Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 20 con đường vào đại học, thí sinh lựa chọn thế nào

Để chắc chắn trúng tuyển, học sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức như xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, dự kỳ thi riêng thay vì chỉ thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2022, Bùi Văn Nam, học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám (Hưng Yên) đặt mục tiêu trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin với ưu tiên số một là ĐH Bách khoa Hà Nội.

Để chắc suất vào đại học, Nam xác định đăng ký xét tuyển bằng 4 phương thức. Đây cũng là xu hướng chung của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.

Hon 20 con duong vao dai hoc anh 1

Nguyễn Văn An đặt mục tiêu vào 2 trường và đăng ký xét tuyển theo 3 phương thức. Ảnh: N.S.

Không chỉ trông cậy vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chia sẻ với Zing, Bùi Văn Nam cho biết em xác định chọn ngành trước rồi tìm hiểu thêm các trường phù hợp để đăng ký. Tuy nhiên, vì đã hướng tới một số trường, nam sinh quyết định xét tuyển theo 4 phương thức, gồm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, xét tuyển tài năng và xét học bạ.

Trong đó, nam sinh tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

“Năm nay, những trường em nhắm tới đều xét tuyển bằng nhiều phương thức. Em cảm thấy nếu chỉ thi tốt nghiệp THPT, không có gì chắc chắn. Em đang chờ thêm kết quả học bạ để xem có đủ điều kiện đăng ký xét tuyển tài năng hay không”, nam sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám chia sẻ.

Nam nói thêm dù đăng ký theo nhiều phương thức, em đặt nhiều kỳ vọng vào xét điểm thi tốt nghiệp THPT vì trường vẫn dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức này.

Cùng đặt mục tiêu vào ĐH Bách khoa Hà Nội, em Nguyễn Văn An, học sinh trường THPT Chí Linh (Hải Dương), sẽ dự kỳ thi Đánh giá tư duy, thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển. Ngoài ra, nam sinh đăng ký xét học bạ vào ĐH FPT.

“Em chỉ nhắm tới 2 trường này và thích Bách khoa hơn. Nếu không trúng tuyển bằng 3 phương thức trên, em sẽ học lại, thi tiếp vào năm sau”, An nói.

Việc trường xét tuyển bằng nhiều phương thức còn khiến An lo ngại điểm chuẩn sẽ tăng. Nguyễn Văn An cho rằng nếu độ khó đề thi tương đương năm ngoái, không chỉ điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp tăng mà việc đỗ vào Bách khoa Hà Nội theo điểm thi Đánh giá tư duy cũng khó hơn.

Theo xu thế chung, Vũ Hồng Minh (THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) cũng không chỉ trông cậy vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học.

Nữ sinh cho hay em dự kiến vào ĐH Thương mại hoặc theo học ngành sư phạm. Vì thế, em đăng ký thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia. Minh sẽ dự thi 2 đợt, đợt 1 nhằm làm quen với hình thức thi. Đợt 2, em quyết tâm thi tốt để lấy kết quả. Em cho rằng không nên thi quá nhiều, tránh gây áp lực cho bản thân.

Ngoài ra, để chắc chắn trúng tuyển đại học trong năm nay, nữ sinh còn đăng ký xét tuyển bằng kết quả học tập THPT vào ĐH Thủy Lợi.

Hon 20 con duong vao dai hoc anh 2

Hồng Minh (bên phải) đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, Đánh giá năng lực và xét học bạ. Ảnh: N.S.

Tìm hiểu kỹ để tránh hoang mang

Bùi Văn Nam, Nguyễn Văn An, Vũ Hồng Minh đều thừa nhận việc đa dạng hóa phương thức xét tuyển mở ra nhiều cơ hội hơn cho thí sinh nhưng cũng khiến các em có phần hoang mang, đầu tư thêm thời gian để tìm hiểu kỹ, xác định phương thức, tổ hợp có lợi nhất cho bản thân.

Nhiều thí sinh cảm thấy “choáng ngợp” trước việc trường xét tuyển bằng nhiều phương thức. Theo thống kê, năm nay, học sinh có hơn 20 con đường để vào đại học, trong đó, các phương thức chính là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển theo kỳ thi riêng, kết hợp điểm bài thi riêng và điểm thi tốt nghiệp, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét chứng chỉ ngoại ngữ.

“Khi chưa tìm hiểu kỹ, em thấy hoang mang vì nhiều phương thức quá. Nhưng hiện tại, em cảm thấy yên tâm hơn về cơ hội trúng tuyển”, Nam nói.

Trước xu thế tuyển sinh đa dạng phương thức, nhiều học sinh bắt đầu tìm hiểu từ sớm.

Em Luyện Minh Hằng (Hưng Yên) đang học lớp 11, đặt mục tiêu vào Học viện Ngoại giao. Hiện tại, em thiên về thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, vì vẫn còn một năm học nữa, Hằng sẽ tìm hiểu thêm, căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng học của bản thân để học thêm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nhằm có thêm lựa chọn đăng ký xét tuyển, tăng cơ hội trúng tuyển.

Tương tự, em Nguyễn Trần Bảo Phương (học sinh lớp 11, trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) mới chỉ xác định được phương thức thi tốt nghiệp THPT để đăng ký xét tuyển ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng đã bắt đầu tìm hiểu thêm các con đường khác.

Nữ sinh cho rằng điểm thi tốt nghiệp vẫn là yếu tố được nhiều trường lựa chọn để xét tuyển. Hơn nữa, với phương thức này, em chỉ cần tập trung vào 3 môn trong tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Nếu chọn thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, em sẽ phải học thêm kiến thức rộng hơn.

“Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức được điều chỉnh từng năm. Do đó, em nghĩ mình cần tìm hiểu thêm. Hơn nữa, nếu năm sau, Bộ GD&ĐT vẫn áp dụng cho thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp như năm nay, em sẽ cân nhắc xem phương thức, tổ hợp nào có lợi nhất cho bản thân”, Bảo Phương cho biết.

Nhiều phương thức nhưng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng

Năm 2022, thí sinh cần lưu ý thêm cơ chế lọc ảo. Năm ngoái, một thí sinh có thể trúng tuyển nhiều trường theo các phương thức khác nhau. Tuy nhiên, năm nay, thí sinh phải đăng ký tất cả nguyện vọng theo các phương thức lên hệ thống chung để lọc ảo.

Các em cần tránh để ra sai sót như chỉ đăng ký nguyện vọng theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dẫn tới trường hợp trúng tuyển bằng phương thức khác nhưng lại thành trượt do không đăng ký lên hệ thống.

Ngoài ra, thí sinh cân nhắc sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vì khi hệ thống xác định thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng, các nguyện vọng xếp sau sẽ không được xét đến.

Đường tới MIT của ‘chàng trai vàng Vật lý’

Năm đầu tiên nộp hồ sơ du học, Trần Quang Vinh không trúng tuyển. Dù vậy, chàng trai này tiếp tục chờ cơ hội, kiên trì với giấc mơ vào MIT.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm