Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện hóa và số hóa là xu thế tương lai của doanh nghiệp

Không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, điện hóa và số hóa còn mở ra nhiều sáng kiến cho các vấn đề môi trường và phát triển bền vững, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

“Số hóa giúp tăng cường tính hiệu quả hơn rất nhiều trong vận hành, phát triển, còn điện hóa giúp giảm thải carbon”, ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia, nhận định tại Innovation Summit Vietnam 2022.

“Hai yếu tố này khi kết hợp lại với nhau tạo thành chìa khóa cho doanh nghiệp, xã hội, đất nước phát triển bền vững hơn, vì tương lai sạch hơn và hiệu quả hơn”, ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của số hóa và điện hóa trong quá trình chuyển đổi xanh, bền vững.

Trong thời kỳ ngành năng lượng toàn cầu thường xuyên biến động, cùng với tính cấp bách trong ngăn chặn biến đổi khí hậu, việc tính đến yếu tố bền vững trong sản xuất và phát triển ngày càng trở thành một nhu cầu tất yếu. Trong đó, việc quản lý năng lượng hiệu quả và trung hòa carbon đóng vai trò trung tâm.

Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp đạt những tiến bộ, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các sáng kiến phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sau hội nghị COP26.

Giá cả và nguồn cung năng lượng hóa thạch toàn cầu leo thang đã khiến an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo trở thành những vấn đề được quan tâm trên thế giới.

Trong đó, áp dụng số hóa và điện hóa vào các sáng kiến năng lượng sạch là một trong những giải pháp được lưu tâm.

Đây được xem là các yếu tố quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, từ đó mang lại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường trong mỗi doanh nghiệp.

Xu thế tất yếu

Mở đầu hội nghị Innovation Summit Vietnam 2022, ông Đồng Mai Lâm nhấn mạnh các hướng tiếp cận đẩy nhanh mục tiêu net-zero, giới thiệu các giải pháp số hóa và điện hóa nhằm giải quyết các vấn đề an ninh năng lượng, khử carbon từ các ngôi nhà đến các tòa nhà, trung tâm dữ liệu, ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

“Chìa khóa để đẩy nhanh lộ trình này chính là sự kết hợp giữa số hóa và điện hóa để thúc đẩy tính hiệu quả và xanh hóa năng lượng”, ông nhận định.

Là tập đoàn năng lượng toàn cầu với 11 năm dẫn đầu bảng xếp hạng ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị), Schneider Electric cho rằng bền vững về xã hội phải song hành cùng bền vững về môi trường. Do đó, tập đoàn cam kết theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và công bằng. Schneider Electric không chỉ tư vấn về phát triển bền vững cho chính phủ và doanh nghiệp, mà còn cung cấp các giải pháp và sáng kiến đột phá hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh cho tất cả.

Schneider Electric cho biết mục tiêu của họ là giúp cho mọi người có khả năng sử dụng được tối đa nguồn năng lượng và tài nguyên trên thế giới, là cầu nối cho sự tiến bộ và phát triển bền vững. “Chúng tôi gọi đó là Life is On (Cuộc sống Thăng hoa)”, ông Lâm nhấn mạnh.

Về điện hóa, ông Lâm nhận định thời đại của chúng ta đang chứng kiến sự tăng tốc rất nhanh của quá trình này, khi mà nhu cầu năng lượng từ mọi nguồn ngày càng tăng trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển với sự vận hành của máy móc.

Song song với xu hướng xanh, nhu cầu điện hoá đang tập trung vào các loại năng lượng sạch, tái tạo (điện mặt trời, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, hydrogen…) hơn là các loại điện từ nhiên liệu hóa thạch.

Về số hóa, ông Christopher Quinn, Phó chủ tịch Marketing Schneider Electric khu vực Đông Á, cho rằng các giải pháp chuyển đổi số sẽ cho phép các ngành vốn sử dụng nhiều năng lượng sẽ giảm đáng kể năng lượng tiêu thụ ở mọi giai đoạn của doanh nghiệp. Ngoài ra, nó còn giúp đảm bảo tính hiệu quả ở những quy trình vẫn phải phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Schneider Electric anh 1

Ông Christopher Quinn, Phó chủ tịch Marketing Schneider Electric khu vực Đông Á. Ảnh: Duy Hiệu.

Với vai trò đã được chứng minh của số hóa, ông Christopher Quinn đánh giá cao tiềm năng số hóa của Việt Nam. Ông cho biết trong 5 năm tới, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 8,9%, thuộc một trong những nước có những tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất thế giới. “Điều này thực sự ấn tượng”, ông nói.

“Một tin tốt là Việt Nam có dân số trẻ so với các nước khác, và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cùng độ bao phủ Internet khá cao. Điều này là nền tảng để Việt Nam tăng tốc hơn nữa việc chuyển đổi số”, ông Christopher Quinn cho biết thêm.

