Loan. Đây là lần thứ hai tôi trở lại ăn uống tại quán hải sản Tuấn. Với tôi, đồ ăn ở đây có giá hợp lý, không gian mát mẻ và view đẹp, thơ mộng.
Chiều, tôi chọn cung đường về Hòn Yến, khu vực vẫn còn hoang sơ, chưa khai thác nhiều về du lịch. Do đó, hệ sinh thái và thảm thực vật đa dạng, phát triển tự nhiên.
Cuối cùng, tôi ghé bãi Xép, địa danh thơ mộng từng xuất hiện trong bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Vé vào cửa là 20.000 đồng/người.
Tổng chi phí
Đa số điểm tham quan tại Phú Yên không thu phí vào cổng hoặc mức phí khá thấp, đồ ăn ngon và giá rẻ nên ngân sách chuyến đi chủ yếu dành cho vé máy bay. Bạn nên chịu khó săn vé sớm để mua được giá rẻ. Tổng cộng, tôi chi 2,8 triệu đồng cho chuyến du lịch hai ngày một đêm này.
- Vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Phú Yên: 2 triệu đồng
- Đi lại (taxi, thuê xe máy, xăng): 200.000 đồng
- Phòng homestay: 200.000 đồng/người
- Vé tham quan (gành đá đĩa, bãi Xép, gửi xe các điểm): 50.000 đồng/người
- Ăn uống, phát sinh: 400.000 đồng/người