Trải qua sáu tháng đầu năm, nhiều bộ phim Việt đã kịp trình làng, nhất là khi có hai kỳ nghỉ kéo dài là Tết Nguyên đán và 30/4 - 1/5. Bên cạnh tiến bộ về mặt kỹ thuật và tạo ra một vài điểm nhấn về mặt doanh thu, bối cảnh chung của phim Việt vẫn để lại nhiều tiếc nuối.
Năm 2017, các nhà làm phim Việt như “rủ nhau” đến trời Tây để làm phim, trong đó điển hình có Dạ cổ hoài lang hay Giấc mơ Mỹ đều ghi hình tại nước Mỹ xa xôi. Bước sang nửa đầu năm nay, bối cảnh các bộ phim lại có nhiều thay đổi về mặt thời gian.
Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tái hiện bối cảnh Đà Lạt đầy rực rỡ và thơ mộng vào những năm 1974-1975. Em gái mưa đưa người xem trở về mốc thời gian đầu những năm 2000 khi chương trình Làn sóng xanh còn đang thịnh hành. Hay mới nhất, Ống kính sát nhân cũng chọn bối cảnh Đà Lạt, nhưng là với mốc thời gian cuối thập niên 1960.
Các bộ phim khai thác cảnh đẹp nước nhà cũng xuất hiện nhiều hơn. Như Lật mặt: 3 chàng khuyết của Lý Hải chọn phong cảnh núi rừng hoang sơ tại Bảo Lộc, hay Yêu em bất chấp được bản thân nhà sản xuất ví như “bức thư tình gửi cho thành phố Đà Nẵng”.
Chỉ có Nhắm mắt thấy mùa hè là bộ phim duy nhất trong khoảng thời gian vừa qua chọn bối cảnh gần như hoàn toàn ở nước ngoài là đất nước Nhật Bản.
Đây có thể coi là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy các nhà làm phim đã cố gắng tìm tòi, khai thác các câu chuyện một cách đa dạng hơn, cũng như xây dựng phần bối cảnh chỉn chu để phục vụ cho kịch bản.
Sau khi Em là bà nội của anh (2015) - tác phẩm làm lại từ Miss Granny (2014) của Hàn Quốc - đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, các nhà làm phim Việt đua nhau tìm kiếm kịch bản nước ngoài để Việt hóa. Nếu như cả năm 2017 chỉ có ba phim remake, thì số lượng tác phẩm cùng loại đã lên tới con số bốn trong nửa đầu 2018.
Tháng năm rực rỡ làm lại từ Sunny (2011), Yêu em bất chấp làm lại từ My Sassy Girl (2001), Ông ngoại tuổi 30 làm lại từ Scandal Makers (2008), hay 100 ngày bên em vốn lấy cảm hứng từ Never Ending Story (2012). Tất cả nhóm nguyên tác đều đến từ điện ảnh Hàn Quốc, mang đến niềm hy vọng gặt hái thành công cho các nhà làm phim Việt Nam.
Bên cạnh đó, một xu hướng khác của điện ảnh Việt Nam là mời ê-kíp hoặc diễn viên nước ngoài tham gia. Yêu em từ khi nào và Những cô gái và găng tơ đều có sự góp mặt của các ngôi sao nổi tiếng tại Hong Kong như Tôn Vĩ Luân, Trương Quân Ninh, Tiết Khải Kỳ… Thậm chí, bộ phim của tài tử Trần Bảo Sơn còn có huyền thoại Mike Tyson đóng vai trò khách (cameo).
Lala - Hãy để em yêu anh với Chi Pu sắm một trong ba vai chính là cuộc hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Còn tác phẩm độc lập Nhắm mắt thấy mùa hè có rất nhiều diễn viên người Nhật Bản.
Nhưng so với năm 2017, điện ảnh Việt năm nay đang tỏ ra nhàm chán hơn khi thiếu đi sự đa dạng về mặt đề tài. Cách đây một năm, chưa biết có thành công hay không, nhiều đạo diễn dám thử sức với những chủ đề nhạy cảm như ấu dâm, đồng tính, người đột biến. Còn nhóm tác phẩm năm nay chủ yếu xoay quanh thể loại hài hoặc tình cảm.
Ống kính sát nhân và 11 niềm hy vọng bỗng trở thành hai “cơn gió lạ” khi dám đi đầu trong việc khai thác dòng phim trinh thám và thể thao vốn rất khó nhằn ngay cả đối với điện ảnh Hollywood.
Thể loại kinh dị vốn từng khá ăn khách tại Việt Nam nay có dấu hiệu thoái trào khi chỉ một mình Xưởng 13 ra rạp trong thời gian qua. Dòng phim hành động gần như im tiếng. 798Mười của Dustin Nguyễn hay Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ do Nguyễn Quang Tuyến chỉ đạo là hai cái tên hiếm hoi chứa đựng một số pha hành động đẹp mắt, nhưng chúng thực tế không thuần túy thuộc thể loại đó.
Trong khoảng nửa đầu năm nay, Siêu sao siêu ngố của danh hài Trường Giang là cái tên thành công nhất về mặt doanh thu với thành tích lên đến hơn 106 tỷ đồng. Ra rạp đúng dịp Tết Nguyên đán, lại không phải chịu quá nhiều sức ép từ phim ngoại, bộ phim hài - lãng mạn thắng lớn, bất chấp chất lượng chỉ ở mức vừa phải.
Lật mặt: 3 chàng khuyết trở thành trường hợp khá thú vị. Ra rạp ngay trước thềm Avengers: Infinity War - tác phẩm lập kỷ lục doanh thu trên 200 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam, nhưng bộ phim của Lý Hải rất “lì” tại phòng vé, và rốt cuộc đã cán đích với thành tích lên tới 85 tỷ đồng.