Theo báo cáo của Cisco & IDC về mức độ tăng trưởng số của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2020, chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số chưa thực sự quan trọng trong hoạt động kinh doanh. 62% doanh nghiệp kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp họ tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Trong khi đó, 56% doanh nghiệp nhận thấy sự cạnh tranh đang thay đổi và chuyển đổi số đã giúp họ làm được điều này.

Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc

Tại hội nghị Innovation Summit Vietnam 2022 hôm 6/12, ông Lâm dẫn lại số liệu cho thấy hiện tại thế giới thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch và giá rẻ, trong khi nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng.

Ông Lâm cho biết mô hình về quá trình phát triển điện hóa trên thế giới trong vòng 20 năm gần đây cho thấy cứ mỗi 10 năm thì nhu cầu năng lượng tăng lên 5.000 TWh, chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới.

Schneider Electric anh 2

Ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia - phân tích về tầm quan trọng của số hóa và điện hóa tại Innovation Summit 2022. Ảnh: Schneider Electric.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn 2001-2010 đã tăng trung bình 10% và tăng 7% trong giai đoạn 2011-2019.

Với mức tiêu thụ đó, hiện tại, phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải của Việt Nam năm 2010, và sẽ chiếm khoảng 73% đến 80% vào năm 2030 và 2045.

Với mức phát thải này, Chính phủ đang nỗ lực hướng tới đạt mức tiết kiệm năng lượng 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tuy nhiên, việc tiết kiệm năng lượng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Với tình hình năng lượng toàn cầu nhiều biến động, cùng cam kết của Việt Nam về trung hòa carbon, việc chuyển hóa sang năng lượng sạch ngày càng cho thấy tính cấp bách và phù hợp với xu hướng toàn cầu.

“Không chỉ nhu cầu tiếp cận năng lượng ngày càng tăng, mà chúng ta còn đang chứng kiến một sự chuyển dịch năng lượng lớn nhất từ trước đến nay”, ông Lâm nói, nhấn mạnh rằng Việt Nam đang, và sẽ tiếp tục không đứng ngoài quá trình chuyển dịch này trong thời đại toàn cầu hóa.

Báo cáo từ WB cho thấy trong nửa thế kỷ trở lại đây, nhân loại đã chứng kiến nhiều cú sốc năng lượng.

Cú sốc năng lượng năm nay đã đẩy giá của mọi loại nhiên liệu tăng vọt, khiến nhiều quốc gia như Đức và Hà Lan lại tìm đến than đá để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung dầu. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu lại tăng cao kỷ lục.

Giá dầu ảnh hưởng tới 64% biến động giá lương thực. Cụ thể, năm 2022, lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, tác động 100% các nước tiên tiến, 87% các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Khoảng 2/3 các nền kinh tế tiên tiến và hơn một nửa các thị trường mới nổi có mức lạm phát cao hơn mức lạm phát mục tiêu vào năm 2021.

Điều này gây ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng toàn cầu, an ninh lương thực và bất ổn xã hội.

Đây chính là lý do không quốc gia hay doanh nghiệp nào nên đứng ngoài nỗ lực đảm bảo an ninh năng lương, mà cốt lõi là tiết kiệm và giảm phát thải bằng cách chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Bài học cho Việt Nam

Bàn luận về rào cản đối với số hóa và điện hóa trong quản lý năng lượng, trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu biến động mạnh, các chuyên gia nhấn mạnh hai trong số vấn đề chính mà Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục, đó là nỗi sợ về chi phí chuyển đổi và năng lực lao động.

Về vấn đề chi phí, ông Romaric Ernst - Phó tổng giám đốc Marketing & Phát triển Kinh doanh Schneider Electric tại khu vực Đông Á - nhấn mạnh cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột ở châu Âu, kéo theo giá cả tăng vọt, làm tăng thêm sự ngần ngại của nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào chuyển đổi xanh, bền vững.

“Tôi hiểu rằng chi phí chuyển đổi năng lượng có thể được coi là đắt đỏ, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển. Họ có thể cảm thấy gánh nặng vì mức đầu tư cao”, ông nói.

Schneider Electric anh 3

Ông Romaric Ernst, Phó tổng giám đốc Marketing & Phát triển Kinh doanh Schneider Electric tạikhu vực Đông Á. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, ông Romaric Ernst khuyến khích các doanh nghiệp không nên “chỉ nhìn vào khoản đầu tư ban đầu, mà hãy đánh giá dựa trên tổng chi phí sở hữu (tất cả chi phí liên quan đến việc mua lại, vận chuyển và lưu trữ sản phẩm trong chuỗi cung ứng - PV), bao gồm cả chi phí vận hành tài sản”.

