Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm chuẩn vào lớp 10 ‘nhảy’ từ 46 lên 50,5 sau một đêm

Tăng điểm chuẩn theo ngày, trường dân lập yêu cầu phụ huynh nộp hồ sơ, đóng học phí trước ngày công bố điểm chuẩn vào công lập... là cách tuyển sinh phản cảm trong năm nay.

Hà Nội vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với sự tham gia của gần 95.000 học sinh. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2018-2019 là 63.050. Như vậy, khoảng 66% thí sinh năm nay có cơ hội theo học trường công lập. Số còn lại sẽ phải tìm phương án khác.

Điểm chuẩn nhảy từ 46 lên 50,5 điểm

Tối 29/6, sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, trường ngoài công lập THCS và THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội, phát đi thông báo mức điểm chuẩn vào lớp 10 học 2018 - 2019 là 46 điểm.

Thông báo của Trường Tạ Quang Bửu cho biết thêm thời gian hiệu lực của mức điểm chuẩn trên từ 8-11h ngày 30/6. Từ buổi chiều, mức điểm có thể thay đổi.

Đầu giờ chiều 30/6, trường này lại phát đi thông báo mới: “Chiều 30/6, trường Tạ Quang Bửu chỉ nhận 30 hồ sơ dành cho học sinh đạt điểm thi từ 49 trở lên. Điểm chuẩn ngày 1/7 sẽ được cập nhật vào 8h sáng 1/7”.

Sau một đêm, điểm chuẩn tăng lên thành 50,5 và trường công bố chỉ nhận thêm 10 hồ sơ nữa.

Trong các thông báo, nhà trường yêu cầu nộp hồ sơ nhập học gồm giấy chứng nhận điểm xét tuyển do phòng GD&ĐT xét, bản sao giấy khai sinh, các loại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, học bạ bản gốc, photo sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân, ảnh, các khoản thu tài chính.

Nhiều phụ huynh bức xúc khi điểm của con từ đỗ thành trượt sau khi điểm chuẩn liên tục thay đổi. Đối với họ, cách tuyển sinh này là "quá sức chịu đựng" khi điểm chuẩn "nhảy" từ 46 lên tới 50,5.

Ngoài ra, theo phản ánh của phụ huynh, khi nộp hồ sơ, nhà trường còn yêu cầu đóng phí ghi danh và phí dự tuyển hơn 2 triệu đồng.

tuyen sinh vao lop 10 ha noi anh 4
Yêu cầu về thủ tục nhập học vào lớp 10 của trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu. Ảnh: Đ.T.

Lợi dụng sự lo lắng của phụ huynh để trục lợi?

Trước thời điểm Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, các trường tư thục đã yêu cầu nộp hồ sơ và đóng học phí.

Cụ thể, ngày 28/6 là thời hạn nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 đợt 1 của nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội. Để hoàn thành thủ tục, học sinh phải nộp nhiều chứng từ bản gốc như học bạ, giấy chứng nhận điểm, giấy chứng nhận nghề, giấy chứng nhận ưu tiên được cộng điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và các khoản thu.

Theo một số phụ huynh, phần lớn trường ngoài công lập đều yêu cầu nộp hồ sơ và đóng học phí trước khi trường công lập công bố điểm. Điều này gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh, bởi chưa biết con mình có đỗ công lập hay không. Phụ huynh cho rằng hành vi này là "lợi dụng" sự lo lắng của họ để trục lợi.

Ngay sau khi có những thông tin trên, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn gửi hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn về việc thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.

Theo đó, sở yêu cầu hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Công văn số 1353/SGDĐT-QLT ngày 13/4 về việc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019: Đối tượng, phương thức, điều kiện, hồ sơ, thời gian tuyển sinh...

Sở yêu cầu hiệu trưởng các trường phải phân công cán bộ tuyển sinh có đủ thẩm quyền trực trong thời gian tuyển sinh đến hết ngày 15/7 (kể cả thứ bảy, chủ nhật) để hướng dẫn, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Học sinh trúng tuyển đã nộp hồ sơ vào trường, khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ, các nhà trường phải tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ.

Các trường công lập không được thu bất cứ khoản đóng góp nào, kể cả bán hồ sơ cho học sinh. Các trường ngoài công lập phải công khai mức học phí và những khoản thu của cả năm học tại địa điểm tuyển sinh.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì?

Chia sẻ với báo chí, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, thông tin ông đã nắm được thông tin Trường Tạ Quang Bửu thay đổi điểm chuẩn kết quả thi trong hai ngày.

Theo ông Dũng, trường ngoài công lập được phép tự chủ trong tuyển sinh. Nhà trường thay đổi điểm chuẩn là tùy quyết định của ban giám hiệu sau khi căn cứ lượng hồ sơ nộp về. Năm ngoái, một số trường THPT ở Hà Nội cũng làm như vậy.

Cũng theo giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, mặc dù trường Tạ Quang Bửu thay đổi điểm chuẩn không sai quy định, nhà trường cần có cách thức tuyển sinh khoa học hơn, tránh gây nhiều xáo trộn cho phụ huynh học sinh và gây dư luận xấu trong xã hội. Ông cũng khuyên phụ huynh nên cân nhắc trong việc nộp hồ sơ cho con em, không nên đua nhau, gây quá tải.

Trước đó, trả lời báo Nhân Dân, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội, khẳng định cần một tuần mới công bố điểm chuẩn lớp 10 và “không nên vội vàng”.

Sau khi có kết quả, sở phải rà soát để ghép dữ liệu với thông tin học sinh. Điểm công bố mới là dữ liệu ghép phách, số báo danh và điểm. Bây giờ phải ghép thêm các thông tin dữ liệu khác của học sinh, thông tin ở THCS, và đặc biệt là thông tin về nguyện vọng của học sinh, rà soát, đối chiếu, xong phải in ra toàn bộ.

Cả thành phố có 95.000 học sinh thì phải có một khối lượng thời gian để in ra toàn bộ. Nhưng không phải in như thế rồi chuyển cho các trường được, phải có sự phê duyệt của lãnh đạo sở, ký đóng dấu.

Trước thông tin một số trường dân lập yêu cầu nộp hồ sơ trước ngày công bố điểm chuẩn và đóng một khoản tiền, nếu sau đó rút hồ sơ thì mất nhiều triệu đồng đã đóng, phụ huynh vì lo lắng nên vẫn phải nộp, ông Toản cho hay cần phải xác minh thêm. Công lập hay ngoài công lập đều bình đẳng như nhau, học sinh có quyền lựa chọn.

Hà Nội cảnh báo giả mạo hỗ trợ chỉnh sửa tuyển sinh trực tuyến

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa phát đi cảnh báo về dịch vụ hỗ trợ chỉnh sửa thông tin học sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm