Trong thời đại công nghệ, hành động mang điện thoại vào phòng tắm, nhà vệ sinh không có gì xa lạ. Trong thực tế, nghiên cứu tiến hành năm 2016 cho thấy 41% người Australia đem điện thoại của họ vào nhà vệ sinh, con số này đối với người Mỹ là 75%.
Mang điện thoại vào nhà vệ sinh khiến bạn đối mặt với vô số loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm. Ảnh: Shutterstock/ VGstockstudio. |
Tiến sĩ y khoa Anchita Karmakar nói: "Nước và không khí chứa bụi bẩn, vi khuẩn có thể bám vào thành điện thoại và các khe nhỏ li ti. Vỏ bọc điện thoại thường được làm từ cao su hoặc nhựa dẻo trở thành nơi ẩn nấp ấm áp, thoải mái cho vi khuẩn".
Các loại vi khuẩn có thể sinh sống trên chiếc điện thoại bao gồm salmonella, E.coli, shigella và campylobacter, khiến bạn có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, bạn còn phải đối mặt với nguy cơ lây lan virus viêm dạ dày ruột và tụ cầu khuẩn.
Bác sĩ Karmakar khuyên mọi người không nên đem điện thoại vào nhà vệ sinh, đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng hoặc phải rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Ngoài ra, thói quen sử dụng điện thoại trong khi ăn cũng khiến chúng ta có thể mắc một số bệnh lây truyền qua đường miệng.
Vi khuẩn từ điện thoại có thể đi theo đồ ăn vào cơ thể bạn. Ảnh: Shutterstock/ baranq. |
Có một số cách giúp đảm bảo vệ sinh cho điện thoại và giảm bớt nguy cơ lây nhiễm bệnh từ chúng.
- Không mang điện thoại vào nhà vệ sinh, đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng, hạn chế sử dụng điện thoại khi đang ăn uống.
- Khử trùng điện thoại thường xuyên, đặc biệt là sau khi sử dụng nó trong nhà vệ sinh. Có thể vệ sinh điện thoại bằng các loại khăn lau, thuốc xịt.
- Rửa tay thường xuyên, nhất là khi rời khỏi nhà vệ sinh hoặc sau khi sử dụng điện thoại của người khác.