Khi đầu tư vào các yếu tố bền vững, bao gồm số hóa và điện hóa, doanh nghiệp có thể đạt được các khoản tiết kiệm trong chi phí vận hành và suốt quá trình hoạt động lâu dài. Với cách nhìn nhận bao quát hơn này, “chúng ta sẽ cảm thấy hợp lý khi nghĩ tới khoản đầu tư có vẻ cao ban đầu”, ông nói.

Về vấn đề lao động, ông Quinn đề cập đến lưu ý của Ngân hàng Thế giới (WB) về việc “cần phải tăng cường đầu tư vào đào tạo về kỹ thuật số trong hệ thống giáo dục để đảm bảo có nguồn lao động sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi, ở cả khu vực tư nhân và chính phủ”.

WB nhấn mạnh Việt Nam cần một lực lượng lao động có kỹ năng số, một khu vực tư nhân địa phương năng động và nhanh nhẹn, cũng như khả năng tiếp cận thông tin tốt và an toàn, ông nói.

Trong quá trình chuyển đổi này, an ninh và bảo mật cũng nổi lên như một vấn đề đáng chú ý, đặc biệt trong số hóa.

“Vấn đề bảo mật dựa vào quan hệ đối tác và niềm tin. Nó phải được triển khai trong toàn bộ hệ sinh thái của một tập đoàn. Các doanh nghiệp là người quản lý dữ liệu cho khách hàng, do đó cần có trách nhiệm đưa ra biện pháp bảo mật hiệu quả, dù vẫn còn những thách thức”, ông Quinn nói.

Theo báo cáo từ WB, chỉ 40% doanh nghiệp tại Việt Nam nói rằng họ đủ năng lực trong vấn đề công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Ước tính thị trường có thể thiếu hụt một triệu kỹ sư CNTT-TT vào năm 2023.

Ông đề xuất một số hướng tiếp cận cho doanh nghiệp Việt, nói rằng “các doanh nghiệp cần nguồn lực - gồm kỹ năng và tài năng, một lộ trình xây dựng không gian mạng rõ ràng”. Đây sẽ được xem là “một chiến lược kết nối các điểm trong hệ sinh thái kỹ thuật số”.

Có hai cấp độ của việc này. Thứ nhất, đó là thiết lập an ninh mạng nhiều lớp trong toàn bộ công ty. Thứ hai là bảo vệ hệ sinh thái rộng lớn bao gồm dữ liệu từ các đối tác, nhà cung cấp và khách hàng, ông nói rõ.

Schneider Electric anh 4

Các chuyên gia trao đổi về lộ trình hướng tới mục tiêu net-zero 2050 tại Innovation Summit Vietnam 2022. Ảnh: Schneider Electric.

“Tăng cường bảo mật trên toàn bộ hệ sinh thái kỹ thuật số đầu cuối là chìa khóa để thúc đẩy và tăng tốc quá trình chuyển đổi số. Đó là sự đảm bảo rằng tất cả chúng ta đều có thể phát triển trong thế giới kỹ thuật số”, ông nhấn mạnh.

Ông nêu ví dụ tại Schneider Electric, “chúng tôi tạo ra những mô hình và không ngừng cải tiến khả năng chống chịu, bao gồm quản lý rủi ro có thể xảy đến với khách hàng, hoạt động vận hành và hạ tầng trọng yếu”.

Ngoài ra, ông cho biết Schneider Electric cũng thiết lập văn hóa an ninh mạng trong công ty, cùng với đó là kết nối với các đối tác trong hệ sinh thái để xây dựng lòng tin và cải thiện an ninh trong ngành công nghiệp này.

Đây có thể là một mô hình chiến lược để các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam học hỏi trong quá trình số hóa và điện hóa.

Với hàng chục năm hoạt động trong các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, từ sản phẩm, đến xây dựng, giải pháp, Schneider Electric tư vấn cho khách hàng, đối tác cũng như các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia về vấn đề này.

“Các chuyên gia nghiên cứu về tính bền vững và công nghệ của chúng tôi phát triển các kịch bản khí hậu để thúc đẩy những lộ trình đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một thế giới tích cực về khí hậu”, ông Romaric Ernst cho biết.

Ông nêu rõ Schneider Electric tuân theo cách tiếp cận 3 bước từ thiết lập chiến lược đến thực thi để giúp các đối tác và khách hàng của mình đạt được tham vọng về khí hậu của riêng họ, bao gồm: Đo lường và lập kế hoạch giảm phát thải; số hóa nhằm giám sát việc sử dụng năng lượng; và khử carbon bằng cách đưa ra bộ giải pháp điện khí hóa các hoạt động nhằm tiết kiệm hoặc chuyển đổi năng lượng.

Tiem nang 25 ty USD cua thit nhan tao hinh anh

Tiềm năng 25 tỷ USD của thịt nhân tạo

0

Chính phủ Mỹ đã cấp những giấy phép đầu tiên cho 2 doanh nghiệp bán thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới làm điều này.

Ngọc Hoàng - Duy Hiệu

Giang Trân Nguyên

Bạn có thể quan tâm