Tình cảnh khá trái ngược với 100 ngày bên em - tác phẩm lãng mạn có sự góp mặt của Jun Phạm và Khả Ngân, khởi chiếu cùng lúc với bom tấn siêu anh hùng của Marvel Studios. Có lẽ đối tượng khán giả mà 100 ngày bên em nhắm tới là người trẻ, nhưng họ lại đang mải mê với Avengers: Infinity War.
Còn Lật mặt: 3 chàng khuyết hướng tới nhiều đối tượng khán giả hơn, đặc biệt là người xem phim ở các tỉnh bởi phần kịch bản đơn giản, hài hước và bình dân. Kết quả cuối cùng là một canh bạc thắng lợi dành cho đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải khi anh tiết lộ mình chỉ phải bỏ ra 17 tỷ đồng để thực hiện bộ phim.
Trong số các phim remake, chỉ Tháng năm rực rỡ của Dũng “khùng” là gây tiếng vang đáng kể với doanh thu hơn 85 tỷ đồng. Yêu em bất chấp đến rồi đi một cách bình lặng. Nhà sản xuất của Ông ngoại tuổi 30 thì cho rằng họ hài lòng với điều bộ phim làm được, và dự kiến thực hiện tiếp phần hai.
Trở lại mùa phim Tết, sự thắng thế của Siêu sao siêu ngố khiến 798Mười khá trầy trật, và bộ phim của Dustin Nguyễn chỉ thu được 55 tỷ đồng. Trái với thành công của Trường Giang, Hoài Linh ngày một tỏ ra đuối sức khi Đích tôn độc đắc của anh là phim Việt chiếu Tết có doanh thu thấp nhất, kém cả Về quê ăn Tết của Ngô Thanh Vân. Đó còn là tác phẩm bị nhiều người nghi ngờ là đã sao chép phần nội dung Định mệnh anh yêu em của Đài Loan.
Số lượng phim Việt ăn khách và thắng lớn tại phòng vé không nhiều. Điều đó phần nào thể hiện thực tế rằng khán giả nước nhà đang ngày một trở nên khắt khe hơn, không còn dễ dãi bỏ tiền ra theo dõi các tác phẩm thuộc dạng “mỳ ăn liền” nữa.
Khi mà kịch bản tiếp tục là điểm yếu cố hữu, những nỗ lực đem đến sự tươi mới cũng bất thành. Là bộ phim ra đời sau thành công của tuyển bóng đá U23 Việt Nam, nhưng 11 niềm hy vọng lại khiến người xem thất vọng bởi phần nội dung nhàm chán, cũ kỹ. Những trận cầu kịch tính không được khai thác hợp lý, mà tác phẩm lại sa đà vào câu chuyện tình cảm không cần thiết của nhóm cầu thủ.
Ống kính sát nhân là cái tên “tiên phong” trong việc khai thác đề tài trinh thám. Song, chuyện phim lại chứa đựng quá nhiều yếu tố thừa thãi, phi lý, nhất là khi cách thức gây án của kẻ thủ ác là quá ngô nghê.
Loạt phim hợp tác với nước ngoài cũng chẳng thể làm nên chuyện. Những cô gái và găng tơ “học theo” loạt phim The Hangover một cách trắng trợn, nhưng thành phẩm là một thảm họa với vô số tình tiết phi lý, nhảm nhí. Trong khi đó, Yêu em từ khi nào và Lala - Hãy để em yêu anh thì vô cùng nhạt nhẽo và không thể tận dụng yếu tố ngôi sao.
Đâu đó, khán giả vẫn bắt gặp những tác phẩm thuộc dòng “thảm họa”. Thử yêu rồi biết và Hạ cuối tình đầu thực sự là thử thách lớn đối với khán giả khi tệ hại từ diễn xuất cho tới kịch bản. Không chỉ tạo ra những “mê hồn trận” tình yêu dài dòng và lê thê, cả hai khiến người xem cảm thấy bực tức bởi hàng loạt chi tiết rời rạc và phi lý đến khó tin.
Trở lại với nhóm ba tác phẩm ăn khách nhất, cả Siêu sao siêu ngố lẫn Lật mặt: 3 chàng khuyết đều không được đánh giá cao ở khâu kịch bản. Thành công của chúng chủ yếu đến từ thời điểm ra rạp, hoặc phần diễn xuất thuyết phục của dàn diễn viên có nhiều kinh nghiệm.
Tháng năm rực rỡ có phần kịch bản nền quá tốt của người Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở một số đoạn, đạo diễn Dũng “khùng” vẫn máy móc áp dụng nội dung gốc, không phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Dù sao, đây cũng có thể coi là tác phẩm ổn nhất của điện ảnh nước nhà trong khoảng nửa đầu năm.
Dễ nhận thấy rằng khán giả Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội để tiếp xúc với điện ảnh thế giới. Họ trở nên khó tính hơn và nay sẵn sàng bỏ qua điện ảnh nước nhà nếu như chất lượng tệ hại. Do đó, kịch bản và diễn xuất là điều mà các nhà sản xuất phim Việt luôn luôn phải lưu tâm nếu muốn níu kéo khán giả.
Trong sáu tháng cuối năm, hãy cùng hy vọng Song Lang với đề tài cải lương, Hồn papa da con gái và Hoán đổi cùng mang ý tưởng tráo đổi thân xác, Chàng vợ của em đánh dấu cuộc tái hợp của bộ đôi “trăm tỷ” Thái Hòa - Charlie Nguyễn, Người bất tử của Victor Vũ… đem đến những thay đổi tích cực cho điện ảnh Việt Nam.