Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường tới MIT của ‘chàng trai vàng Vật lý’

Năm đầu tiên nộp hồ sơ du học, Trần Quang Vinh không trúng tuyển. Dù vậy, chàng trai này tiếp tục chờ cơ hội, kiên trì với giấc mơ vào MIT.

Ở lần nộp đơn thứ 2, Trần Quang Vinh, cựu học sinh lớp chuyên Lý trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, thành công thực hiện mục tiêu vào Viện Công nghệ Massachusetts. Đêm trước khi có kết quả, 4 người trong gia đình Vinh thức xuyên đêm chờ đợi. Gần sáng, nam sinh chợp mắt rồi tỉnh giấc khi báo thức vang lên lúc 5h28.

“Em vẫn chưa hoàn toàn tỉnh ngủ. Mở mail, thấy thư ngắn, kết hợp với kinh nghiệm nhận kết quả đợt trước, em lo lắng, nghĩ không trúng tuyển. Đọc đến cuối, thấy dòng ‘chúc mừng’, em mới biết mình đỗ. Em đọc lại thư rồi hét òa vì vui sướng”, nam sinh chia sẻ với Zing về cảm giác hồi hộp hôm 14/3.

Duong toi MIT anh 1

Sau 2 lần nộp hồ sơ, Trần Quang Vinh trúng tuyển MIT. Ảnh: Q.V.

Hai lần nộp hồ sơ vào MIT

Vinh cùng bố mẹ ngay lập tức báo tin tới họ hàng, thầy cô. Suốt thời gian chuẩn bị hồ sơ du học, cậu nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, bao gồm việc giáo viên viết thư giới thiệu. Và không chỉ nam sinh, mọi người cũng rất mong chờ kết quả.

Lá thư trúng tuyển giúp nam sinh chấm dứt chuỗi ngày hồi hộp, lo lắng trong lần thứ hai thử sức với MIT, tạm khép lại hành trình gần 4 năm nỗ lực để thực hiện mục tiêu theo học tại trường hàng đầu thế giới.

Trần Quang Vinh cho biết cậu xác định mục tiêu du học từ năm lớp 10. Việc định ra con đường sớm giúp cậu có thời gian để chuẩn bị. Dù vậy, Vinh thừa nhận không có gì dễ dàng, đặc biệt khi MIT lại là trường danh giá, xếp hạng cao và dẫn đầu thế giới về chương trình học.

Để vào được đó, Vinh dành 3 năm để tích lũy. Nam sinh học tốt chương trình ở trường, đầu tư thời gian, tâm huyết cho môn Vật lý yêu thích, bắt đầu ôn luyện cho kỳ thi lấy chứng chỉ SAT, TOEFL.

Trong thời gian học THPT, Trần Quang Vinh còn nhiều lần tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực về Vật lý, Vật lý thiên văn.

Nam sinh cho hay mọi thứ là quá trình cố gắng trong suốt 3 năm học. Tuy nhiên, cậu không chỉ học Vật lý hay tập trung làm thế nào có hồ sơ đủ sức thuyết phục đối với ban tuyển sinh. Thay vào đó, Vinh phân bố thời gian hợp lý cho các môn khác và niềm đam mê thiên văn học của mình.

Bên cạnh đó, Vinh góp sức vào hoạt động thiện nguyện do lớp tổ chức nhằm hỗ trợ xây dựng cơ sở bán trú, thư viện cho trẻ nhỏ trên Mù Cang Chải (Yên Bái) hay chương trình cảnh báo học sinh nội trú ở Lào Cai về nạn buôn người, giúp các em tránh bị đối tượng xấu dụ dỗ.

Sau quá trình chuẩn bị, năm 2020, Trần Quang Vinh nộp hồ sơ vào MIT. Tuy nhiên, cậu hiểu cơ hội trúng tuyển không cao do hồ sơ chưa đủ mạnh. Trong khi đó, thông thường, mỗi năm, trường chỉ tuyển một sinh viên từ Việt Nam.

“Lúc đó, em chỉ nghĩ biết đâu trường lấy 2 người, có thể em còn cơ hội. Em cũng xác định nếu trường vẫn tuyển một người, khả năng đỗ của em không cao”, Vinh tâm sự.

Mọi việc không ngoài dự đoán. Nam sinh không trúng tuyển. Song thay vì tìm kiếm cơ hội ở trường khác, Trần Quang Vinh quyết định thử lại.

Lý giải lựa chọn của mình, Vinh cho biết kết quả đợt tuyển đến vào thời điểm cậu được Bộ GD&ĐT triệu tập vào đội tuyển dự thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO). Cậu tin tưởng nếu nỗ lực giành huy chương, mình vẫn còn cơ hội vào MIT.

Hơn nữa, MIT là ước mơ không chỉ của Vinh mà của cả gia đình. Bố mẹ cậu ủng hộ việc con thử sức lại để có thể theo học tại ngôi trường con thích. Vinh cũng cho rằng đây là nơi tốt nhất cho mình nếu muốn theo đuổi ngành Vật lý và Vật lý thiên văn.

Cuối tháng 6/2021, cậu trở về từ IPho với tấm huy chương vàng. Giữa tháng 7/2021, Vinh tiếp tục bắt tay chuẩn bị hồ sơ. Ngày 4/1, cậu chính thức gửi hồ sơ và nhận kết quả sau hơn 2 tháng chờ đợi.

Duong toi MIT anh 2

Quang Vinh đam mê Vật lý và dự định theo đuổi ngành Vật lý thiên văn. Ảnh. Q.V.

Ba yếu tố để vào đại học hàng đầu thế giới

Trần Quang Vinh cho rằng mình trúng tuyển nhờ 3 yếu tố: May mắn, đam mê và thể hiện rõ đam mê của bản thân xuyên suốt trong hồ sơ.

Nói rõ hơn, Vinh giải thích vì có ý định trước, nam sinh may mắn hoàn thành kỳ thi SAT và chứng chỉ TOEFL sớm, đỡ lo lắng hơn những ứng viên không thể thi vì dịch. Hồ sơ của cậu có TOEFL 109/120 và SAT 1.490/1.600.

Bên cạnh đó, Quang Vinh đạt thành tích tốt trong học tập. Cậu từng giành giải nhất môn Vật lý tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 11, 12, huy chương bạc Olympic quốc tế về Thiên văn và Vật lý thiên văn, huy chương vàng trong các cuộc thi Olympic Vật lý các thành phố lớn (IOM), Olympic Vật lý châu Á (APho) và Olympic Vật lý quốc tế.

“Em nghĩ thành tích này giúp đường vào MIT dễ hơn vì nó chứng tỏ em đam mê Vật lý và có năng lực học tập. Điều này rất quan trọng vì trường danh tiếng, tiêu chuẩn đầu vào khắt khe”, Vinh nói.

Chàng trai này cũng cho rằng việc tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp cậu ghi điểm với trường. Nam sinh cho biết trong tiêu chí xét tuyển, MIT tìm kiếm sinh viên toàn diện, đặc biệt những người quan tâm đến tương lai loài người. Trường thiên về mặt công nghệ song cũng cần con người tổng thể.

Các hoạt động Vinh tham gia thể hiện được mối quan tâm của cậu về việc làm thế nào để đóng góp cho xã hội, đồng thời có thể vì thế, MIT đánh giá cậu cao hơn.

Trần Quang Vinh không chỉ thành công trúng tuyển vào MIT mà còn được hỗ trợ 80.000 USD/năm (hơn 1,8 tỷ đồng) cho các năm theo học tại đây.

Nhìn lại chặng đường đã đi, Quang Vinh chia sẻ với 2 lần nộp hồ sơ, cậu nhận thấy điều quan trọng là đừng để bản thân căng thẳng quá. Nếu không thể giữ tinh thần thoải mái, cậu khó tìm ra ý tưởng cho bài luận.

Vinh cũng khẳng định cần giữ được đam mê để đủ sức theo đuổi ước mơ. Vì vậy, cậu luôn mong muốn truyền tải niềm đam mê Vật lý tới học sinh khóa dưới. Hiện tại, Trần Quang Vinh là lãnh đội khách mời của Việt Nam tại Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế.

Tháng 8, cậu sẽ sang Mỹ theo đuổi ngành Vật lý thiên văn. Cậu dự định tìm hiểu thêm để xác định chuyên ngành mong muốn theo đuổi và tìm kiếm trường phù hợp để học lên tiến sĩ.

Cần bao nhiêu tiền để học MBA tại đại học hàng đầu châu Á?

Đặng Lan Anh, du học sinh ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ước tính chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong 17 tháng theo đuổi chương trình MBA tại đây rơi vào khoảng 2 tỷ đồng.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm