Ðây là những đặc điểm thường thấy ở một người mắc bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, trước đây còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt hay u xơ tuyến tiền liệt.
Người bệnh đi tiểu lắt nhắt, đặc biệt vào ban đêm, dòng nước tiểu yếu (do niệu đạo bị chèn ép) nên thường tiểu vương vãi vào chân. Tiểu gấp, không nhịn tiểu được làm người bệnh có thể tiểu ướt quần trước khi đến nhà vệ sinh. Do đó, người bệnh luôn khó chịu, cáu gắt với mọi người.
Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi. Theo Viện Ðái tháo đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Mỹ, bệnh này hiếm gặp ở những nam giới 40 tuổi, nhưng có hơn 90% nam giới mắc bệnh ở tuổi 80. Tại Việt Nam, ước đoán có khoảng 63,8% nam giới mắc bệnh ở tuổi từ 50.
Rối loạn tuyến tiền liệt có thể khiến nam giới trở nên cộc cằn, cáu gắt, đi tiểu không tự chủ. |
Căn nguyên của bệnh chưa rõ ràng, nhưng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh như sau:
Gia đình: Bạn có nguy cơ cao mắc bệnh nếu bố hoặc anh em trai bạn bị bệnh.
Ðái tháo đường: Một số nghiên cứu cho thấy đái tháo đường có thể gây tăng sinh tuyến tiền liệt.
Bệnh tim: Không trực tiếp gây ra nhưng những yếu tố nguy cơ tương tự sẽ ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt, như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Béo phì: Ðàn ông có nồng độ mỡ cao sẽ có nồng độ hormon nữ cao, sẽ làm tuyến tiền liệt tăng sinh. Ngoài ra, béo phì là một phần của nhóm triệu chứng lớn hơn được gọi là hội chứng chuyển hóa, bản thân hội chứng này cũng liên quan đến sự tăng sinh của tuyến tiền liệt.
Thiếu vận động: Dành thời gian quá nhiều cho việc ngồi trên ghế có thể làm trầm trọng vấn đề. Theo một nghiên cứu từ Trường y khoa Harvard, Mỹ, đàn ông thiếu hoạt động thể lực có nguy cơ cao mắc bệnh…
Một trong những cách tốt nhất để tránh mắc bệnh là tập thể dục đều đặn. Mỗi ngày dành 30 phút bơi lội, đạp xe, hay đi bộ hàng ngày sẽ làm giảm nguy cơ. Tập thể dục kết hợp với chế độ ăn uống điều độ sẽ làm giảm nguy cơ béo phì hay đái tháo đường.