Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm mới của kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt ở ĐH Sư phạm TP.HCM

Năm 2022 là lần đầu tiên Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để tuyển chọn những thí sinh với yêu cầu đầu vào ở các ngành học cụ thể.

Ngoài 2 phương thức tuyển sinh là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học bạ, Đại học Sư phạm TP.HCM thông báo bổ sung thêm phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong năm 2022.

"Kỳ thi sẽ đánh giá trình độ của thí sinh trong lĩnh vực khoa học cụ thể, chứ không đánh giá năng lực theo hình thức một bài thi đánh giá chung", ThS. Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM, Trưởng ban tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, nói.

Theo đó, nhà trường sử dụng phương thức này để lựa chọn các thí sinh có năng lực chuyên biệt phù hợp với tính chất của ngành học.

Ky thi danh gia nang luc chuyen biet cua DH Su pham TP.HCM anh 1

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn hướng nghiệp ở TP.HCM để nắm rõ các phương thức xét tuyển. Ảnh: Nguyễn Hằng.

70-80% kiến thức thuộc chương trình lớp 12

Trong buổi livestream "Tư vấn - Hỗ trợ thí sinh kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2022", ThS. Nguyễn Ngọc Trung nhận định kỳ thi này sẽ tạo lợi thế cho các học sinh đã định hướng rõ ràng về nghề nghiệp và có năng lực chuyên biệt phù hợp với ngành học mà bản thân lựa chọn.

Đại diện trường thông tin phương thức xét kết quả kỳ thi chiếm 20% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Kết quả bài thi sẽ được sử dụng để xét tuyển theo phương thức kết hợp với kết quả học tập THPT.

Toàn bộ kỳ thi có 6 bài thi cụ thể, đánh giá năng lực Toán, Vật lý, Hóa, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi.

Thang điểm của các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt là 10. Đối với bài thi Toán, Vật lý, Hóa, Sinh học, thí sinh có thời gian làm bài là 90 phút. Đề thi gồm 50 câu hỏi, trong đó có 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, 15 câu hỏi ở dạng trả lời ngắn, điền kết quả vào ô trống (thuộc cấp độ khó để phân loại thí sinh).

Ở bài thi Ngữ Văn, thí sinh làm bài trong thời gian 90 phút, trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm khách quan và 1 bài viết chủ đề nghị luận xã hội (khoảng 600 từ) được ra đề theo định hướng mở.

Bài thi tiếng Anh có thời gian làm bài là 180 phút, với 4 phần tương ứng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đề thi sử dụng đạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam.

"Các nội dung kiến thức trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Trong đó phần kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%. Còn lại thuộc chương trình lớp 10, 11. Đề thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ tương đồng với nội dung kiến thức thi tốt nghiệp THPT", ông Trung nói.

Học sinh lớp 11 có thể dự thi

Ở kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm TP.HCM, thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do nhà trường tổ chức. Trường sẽ sớm triển khai hệ thống thi thử để thí sinh trải nghiệm với phương thức làm bài thi này.

Dự kiến, thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợi 1 từ ngày 1 đến 3/6. Thí sinh đăng ký trực tuyến từ 25/4 đến 15/5 và nhận kết quả thi từ 15 đến 25/6.

"Thí sinh không cần quá lo lắng vì bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt thực chất dựa trên những ngữ liệu gắn với chương trình học THPT. Các bạn chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT như thế nào thì cũng chuẩn bị cho kỳ thi này như vậy", ông Trung nói.

ĐH Sư phạm TP.HCM đã thông báo đề thi minh họa ở các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văntiếng Anh.

Ky thi danh gia nang luc chuyen biet cua DH Su pham TP.HCM anh 2

Đề thi minh họa môn tiếng Anh của ĐH Sư phạm TP.HCM là các câu hỏi ở 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2022, thí sinh phải đảm bảo điều kiện năm học 2021-2022 đạt xếp loại học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên. Thí sinh không đăng ký xét tuyển vẫn được đăng ký dự thi nếu có nhu cầu.

Đại diện ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Học sinh lớp 11 có thể đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển cho năm sau đó.

"Tôi nghĩ học sinh lớp 11 nên đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để thử sức. Nếu đạt điểm số tốt, các em có thể bảo lưu kết quả, sang năm chỉ cần bổ sung các điều kiện cần thiết khác", ông Trung nói.

Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết trường sẽ tổ chức đội hình tiếp sức mùa thi để hỗ trợ các thí sinh ở địa phương khác đến dự thi. Thời gian sắp tới, website của trường cập nhật các địa chỉ phòng trọ an toàn, tin cậy để thí sinh lựa chọn nơi ở trong thời gian thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Đại học Sư phạm TP.HCM lưu ý thời gian đăng ký dự thi và tổ chức thi cho từng đợt thi là khác nhau. Trường sẽ tổ chức các điểm thi tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Tây Ninh. Kỳ thi dự kiến tổ chức nhiều đợt trong năm giúp các thí sinh có nhiều cơ hội để dự thi và xét tuyển theo ngành học mà mình yêu thích, có thế mạnh.

Hơn 20 con đường vào đại học, thí sinh lựa chọn thế nào

Để chắc chắn trúng tuyển, học sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức như xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, dự kỳ thi riêng thay vì chỉ thi tốt nghiệp THPT.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm