Điểm thi đại học sẽ cao hơn năm ngoái
Theo nhận định của giáo viên và thí sinh, với đề thi các môn của khối B, D, C, dự báo thí sinh đạt điểm 5, 6 sẽ nhiều hơn năm trước. Thí sinh có học lực khá, giỏi sẽ có nhiều khả năng đạt điểm 9, 10.
Thí sinh vui mừng vì làm được bài thi môn toán khối D tại hội đồng thi học viện hàng không Việt Nam sáng 9/7. |
Môn toán khối B: Điểm thi sẽ cao hơn
Đánh giá về đề thi môn toán khối B, thầy Phan Thiện Danh - trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho biết nếu thí sinh thi tốt nghiệp THPT môn toán đạt 7 điểm bằng năng lực thật sự thì với đề thi đại học này, thí sinh dễ dàng đạt 5 điểm. Theo thầy Danh, đề toán khối B năm nay dễ hơn năm trước rất nhiều, có nhiều câu dễ hơn, đặc biệt câu 4 thậm chí còn dễ hơn đề thi tốt nghiệp THPT.
Chi tiết hơn, thầy Danh cho biết câu 1, 2 khá dễ lấy trọn điểm. Câu 3 tuy khó nhưng nếu học sinh khá có thể thấy ngay hướng giải chứ không rắc rối như đề thi khối A. Câu 5 là bài toán về hình học không gian và đây là bài toán dễ nhất trong số các bài toán dạng này trong đề thi đại học những năm gần đây. Một điểm có thể khiến thí sinh bất ngờ đó là phần tự chọn năm nay không ra về số phức trong khi nhiều năm trước đều có. Riêng câu 6 là câu khó dùng để phân loại thí sinh.
Với đề thi này, số thí sinh đạt điểm 5, 6 sẽ nhiều hơn những năm trước rất nhiều, học sinh khá có thể đạt 9 điểm. Đánh giá thêm, thầy Danh cho biết thí sinh có học lực trung bình thi vào trường top giữa sẽ rất vui với đề thi năm nay, trong khi thí sinh thi vào các trường tốp trên sẽ cạnh tranh nhiều hơn bởi đa số học sinh khá, giỏi có thể làm gần như trọn vẹn đề thi, khó phân loại thí sinh khá, giỏi, đa số chỉ vướng câu 6.
Môn toán khối D: Nhiều điểm 9, 10
Thầy Trần Văn Toàn, tổ trưởng tổ toán trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết kiến thức lớp 12 khoảng 80% đề thi, nhìn chung dễ hơn đề thi khối A và B. Ở phần chung, trong câu 6 và câu 3, thí sinh phải biết cách biến đổi đại số thật tốt để nhận ra ẩn số phụ, chỉ có những học sinh xuất sắc mới giải quyết được. Những câu còn lại học sinh trung bình khá đều có thể làm tốt. Độ khó của phần chuẩn và phần nâng cao tương đương nhau, trong đó câu 7a và 7b đòi hỏi thí sinh phải nắm vững các tính chất của hình học phẳng. Những câu còn lại đều cơ bản, học sinh trung bình có thể giải quyết được. Với đề thi này, thí sinh giỏi dễ dàng đạt điểm 9, 10, thí sinh có học lực trung bình khá có thể đạt 6 đến 7 điểm. Vì thế số thí sinh có điểm trên trung bình năm nay sẽ cao hơn năm trước.
Môn địa lý: Cần liên hệ thực tế
Theo Th.S Vũ Thị Bắc - giáo viên môn địa lý trường phổ thông Năng khiếu, đại học Quốc gia TP.HCM, đề thi môn địa năm nay tương đối dễ, vừa sức thí sinh. Tuy nhiên vẫn có câu phân loại thí sinh như câu I 2, II 2: ngoài những kiến thức đã được học trong sách giáo khoa, thí sinh phải liên hệ với thực tế cuộc sống, có kiến thức thời sự mới giải quyết trọn vẹn vấn đề. Khác với các năm trước, đề thi năm nay đề cập thẳng đến biển đảo và số câu hỏi cũng khá nhiều (2 câu) mang ý nghĩa định hướng, yêu cầu giới trẻ cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.
