PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - khuyến cáo người bị tăng cân và đang gặp tình trạng thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường, đặc biệt là các bệnh mạn tính nguy hiểm. Dưới đây là 8 căn bệnh bạn có thể phải đối mặt nếu béo phì.
Người bị tăng cân, béo dễ mắc các bệnh như tiểu đường, gout, tim mạch, tiêu hóa. Ảnh: Livescience. |
Bệnh tiểu đường
Béo phì có liên quan mật thiết với bệnh tiểu đường tuýp 2. Theo thời gian, các biến chứng của tình trạng tăng đường huyết có thể làm tổn hại đến mắt, thận, thần kinh, tim, và các mạch máu lớn của bạn. Loại đường tăng lên trong máu của các bệnh nhân bị đái tháo đường là glucose do thức ăn có tinh bột và thức ăn ngọt cung cấp.
Bệnh lý đường tiêu hóa
Béo phì làm cho lượng mỡ dư bám vào các quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ sinh bệnh ung thư đại tràng.
Lượng mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh xơ gan... Rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật.
Bệnh lý tim mạch
Người béo phì thường đi kèm với bệnh rối loạn lipid máu hay thường gọi là mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Cholesterol cao gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Mặt khác, tim của người béo phì phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể, lâu dài gây quá tải cho tim. Do đó, người béo phì dễ mắc các bệnh về tim mạch. Hiện tại, bệnh tim mạch đang đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong, rất nhiều ca là biến chứng của bệnh béo phì.
Bệnh xương khớp
Người thừa cân béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống tổn thương sớm nhất. Vì vậy, người thừa cân béo phì dễ mắc bệnh gout.
Suy giảm trí nhớ
Trẻ thừa cân béo phì thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ có cân nặng bình thường. Người lớn bị béo phì có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn so với người bình thường.
Bệnh lý đường hô hấp
Hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người béo phì thường hạn chế do “mỡ bám”, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng rối loạn nhịp thở càng nhiều.
Rối loạn nội tiết
Phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao. Thai phụ béo phì có nguy cơ đẻ khó, dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh.
Ung thư
Một số nghiên cứu còn cho thấy sự liên quan giữa béo phì và ung thư như thực quản, trực tràng, vú, tử cung, gan mật và tuyến tiền liệt.
Theo bác sĩ dinh dưỡng, thay đổi chế độ ăn là cách tốt để giảm cân. Thực đơn giảm cân nên tăng cường chất xơ, uống nhiều nước... Ăn ngủ điều độ giúp tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, đồng thời hạn chế việc cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu của cơ thể.
Ngoài ra, người béo cần kết hợp chế độ vận động, tập thể dục để cân nặng về mức chuẩn.
Người bệnh không tự ý dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc bởi chúng sẽ tác động xấu lên các hệ cơ quan khác của cơ thể gây nguy hiểm.