Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những câu văn cười ra nước mắt của sĩ tử thi tốt nghiệp

“Được thả, A Phủ chạy ra khỏi nhà thống lý như một con trâu điên. Vài phút do dự, sửa sang lại trang phục Mị đã chạy theo A Phủ như mây bay, gió thổi”.

Thí sinh tự sáng tác thêm

Sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2013, một giáo viên chia sẻ cảm xúc vui buồn về những câu văn cười ra nước mắt. Cô cho biết, một thí sinh khi phân tích diễn biến tâm lý của Mị trong đêm xuân đã sáng tác thêm hành hộng của A Sử: "Anh chửi bới, sỉ nhục Mị rồi nhậu nhẹt từ sáng đến tối”.

Những bài văn ngoài sức tưởng tượng của học sinh cấp ba

Muốn trở thành hiệu trưởng ngôi trường có sân bay trực thăng, khuyên Thúy Kiều lấy đại gia hay chuyển thể tác phẩm Chí Phèo thành thơ là những bài văn độc đáo của học trò.

 

Chi tiết Mị uống rượu ừng ực từng bát được học sinh này miêu tả: “Mị hận A Sử, Mị hận đời, hận chính mình. Mị muốn tự sát. Khi Mị bị trói, Mị nghĩ rằng: Sáng mai thôi, cái lỗ nhỏ ở buồng Mị sẽ bị A sử bịt mất”.

Qua mỗi năm, những bài văn dở khóc dở cười của học trò khiến thầy cô bất ngờ. (Ảnh minh họa).
Qua mỗi năm, những bài văn dở khóc dở cười của học trò khiến thầy cô bất ngờ. (Ảnh minh họa).

Trong nhiều bài viết khác, thí sinh đã quên đi những chi tiết cơ bản thuộc tác phẩm gốc mà tự ý thêm thắt như: "Mấy năm nay, Mị sống như con chó trong nhà thống lý, chỉ biết làm hồng hộc”.

Hoặc câu thơ nguyên bản "Đất nước là nơi ta hò hẹn" trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm được học trò hồn nhiên lý giải: “Đất nước là nơi chứng kiến mối tình vụng trộm của lứa đôi”.

Cô giáo N.T.K - trường cấp 3 Minh Khai (Quốc Oai) kể lại những câu văn bá đạo khi chấm thi năm 2011: "Tôi nhớ như in trong bài thi của một thí sinh bình về câu thơ: "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", em đã nhầm tưởng địa danh Mai Châu thành tên của một cô gái nào đó sinh sống ở địa bàn mà các chiến binh Tây Tiến đóng quân. Vì vậy, em đã sáng tác thêm vào bài viết: "Có lẽ dù chiến tranh có đi qua, các chiến binh Tây Tiến trở lại làng quê cũ nhưng hình ảnh cô em gái Mai Châu ngày đêm tảo tần nấu món xôi nếp cho họ ăn sẽ không bao giờ phai trong lòng các anh bộ đội". 

"Khi đọc đến đây, tôi thật sự cảm thấy choáng, không dám tin vào mắt mình nữa" - cô giáo cho biết.

Biện pháp... siêu so sánh

Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2009, một loạt những câu văn dạng so sánh hài hước đã được giáo viên kể lại. Mị là cô gái xinh đẹp, khéo léo, nết na nhưng qua con mắt của thí sinh lại được miêu tả giống... con heo: "Khi A Phủ đến thuê cho nhà thống lý với công việc chăn trâu, sau một thời gian qua Mị vẫn ngồi trong chuồng heo, giống một con heo đang tìm chỗ trốn mà cứ người khác”.

Nhà thống lý Pá Tra giàu có, đã biến Mị trở thành người con dâu gạt nợ: "Người nhà Pa tra đánh cho A Phủ đến ngất xỉu rồi đổ nước cho tỉnh lại. Thể hiện con người nhà thống lý độc ác, dã man, đánh người đánh như con chó”.

Trong đêm, Mỵ và A Phủ chạy chốn khỏi Hồng Ngài là điểm sáng trong tác phẩm, nói về ước mơ, khát vọng tự do. Tuy nhiên, một học sinh miêu tả A Phủ - chàng trai nghèo mồ côi, khoẻ mạnh, lao động giỏi giống... con trâu điên: “Được thả A Phủ chạy ra khỏi nhà Pá Tra như một con trâu điên và vài phút do dự, sửa sang lại trang phục Mị đã chạy theo A Phủ như mây bay, gió thổi”.

Kết luận lại những trang viết về Vợ chồng A Phủ, học sinh khác tóm lược trong phép so sánh: “Có thể thấy, việc Tô Hoài xây dựng một con người với những phẩm chất đẹp đang bị vùi dập và đang như tan chảy giống như phiến băng để trên một lò lửa, tan ra và khi chỉ còn là nước nó chỉ chờ đủ độ 100 độ C để sôi”.

Hoặc có thí sinh miêu tả dòng sông Hương: “Sông to như một con thuồng luồng đực cụp đuôi, to lớn, lượn quanh những khúc cua của đường đua công thức một. Sông Huơng với ba màu khác nhau có lúc là màu tím của gương mặt người thấm đẫm rượu say”.

Râu ông nọ cắm cằm bà kia

Mỗi kỳ thi tốt nghiệp qua đi, những hạt sạn như học sinh nhầm lẫn nhân vật, tình huống giữa tác phẩm này sang bài văn khác là điều khó tránh khỏi. Một học trò đang giới thiệu về Tô Hoài lại bất ngờ chuyển sang nói về Tố Hữu: "Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hay nhất nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu trữ tình lãng mạn luôn nói về những số phận đau thương của con người và lên án sự bất công của các thế mạnh đã đem đến cho con người”.

Trong những trường hợp hiếm hoi khác, học sinh còn nhầm lẫn cả tác phẩm dẫn đến lạc đề thi, bị điểm 0 tròn trĩnh. Một ví dụ diển hình khi giáo viên yêu cầu thí sinh viết về tác phẩm Vợ chồng A Phủ nhưng em lại say sưa phân tích Vợ Nhặt của Kim Lân, dài đến 3 trang giấy. Trong đó, có đoạn em viết: "Nạn đói trong năm 1975 thât khủng kiếp. Nạn đói tràn đến xóm ngụ cư, mọi người lâm vào tình trạng khốn khổ vô cùng. Tô Hoài đã miêu tả không gian trên đường Tràng về nhà thật bi thảm”.

Một giáo viên kể lại, trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, học sinh nhầm sông Đà (Người lái đò Sông Đà) của nhà văn Nguyễn Tuân thành Sông Hương (Ai đặt tên cho dòng sông) của Hoàng Phủ Ngọc Tường, vì vậy em đã miêu tả Sông Đà giống như một cô gái di gan phóng khoáng và man dại.

Huỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm