Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nghĩ mình vô dụng khi giáo viên nói ‘thi vào 10 kiểu gì cũng trượt’

Được giáo viên định hướng không nên thi vào lớp 10 hoặc đổi nguyện vọng, nhiều học sinh có học lực kém tổn thương vì nghĩ bản thân vô dụng, khả năng có hạn.

Hoc sinh bi cap thi vao 10 anh 1

Đọc thông tin về việc trường học ép học sinh kém cam kết không thi vào lớp 10 công lập, H. - sinh viên năm thứ hai ở một trường đại học, bất ngờ vì tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Nữ sinh viên chia sẻ bản thân từng thấy giáo viên không phát hồ sơ để điền thông tin đăng ký thi vào 10 cho các bạn học sinh kém trong lớp.

H.X. - sinh viên năm thứ nhất ở Hà Nội cũng từng từ bỏ nguyện vọng bản thân vì giáo viên định hướng thi vào các trường có điểm chuẩn thấp hơn. Hai lần đăng ký thử nguyện vọng, X. vẫn giữ nguyên quyết định. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm của X. đều gạch bỏ và yêu cầu đăng ký lại theo định hướng của cô, vì sợ X. thi trượt nguyện vọng 1, ảnh hưởng đến thành tích tỷ lệ đậu nguyện vọng 1 của trường.

Hối hận vì nghĩ bản thân không đủ năng lực

Năm 2017, khi H. học lớp 9 ở một trường THCS thuộc tỉnh Hưng Yên, học sinh được yêu cầu điền nguyện vọng thi vào các trường THPT. Tuy nhiên, những bạn có học lực không tốt của H. đều bị thầy cô khuyên từ bỏ thi chuyển cấp vì "kiểu gì cũng trượt".

"Thời điểm đó, những bạn không có ý định thi vào 10 đã nghe theo lời khuyên của giáo viên. Nhưng với các bạn vẫn muốn đi thi để tiếp tục học lớp 10 thì rất bức xúc. Gần đến ngày thi, khi em được phát và điền hồ sơ đăng ký nguyện vọng thì các bạn học yếu hoặc cá biệt đều không được phát. Điều này đã gây tổn thương về tinh thần rất lớn cho các bạn. Những bạn học lực không tốt sẽ nghĩ mình kém cỏi, có việc thi vào cấp 3 cũng không làm được. Em nghĩ việc này rất phản giáo dục" - H. nói.

Nhắc lại chuyện cũ, H.X. bức xúc khi từng bị gạch bỏ hết nguyện vọng đăng ký thi vào lớp 10 vì giáo viên chủ nhiệm nhận định X. không có khả năng trúng tuyển. Năm 2018, trường của X. không muốn có học sinh thi trượt cấp 3 và giữ tỷ lệ học sinh đậu nguyện vọng 1 là 100%, nên lớp của X. đã được định hướng thi vào các trường THPT có điểm chuẩn thấp.

"Em đăng ký nguyện vọng vào các trường yêu thích thì bị giáo viên gạch bỏ. Cô nói nguyện vọng đó là quá cao so với học lực của em. Đến khi họp phụ huynh, cô cũng nói trường điểm thấp sẽ phù hợp với em hơn. Lúc đó, em không muốn đổi nguyện vọng thì cũng phải đổi. Chúng em đều nghĩ khả năng của mình chỉ có thế mà thôi", X. nói.

Đăng ký nguyện vọng theo định hướng của cô giáo chủ nhiệm, X. vẫn thắc mắc lý do bản thân phải từ bỏ nguyện vọng yêu thích của mình. Nữ sinh cho rằng nếu điểm thi thấp, không đậu nguyện vọng 1 thì vẫn có thể đậu các nguyện vọng khác.

Sau kỳ thi, kết quả ở lớp của X. là 100% học sinh đậu nguyện vọng 1. Các em đều điền nguyện vọng theo đúng định hướng của giáo viên chủ nhiệm. Đáng nói, điểm số của các em lại rất cao và hoàn toàn có thể đậu vào trường tốt hơn.

Khi biết điểm thi của mình, X. đã hối hận vì không giữ nguyện vọng ban đầu. Nữ sinh nhận thấy bản thân hoàn toàn có khả năng thi vào trường yêu thích chứ không yếu kém như cô giáo đã nhận định.

"Thầy cô có thể định hướng cho tụi em, nhưng kể cả có trượt nguyện vọng 1, chúng em vẫn còn những nguyện vọng khác. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng mà bản thân tụi em thực sự mong muốn và đấy là hy vọng cuối cùng của chúng em dù có vừa sức hay không. Nhưng giáo viên lại gạt bỏ đi để giữ thành tích 100% học sinh đậu nguyện vọng 1", X. nói.

Hoc sinh bi cap thi vao 10 anh 2

Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào 10 ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Từ bỏ ước mơ vì nghe theo định hướng của thầy cô

Bốn năm trước, N.D. là học sinh lớp 9 ở một trường THCS tại Hà Nội. Lớp của D. có học lực kém. Thời điểm đó, D. và các bạn trong lớp được nhà trường định hướng không nên thi vào lớp 10 vì không đủ năng lực. Giáo viên chủ nhiệm của nam sinh cho biết nếu không thi vào lớp 10, D. sẽ được hưởng lợi là gửi hồ sơ đi học ở các trường nghề và cho đậu tốt nghiệp THCS.

