Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Học sinh, sinh viên còn cần đến trường trong kỷ nguyên AI?

Khi ChatGPT tạo nên cơn sốt trên toàn cầu và trong ngành giáo dục nói riêng, nhiều học sinh lại khẳng định thứ các em cần là trường học và người thầy, thay vì AI.

- Cá nhân em chưa muốn ChatGPT thay thế thầy cô giáo. Khi đến trường, em muốn nhiều thứ hơn là trình độ chuyên môn - đó là sự tương tác, giúp đỡ của thầy cô. Mỗi học sinh là một tính cách khác nhau và giáo viên cần điều chỉnh cách dạy, cảm xúc, giảng bài sao cho phù hợp nhất, thay vì chỉ đưa ra kết quả như ChatGPT.

- ChatGPT rất thông minh nhưng em nghĩ em không thể sống với rất nhiều ChatGPT thay vì sống với bố mẹ, thầy cô, bạn bè. Em nghĩ phần mềm công nghệ không thể có nhiều cảm xúc hoặc có tính cách như con người.

Đó là một số câu trả lời của học sinh tại Hà Nội khi được hỏi "Liệu ChatGPT có thể thay thế vị trí của giáo viên trong giáo dục không?". Hơn hết, đây cũng là câu hỏi nhiều người đặt ra khi chatbot mới mang tên ChatGPT ra đời.

Ai anh 1

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận định coi AI là công cụ "học thay" học sinh, để các em không cần đến trường thì điều đó là không thể. Ảnh: BTC.

Trường học có những thứ mà AI không có

Trao đổi tại buổi hội thảo với chủ đề Học sinh có cần đến trường trong kỷ nguyên AI? diễn ra tại Hà Nội, em Vũ Ngọc Quý - sinh viên Đại học RMIT Việt Nam - cho rằng AI sẽ ngày càng giỏi hơn nhưng AI sẽ không thể có những thứ mà người thầy có, như cảm xúc, sự đồng hành, dẫn dắt...

"Giáo dục không chỉ là tri thức mà còn hơn thế. Đó là đào tạo nhân cách, nhân phẩm, ý chí của con người. Những điều này AI không thể làm được, chứng tỏ chúng em cần những người thầy, cần nhà trường", Quý nói.

Chia sẻ quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định nếu học sinh, sinh viên ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo vào việc học để hỗ trợ được cho việc học tập, đó là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, coi AI là công cụ "học thay" học sinh, để các em không cần đến trường là không thể.

"Thực tế, rất nhiều thứ mà học sinh không thể giải quyết một mình với AI, các em cần đội nhóm, cần ý kiến phản biện để phát triển hơn. Đó là điều AI không thể làm thay con người", PGS Thanh Huyền khẳng định.

Đồng quan điểm, bà Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Phổ thông liên cấp Edison - nhận định AI chỉ là công cụ giúp học sinh, giáo viên làm được nhiều việc, tiết kiệm thời gian hơn.

"Giáo viên dùng thời gian đó để đầu tư vào việc hình thành, luyện tập kỹ năng, năng lực cho học sinh và giúp học sinh có thời gian trải nghiệm", bà Minh nói.

Ai anh 2

Bà Tuệ Minh cho rằng giáo viên cần đồng hành với học sinh để các em hiểu được mục tiêu của học tập. Ảnh: BTC.

Vai trò mới của giáo viên và nhà trường

Chia sẻ tại hội thảo, bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam - nhận định từ xưa đến nay, giáo dục Việt Nam thường yêu cầu học sinh phải tạo ra sản phẩm cuối cùng như viết văn, giải toán. Hiện tại, máy móc có thể giúp con người làm những việc ấy với tốc độ ngắn mà không tốn quá nhiều công sức.

"Như vậy, đây chính là cơ hội lớn để những người làm giáo dục nhìn lại. Liệu chúng ta có cần các em phải nộp cho giáo viên bài luận với độ dài mười mấy trang hay không. Có lẽ là không, bởi AI hoàn toàn có thể hoàn thành giúp các em", bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, điều nhà trường cần ở các em không phải là sự hoàn thành cho xong, đủ số lượng, mà cần các em tự tạo động lực nghiên cứu, bắt tay vào thử nghiệm và thực hiện hóa ý tưởng.

Từ đó, bà Thủy cho rằng sự thay đổi khi ChatGPT ra đời đặt trọng trách lên giáo viên và những người làm giáo dục, yêu cầu họ phải thay đổi, thay vì cấm học sinh, sinh viên sử dụng AI.

"Tôi cho rằng cách đánh giá học sinh, giáo trình đại học, bài giảng của giáo viên cần thay đổi. Ví dụ, thay vì đưa ra đề bài, cách thiết lập câu hỏi mới quan trọng", bà Thủy nhận định.

Đồng quan điểm, PGS Thanh Huyền cũng cho rằng cách đặt câu hỏi của người dạy trong quá trình đánh giá kết quả học tập của người học rất quan trọng.

"Nếu chỉ đánh giá mức độ ghi nhớ, AI sẽ làm tốt hơn nhiều. Hãy để người học có cơ hội được nói điều các em nghĩ, được sáng tạo và thể hiện tính khác biệt, thay vì làm theo văn mẫu", PGS Huyền nói.

Chia sẻ thêm, PGS Thanh Huyền nhận định thay vì là người giảng dạy, giáo viên nên là người đồng hành với học sinh, sinh viên.

"Trước đây, chỉ có giáo viên, giảng viên đánh giá học sinh. Nhưng hiện tại, phải có 3 bên đánh giá, bao gồm giảng viên, khách hàng (doanh nghiệp, nhà tuyển dụng) và học sinh, sinh viên", PGS Huyền chia sẻ.

Tương tự, bà Tuệ Minh cũng cho rằng giáo viên cần đồng hành với học sinh để các em hiểu được mục tiêu của học tập. Nhà trường nên đặt ra cách đánh giá thực chất để học sinh có động lực phấn đấu, thay vì áp đặt các em theo tiêu chí của xã hội.

"Điều đó còn quan trọng hơn nhiều so với bảng điểm đẹp hoặc sự hoàn hảo", Chủ tịch Lê Tuệ Minh nói.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Bài luận về bà giúp nam sinh chinh phục học bổng từ 5 đại học Mỹ

Tự nhận không sở hữu thành tích học tập quá xuất sắc nhưng với bài luận về bà, Nguyễn Nhật Minh vẫn giành tấm vé học bổng của 5 trường đại học Mỹ.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm