Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm lưu ý khi làm bài tốt nghiệp môn Văn theo hướng mới

Học sinh cần học thuộc các bài thơ, bởi năm nay, đề thì có thể sẽ không trích dẫn thơ.

Môn Ngữ văn năm nay có một số điểm mới trong cách ra đề và làm bài thi. Để giúp các thí sinh định hướng chuẩn xác cũng như tránh mất điểm, độc giả Phạm Quang Mỹ, hiện là giáo viên trường Quốc tế Á Châu (TP.HCM) đã đưa ra một số lưu ý quan trọng. 

Phần Đọc – Hiểu văn bản

- Đọc kỹ qua toàn bộ nội dung mà đề yêu cầu.

- Xác định rõ các biện pháp nghệ thuật; ngữ pháp tiếng Việt đã học (nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, điệp ngữ, điệp từ, liệt kê,…; câu đơn, câu ghép, câu phức; sửa lỗi sai của từ, chính tả…).

Phần Viết

Đây là phần trọng tâm trong cấu trúc đề thi Tốt nghiệp THPT. Ở phần này sẽ có 2 phần là Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.

Nghị luận xã hội: Nắm vững cấu trúc dàn ý của dạng 1 (nghị luận về một tư tưởng, đạo lý) và dạng 2 (nghị luận về một hiện tượng xã hội).

- Ở dạng 1: Đọc kỹ và tìm hiểu từ khóa (keyword) để định hướng cần làm gì và giải thích chính xác hơn.

- Ở dạng 2: Thường sẽ hướng đến những vấn đề, thực trạng đang diễn ra của xã hội. Trong phần mở bài, học sinh cần nêu được tính cấp thiết của vấn đề; thân bài nêu được các yếu tố của vấn đề, kết bài khái quát và liên hệ thực tế bản thân.

Bên cạnh đó, học sinh cần chú ý các kỹ năng làm văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; danh nhân văn hóa; đặc sản vùng miền… và văn tự sự (kể lại cuộc gặp gỡ một nhân vật, một sự kiện nào đó…).

Nghị luận văn học:

- Nắm vững nội dung tư tưởng của từng bài, các khía cạnh, vấn đề trọng tâm của từng tác phẩm.

- Hướng ra đề đối với tác phẩm thơ, học sinh cần học thuộc các bài quan trọng (Tây Tiến, Việt Bắc, Sóng, Đàn ghi-ta của Lor-ca, Đất Nước), để đề phòng trường hợp không có trích dẫn hoặc cần dữ liệu cho vào bài.

- Đối với văn xuôi, từng tác phẩm cần hệ thống kiến thức theo chủ đề một cách rõ ràng, lập sơ đồ, các ý chính cần nắm. Trong các tác phẩm văn xuôi chú ý về cách phân tích nhân vật theo trình tự như sau: hoàn cảnh, số phận, ngoại hình, tính cách, phẩm chất…

Lưu ý, khi nhận được đề thi, học sinh cần đọc kỹ đề và xác định nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau. Câu nào không biết để đó làm sau, dành thời gian làm những phần còn lại.

Độc giả Phạm Quang Mỹ

Bạn có thể quan tâm