Nhìn chung, với đề thi như năm nay, thí sinh sẽ rất mừng nhưng điểm có cao hay không còn phải chờ đáp án và kết quả chấm thi. Bởi vì thực tế có thể có nhiều thí sinh thấy đề dễ quá thành ra chủ quan, viết quá nhiều nhưng không đúng hướng, trường hợp thứ hai là viết vội vàng nhưng không đủ ý. Tóm lại đề thi dạng này cũng có tác động tích cực đến quá trình dạy và học trong trường phổ thông. Học sinh không thể học thuộc lòng, học gói gọn trong sách giáo khoa mà phải đọc thêm sách báo, biết quan tâm đến những vấn đề thời sự, đồng thời cũng phải biết tư duy, biết trình bày quan điểm của cá nhân mình...
Môn tiếng Anh: Khó đạt điểm cao
Thầy Đoàn Thế Oai, giáo viên tiếng Anh trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), cho biết đề thi năm nay khó hơn năm trước. Mặc dù trong đề thi có những câu tương đối đơn giản, nhìn vào có thể thấy ngay đáp án nhưng phần bài đọc hiểu, tìm lỗi sai, điền từ toàn từ mới, không có trong sách giáo khoa nên thí sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh trung bình sẽ rất khó khăn với đề thi này và chỉ có thể làm được 3, 4 điểm, khá 5, 6 điểm và thật sự giỏi mới có thể đạt điểm 8, 9.
Chi tiết hơn, thầy Oai cho biết phần ngữ pháp khá cơ bản, không khó. Riêng các bài đọc đòi hỏi thí sinh phải tham khảo sách báo bên ngoài nhiều, vốn từ phải rộng vì các từ đều lấy từ bên ngoài cuộc sống, không có trong sách giáo khoa. Phần đồng nghĩa trái nghĩa cũng hơi nặng vì các từ mới và có nghĩa khá giống nhau, rất dễ nhầm lẫn. Phần điền từ đòi hỏi vốn từ vựng phải rộng và phải biết các từ vựng hiện đại. Với đề thi này học sinh trung bình sẽ rất đuối, khó có điểm cao.
Đề thi môn sử: khá dễ
Theo cô Đỗ Thị Thanh Thủy - tổ trưởng tổ sử trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), đề thi môn lịch sử năm nay có vẻ “dễ thở” hơn năm trước, rải đều chương trình và khá trọng tâm. Cụ thể: câu 1 chủ yếu là phần kiến thức giáo khoa, thí sinh có học bài là làm được. Câu 2 cũng thuộc dạng giáo khoa nhưng yêu cầu thí sinh phải tư duy, phải hiểu bài để xác định cho đúng đó là kế hoạch gì. Câu 3 khá đơn giản, thí sinh có học bài sẽ làm được. Riêng câu 4a vế đầu tiên dễ nhưng đến vế thứ hai thì học sinh dễ viết lan man, không đúng trọng tâm và khó hưởng trọn số điểm. Câu 4b khó hơn, lắt léo hơn, nếu thí sinh không tự tin có thể chọn câu 4a.
Nhìn chung đề thi môn sử năm nay có độ phân hóa nên khá phù hợp với tính chất kỳ thi tuyển sinh. Nội dung đề thi cũng phản ánh vấn đề thời sự: đó chính là thời cơ, thách thức đối với Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa.
Môn sinh: khó hơn năm trước
Theo thầy Nguyễn Quang Minh - tổ trưởng tổ sinh trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP.HCM), tỷ lệ giữa lý thuyết và bài tập trong đề thi sinh là 6:4, nội dung đề thi rải đều chương trình lớp 12. Mặc dù số câu hỏi về bài tập không nhiều nhưng khó hơn năm trước, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tính toán nhuần nhuyễn, đồng thời có tư duy nhanh nhạy mới lấy được trọn số điểm. Ở phần lý thuyết, mặc dù cũng có câu thuộc dạng cơ bản - có học bài là làm bài được nhưng số câu này không nhiều.
Tóm lại, để đạt điểm 9, 10 môn sinh năm nay không dễ và phổ điểm sẽ là 7, 8. Với đề thi dạng này, nó sẽ tác động mạnh mẽ và tích cực vào quá trình dạy và học trong trường phổ thông.
Theo Tuổi Trẻ