Nam sinh mong muốn học cấp 3 ở trường công lập. Nhưng khi giáo viên bắt chọn lựa giữa việc thi vào 10 với kết quả trượt hoặc đậu tốt nghiệp THCS và đi học nghề; D. đành đồng ý không đăng ký thi chuyển cấp.

Những ngày cuối học kỳ II, khi nghe giáo viên tư vấn nghề nghiệp, D. chán nản, lên lớp chỉ ngủ vì cô bảo không cần học, tốt nghiệp rồi đi học nghề là được. D. đã nghĩ do bản thân từng học lại một năm nên bị đánh giá không thể thi chuyển cấp.

Ước mơ học cấp 3 ở một môi trường tốt và theo nguyện vọng của D. cũng bị dập tắt vì giáo viên nhận định "thi vào 10 làm gì, trượt thì nhục nhã lắm, thà không thi sẽ không ai biết điểm của mình". Nhiều người bạn của D. cũng bỏ học, đi làm vì nghe giáo viên đánh giá như vậy.

Kết quả thi tốt nghiệp, điểm của D. vượt ngoài mong đợi. Tuy nhiên nam sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp nên không thể xét tuyển vào các trường lớp 10 công lập. Nhận được kết quả, D. đã rất hối hận vì quyết định của mình.

Hiện tại, D. học nghề ở một trường tại Hà Nội, theo định hướng của giáo viên chủ nhiệm lớp 9. Nam sinh còn nhớ cô giáo từng nói học trường nghề sẽ đi làm sớm hơn các bạn đồng trang lứa và có được tiền nhiều hơn. Nhưng thực tế, mức lương học việc sửa chữa ôtô ở gần nhà của D. chỉ là 1,5 triệu đồng/tháng.

"Đồng tiền của em kiếm được bây giờ làm sao bằng những bạn học cao được. Giữa các nghề được đào tạo ở trường, em chỉ thấy có công việc này là phù hợp. Cô giáo chủ nhiệm không đẩy em vào trường này thì em cũng không làm nghề này đâu. Nếu học lên cấp 3, em đã có thêm nhiều sự lựa chọn hơn", D. chia sẻ.

Nam sinh cho biết bản thân muốn học đại học hoặc cao đẳng, nhưng kiến thức ở trường nghề lại không đủ để D. tự tin đăng ký dự thi. Nam sinh đang cố gắng học hết lớp 12 rồi đi làm kiếm sống.

"Thi vào 10 hay không là quyết định tự do của từng học sinh. Nhưng những bạn học yếu như em lại mất quyền này. Các bạn nhỏ bây giờ cũng vẫn chịu cảnh tương tự. Nhà trường chỉ quan trọng đến thành tích, không quan tâm đến cảm xúc và việc học của chúng em", D. nói.

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định nếu trẻ học không tốt bị ép đi theo hướng này, hướng khác, mà ẩn sau đó là những suy nghĩ cho thành tích của nhà trường thì đó là phản giáo dục.

Ông Nam cho rằng tất cả trẻ em đều có quyền tự do học tập. Giáo viên khi tư vấn hướng nghiệp phải phân tích để học sinh hiểu con đường mà các em đã chọn. Không thể hướng nghiệp bằng cách cưỡng ép học sinh không được thi chuyển cấp hoặc phải chuyển trường. Thầy cô phải là nhà giáo dục, dạy cho những đứa trẻ đang mất động cơ học tập, mất niềm tin vào bản thân và hoang mang về tương lai. Giáo viên phải giúp các em lấy lại động lực, niềm tin và hứng thú trong học tập để vượt qua khó khăn về mặt tâm lý.

"Trong trường hợp phụ huynh bị ép ký cam kết cho con không thi vào lớp 10 hoặc chuyển trường thì bố mẹ nên cân nhắc lợi hại cho chính đứa trẻ. Bố mẹ có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Phụ huynh phải thể hiện được rằng chúng ta đứng về phía con. Nếu trẻ có những mong muốn, nguyện vọng chính đáng thì bố mẹ hãy ủng hộ con", ông Nam nói.

TS Trần Thành Nam cũng khuyên phụ huynh giải quyết vấn đề này theo hình thức trực tiếp với nhà trường và giáo viên. Không nên đăng tải thông tin lên trên mạng xã hội vì có thể gây ảnh hưởng đến trẻ.

Ngày 20/4, sau khi nhận được thông tin về việc một số trường tại Hà Nội yêu cầu những học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên.

Cùng ngày, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, giao sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan xác minh, làm rõ thông tin, xử lý nghiêm túc các vi phạm nêu trên (nếu có) và báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.

Sau chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã. Theo đó, sở yêu cầu các phòng rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng bắt học sinh cam kết không thi vào lớp 10. Các phòng cần quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo (nếu có).

Phụ huynh bức xúc khi con bị ép 'chuyển trường hoặc lưu ban'

Theo chia sẻ của phụ huynh, việc nhà trường ép học sinh phải chuyển trường hoặc ký cam kết không thi lên lớp 10 đã tồn tại nhiều năm, khiến trẻ tổn thương, cha mẹ bức xúc.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm