Cựu Đô đốc James Stavridis, tư lệnh đồng minh tối cao thứ 16 của NATO, đồng thời là hiệu trưởng thứ 12 của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) nhận định năm 2021 là một năm tàn khốc, xét trên mọi phương diện.
Thế giới đã trải qua những mất mát, đau thương do đại dịch kéo dài, cùng với sự gián đoạn kinh tế trên toàn cầu. Trong khi đó, tình hình địa chính trị xấu đi với căng thẳng leo thang từ Trung Đông đến Đông Âu, thậm chí cả eo biển Đài Loan.
Khả năng triển khai các hoạt động quân sự đang gây quan ngại ở nhiều khu vực và có vẻ như cán cân quyền lực quân sự đang chuyển dịch ở Đông Á, Nikkei Asia trích lời ông James Stavridis.
Câu hỏi đặt ra là năm 2022 có ý nghĩa gì đối với Thái Bình Dương, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc?
Màn hình tại một nhà hàng ở Bắc Kinh chiếu cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters. |
Ông James nhận định mọi thứ có thể sẽ tương đối “yên tĩnh” vào đầu năm khi Thế vận hội Mùa đông 2022 diễn ra ở Bắc Kinh. Nguyên nhân là Trung Quốc muốn thể hiện khả năng tổ chức sự kiện trọng đại một cách suôn sẻ và tránh gây tranh cãi nhất có thể.
Trong khi đó, mặc dù lên án hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, Washington sẽ sử dụng biện pháp ngoại giao mềm dẻo hơn là không cử phái đoàn chính thức tham dự Olympic.
Nhưng sau tháng 2, ngay khi những chiếc huy chương cuối cùng được trao, mọi thứ sẽ bắt đầu nóng lên. Cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ chiếm vị trí trung tâm trên hai khía cạnh. Đó là một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ, bên cạnh các chiến lược ngoại giao mới của cả Washington và Bắc Kinh.
Chiến lược của Trung Quốc
Về cạnh tranh quân sự, Trung Quốc đang tiến công trên ba mặt trận then chốt. Đầu tiên là việc thử nghiệm và sản xuất tên lửa siêu thanh - mối quan tâm hàng đầu của Mỹ.
Đây là những vũ khí đáng gờm, giống như những tên lửa đạn đạo truyền thống, có thể mang vũ khí hạt nhân, và bay nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh. Quan trọng hơn, khả năng linh động của tên lửa siêu thanh khiến nó khó bị phát hiện và khó bị đánh chặn.
Trong khi các quốc gia như Mỹ đã phát triển được những hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thì khả năng phát hiện cũng như bắn hạ tên lửa siêu thanh vẫn là một câu hỏi.
Theo ông James, Mỹ không có công cụ hiệu quả chống lại tên lửa trên. Do đó, nước này đang nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của riêng mình, đặc biệt là vũ khí năng lượng định hướng bằng laser, để răn đe cũng như bảo vệ hệ thống phòng không tốt hơn.
Thứ hai, Trung Quốc đang mở rộng rất nhiều kho vũ khí hạt nhân chiến lược. Mặc dù chỉ đứng thứ ba về số lượng đầu đạn hạt nhân, sau Mỹ và Nga, Bắc Kinh đang chế tạo ngày càng nhiều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Nước này cũng phát triển nhiều tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tầm xa và đa đầu đạn trên đất liền.
Trong khi Mỹ và Nga hy vọng Trung Quốc duy trì kho vũ khí có quy mô tương đối khiêm tốn và tham gia các cuộc đàm phán về giới hạn vũ khí chiến lược, thì Bắc Kinh rõ ràng đang hành động ngược lại.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Vấn đề thứ ba Mỹ quan ngại là chương trình đóng tàu chiến của Trung Quốc đang được đẩy nhanh.
Dù đã sở hữu nhiều tàu chiến hơn Mỹ, Trung Quốc có tham vọng thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa hải quân hai nước bằng cách xây dựng các siêu tàu sân bay hạt nhân. Nước này cũng đang chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, có khả năng vận hành từ boong tàu sân bay.
Ngoài ra, các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc, mặc dù chưa phải là đối thủ của Mỹ, nhưng đang được nâng cấp với số lượng nhiều hơn. Đây sẽ là một sự bổ sung hiệu quả cho lực lượng tàu ngầm chạy bằng diesel của nước này.
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm 2022, ông sẽ muốn giới thiệu những thành tích của mình trên các lĩnh vực: Văn hóa, kinh tế, y tế, ngoại giao và trên hết là quân sự. Những tiến bộ trên sẽ giúp củng cố tham vọng giữ vững vị trí lãnh đạo trong ít nhất 5 năm nữa của ông Tập.
Đây cũng là một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm đưa Trung Quốc trở thành nước có quân đội mạnh nhất vào giữa thế kỷ này. Ngoài ra, động thái trên cũng là một lời cảnh cáo của Bắc Kinh với Đài Loan.
Những chiến lược của Trung Quốc trên cả ba mặt trận sẽ bắt đầu được khởi động vào năm 2022, theo ông James.
Động thái của Mỹ
Về phía Mỹ, sẽ có những nỗ lực đáng kể trong việc phát triển các công nghệ và hệ thống quân sự mới để răn đe Bắc Kinh, đồng thời chống lại mối đe dọa từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Đứng đầu danh sách ưu tiên của Washington là việc phát triển dòng vũ khí siêu thanh chất lượng cao và các công cụ phòng thủ. Mỹ cũng sẽ nỗ lực tăng cường khả năng tấn công mạng vốn đã đáng gờm của mình. Nếu được triển khai sớm trong một cuộc xung đột, vũ khí này có thể rất hiệu quả.
Về cạnh tranh không gian, lĩnh vực Mỹ vẫn dẫn trước Trung Quốc, nước này sẽ đảm bảo Lực lượng vũ trụ có đủ nguồn lực để tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu. Gần đây, Lầu Năm Góc đã ra tín hiệu cho thấy họ có thể tăng ngân sách trong lĩnh vực này trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Về mặt ngoại giao, cả hai quốc gia sẽ tìm cách tăng cường các mối quan hệ hiện có. Đối với Trung Quốc, điều này về cơ bản có nghĩa là nước này sẽ “tiến gần” hơn đến Nga.
Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, phát triển ảnh hưởng dọc theo các tuyến đường thương mại quan trọng xuyên Ấn Độ Dương. Nước này sẽ mua các thiết bị cảng và có thể mở rộng, xây dựng thêm các bến cảng ở nước ngoài, như ở vùng Sừng châu Phi, để hỗ trợ các hoạt động hàng hải toàn cầu.
Trong khi đó, Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng trục hợp tác an ninh Bộ Tứ (QUAD), bao gồm nước này cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Mỹ cũng sẽ tập trung tăng cường lực lượng trên khắp châu Á, đặc biệt là lực lượng không quân và đặc nhiệm thủy quân lục chiến có khả năng triển khai nhanh, bên cạnh các trung tâm hậu cần.
Tàu chiến Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản trong tập trận Malabar 2014. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Washington sẽ cố gắng khuyến khích các quốc gia khác trong khu vực tham gia với QUAD, như Singapore và Hàn Quốc. Mỹ cũng sẽ tận dụng các mối quan hệ bền chặt của mình ở châu Âu, đặc biệt là trong khối liên minh NATO, để khuyến khích Anh, Pháp, Đức cùng các đồng ngoài khu vực triển khai hoạt động ở Biển Đông.
Trên cả khía cạnh công nghệ quân sự và ngoại giao, hai siêu cường sẽ cạnh tranh gay gắt. Nhà Trắng dự định đưa ra Chiến lược Trung Quốc vào đầu năm 2020.
Cả hai bên đều muốn tránh một cuộc chiến tranh nóng trong khi vẫn cố gắng đảm bảo được lợi thế của mình. Tuy nhiên, với sự ràng buộc về cạnh tranh, khả năng xảy ra tính toán sai lầm sẽ tăng lên, dẫn đến những cuộc xung đột không mong đợi. Năm 2022 thực sự có thể là một năm đầy thách thức ở Đông Á, cựu Đô đốc James Stavridis nhận định.