Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Điểm số cao chưa chắc dẫn đến thành công

Nhà giáo dục Esther Wojcicki cho rằng điểm số trẻ đạt được ở trường không thực sự quan trọng và chưa chắc dẫn đến thành công trong tương lai.

Việc coi trọng điểm số sẽ khuyến khích học sinh ghi nhớ kiến thức thay vì tư duy sáng tạp. Ảnh: Vecteezy.

Bà Esther Wojcicki (82 tuổi) là nhà báo, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ, đồng thời là tác giả cuốn sách Nuôi dạy con thành công.

Ngoài ra, bà được biết đến là người mẹ tuyệt vời khi nuôi dạy 3 người con “siêu thành đạt”: Con gái đầu Susan Wojcicki là CEO YouTube, con gái thứ hai Janet là giáo sư nhi khoa và dịch tễ, người con cuối cùng - Anne - là người đồng sáng lập và CEO của 23andMe.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới 2023 ở Dubai, nữ chuyên gia cho biết giáo dục Mỹ và các quốc gia khác có hệ thống tương tự vẫn còn lỗ hổng khi không khuyến khích những đứa trẻ sáng tạo nhưng không tuân theo quy tắc.

"Làm thế nào để khuyến khích học sinh sáng tạo? Tôi nghĩ chúng ta cần giảm bớt tầm quan trọng của điểm số", bà Wojcicki nói.

Theo bà Wojcicki, lâu nay, điểm số cao vẫn là yếu tố quan trọng để hệ thống giáo dục đánh giá sự thành công của học sinh cũng như xác định cơ hội về sau của trẻ.

Tuy nhiên, trong những năm giảng dạy tại trường trung học, nữ chuyên gia nhận ra điểm số cao không phải là chỉ số đo lường sự thành công trong tương lai của học sinh.

diem so trung hoc anh 1

Bà Wojcicki cho rằng hệ thống giáo dục cần giảm bớt tầm quan trọng của điểm số để khuyến khích học sinh sáng tạo. Ảnh: Moonshotsedu.

Việc coi trọng điểm số sẽ khuyến khích học sinh ghi nhớ kiến thức để thực hiện tốt các bài kiểm tra. Điều này vô tình bỏ lại những học sinh thông minh và sáng tạo - những người không giỏi ghi nhớ.

Theo CNBC, một số nhà thần kinh học cho rằng việc ghi nhớ là bước đầu tiên để hiểu thông tin, đồng thời thúc đẩy việc rèn luyện trí não. Trong khi đó, các chuyên gia giáo dục lại cho rằng ưu tiên đạt điểm số cao sẽ không giúp trẻ có được các kỹ năng học tập quan trọng.

GS khoa học thần kinh William Klemm, Đại học Texas A&M, cho biết những đứa trẻ bị kích thích quá mức, học làm nhiều thứ cùng lúc thường có ít kỹ năng học tập.

Bà Wojcicki cho rằng hệ thống giáo dục Mỹ cần bỏ điểm số để thúc đẩy sự sáng tạo và kỹ năng đổi mới của học sinh.

"Chúng ta cần những đứa trẻ có thể nghĩ cách thoát khỏi những vấn đề mà chúng đối mặt. Nhưng trường học ngày nay không làm điều đó, nhất là ở Mỹ", nữ chuyên gia nói.

Bà cho biết thêm khi giáo viên tập trung nhiều hơn vào tính sáng tạo, học sinh có nhiều khả năng học các kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, đồng thời ghi nhớ nhiều hơn những gì được học.

Bà Wojcicki cho rằng 3 con gái của bà đã học rất xuất sắc, đủ điểm để theo học các trường như ĐH Harvard, ĐH Yale và ĐH Stanford. Tuy nhiên, nữ chuyên gia vẫn đảm bảo 3 người con không bị chùn bước khi điểm kém.

“Điều quan trọng, giáo viên và phụ huynh nên khuyến khích trẻ tin vào chính mình. Chúng không thể tin vào bản thân chừng nào chúng còn bị la mắng vì điểm kém", bà Wojcicki khuyên.

Phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ

Không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ, từ bỏ thói quen dùng hình phạt với con là những phương pháp nuôi dạy trẻ trưởng thành một cách khoa học, văn minh. Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ, quý độc giả có thể tham khảo tại đây.

Kiểu 'cha mẹ trực thăng' có thể rút ngắn tuổi thọ của con

Một nghiên cứu mới đây phát hiện những đứa trẻ được cha mẹ bao bọc quá mức có xu hướng giảm tuổi thọ.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm