Tôi tên là Nguyễn Thị Thanh Phương (sinh năm 1999), hiện sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Tôi công tác tại nhà hát Tuồng Việt Nam từ năm 2018 và bắt đầu làm DJ được khoảng 2 năm. |
Tôi chủ yếu nhận làm DJ ở các sự kiện khai trương, bữa tiệc. Gần đây, tôi nhận biểu diễn tại một trường cấp 3 ở Bắc Ninh. Lần đầu làm trong môi trường này, tôi cảm thấy có nhiều cảm xúc mới mẻ và biết lưu ý hơn về vấn đề trang phục. |
Dù nhiều người có định kiến với DJ, tôi vẫn thấy đây là một công việc khá thú vị. Nó giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, cũng như tạo nhiều cơ hội phát triển bản thân. Nhưng khi kiêm hai công việc là DJ và diễn tuồng cùng một lúc, tôi chưa thực sự được nhiều người ủng hộ. |
Tôi cố gắng theo đuổi gu ăn mặc kín đáo nhưng vẫn trẻ trung, năng động. Tôi chọn không đi làm muộn, dành phần lớn thời gian, sức khỏe để diễn tuồng. Và khi ở vị trí DJ, tôi vẫn luôn làm việc hết mình, biết khuấy động bữa tiệc bằng nụ cười thật tươi cùng những điệu nhảy sôi động. |
Sau guồng công việc, tôi thường ở nhà dọn dẹp phòng, phối nhạc và chuẩn bị cho những buổi diễn sắp tới. Để tự phối được một bản nhạc hay, tôi cần sự tập trung, hiểu được người nghe muốn gì theo một cách riêng mà không phải ai cũng làm được. |
Bên cạnh thời gian làm nhạc, tôi thường chọn đọc kịch bản tuồng để thư giãn, đồng thời tăng năng lượng tích cực, tập trung tốt nhất cho vai diễn. |
Sau những năm hoạt động nghệ thuật, tôi đã đạt được 4 giải thưởng, trong đó giải cao nhất là Huy chương Vàng tài năng chèo tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2023. |
Để có được những thành tích xứng đáng, tôi phải chăm chỉ luyện tập hàng ngày. Trước những cuộc thi hoặc chương trình quan trọng, tôi có thể tập tới 3 buổi/ngày tại sân khấu của cơ quan. |
Với những động tác dùng đầu gối di chuyển trong tuồng, tôi thường gặp chấn thương như bầm tím, đau nhức và nhiều loại vết thương do sử dụng đạo cụ nặng như đao, kiếm. Trước những khó khăn, động lực lớn nhất giúp tôi cố gắng tiếp tục với tuồng đó là tình yêu nghề, yêu văn hoá và bản sắc của dân tộc Việt Nam. |
Tôi cũng rèn luyện thể thao khoảng 5 buổi mỗi tuần, mỗi buổi từ 45 phút đến 1 giờ để duy trì vóc dáng. Khi làm diễn viên, chúng tôi đều có những tiêu chuẩn về sắc đẹp, đặc biệt nghệ sĩ tuồng phải có một sức khỏe tốt. |
Ngoài 3 bữa chính, tôi thường ăn thêm 2 bữa phụ vào khoảng 9h30 sáng và 5h chiều. Trong đó, tôi hạn chế ăn nhiều đồ dầu mỡ, không ăn đêm và ăn nhiều rau, hoa quả. Trước khi diễn, tôi đều có bữa tối nhanh tại gần đền Hương Tượng (quận Hoàn Kiếm) - nơi diễn tuồng của cả đoàn. |
Tôi bắt đầu hóa trang và làm tóc lúc 6h tối tại nhà cổ Mã Mây. Tôi cảm thấy may mắn khi gần đây, ban quản lý phố cổ tạo điều kiện cho diễn viên được hóa trang trong không gian rộng rãi. Trước kia, vì chỗ cũ khá hẹp, có những lúc diễn viên phải hóa trang ngay tại vỉa hè khá vất vả. |
Hóa trang tuồng khó nhất ở công đoạn vẽ mắt vì đây cửa sổ tâm hồn, bộc lộ một phần tính cách nhân vật. Trong tuồng, vẽ mắt cần sự cầu kỳ, nhiều nét và phải sắc đậm. Vậy nên tôi mất khá nhiều năm để luyện tập, vẽ được đôi mắt có hồn khi lên sân khấu. |
Sau khi hóa thân vào nhân vật Hồ Nguyệt Cô trong trích mục Hồ Nguyệt Cô hoá cáo dài 28 phút, tôi thường giao lưu, chụp ảnh với du khách trong thời gian chờ lên sân khấu |
Bi kịch tình ái kể về Hồ Nguyệt Cô vốn mang kiếp cáo nhưng trở thành người sau hàng nghìn năm tu luyện. Đau thương bắt đầu khi nàng rơi vào bẫy tình của Tiết Giao, kẻ thù của chồng và triều đình. Đây cũng là tiết mục tôi mới đạt giải nhất trong cuộc thi Tài năng sân khấu Chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2023. |
Bạn diễn cùng tôi lần này là nghệ sĩ nhân dân Ánh Dương, người có hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng. Chú vào vai Tiết Giao, kẻ thù giăng lưới tình, âm mưu đoạt ngọc của Hồ Nguyệt Cô. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được diễn chung với một nghệ sĩ gạo cội như vậy. |
Sau khi mất ngọc và hóa cáo, tôi trong vai Hồ Nguyệt Cô phải diễn nhiều cảm xúc khác nhau từ buồn đau, hối hận đến xấu hổ bởi đã có chồng, lại trót si mê kẻ thù, để xảy ra cơ sự này. |
Sau đó là cảm xúc tiếc nuối, căm phẫn, sợ hãi vì sự dại dột phải trở lại thành cáo. Để hoá thân thành công vào nhân vật, tôi đã nghiên cứu nội tâm, sống trong vai diễn. Trên sân khấu, tôi là Nguyệt Cô đang yêu, đang đau khổ và đang tiếc nuối chứ không còn là cô gái Thanh Phương nữa. |
Khán giả đông đúc, chăm chú theo dõi giúp tôi cảm thấy tự hào và được an ủi trước những khó khăn của tuồng. Bởi lẽ, để tiếp tục đam mê với loại hình nghệ thuật này, diễn viên phải chấp nhận mức lương thấp và tần suất biểu diễn không nhiều. Với vai chính Hồ Nguyệt Cô, tôi chỉ nhận được 200.000 đồng tiền công. |
Sau buổi diễn, tôi trở về một góc vỉa hè cùng các đồng nghiệp. Nghệ sĩ ưu tú Lộc Huyền, trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm, nhiệt tình quan tâm các hậu bối như tôi sau thoát vai. Cô cũng đã tận tình góp ý về những điểm chưa tốt của tôi để rút kinh nghiệm cho những buổi diễn sau. |
Trong khi đợi đồng nghiệp diễn tiếp đến 22h, tôi phải tẩy trang ngay để tránh bít tắc lỗ chân lông. Tôi cũng phải chăm sóc da đều đặn, kĩ càng tại nhà nhằm khắc phục tình trạng mụn ẩn, viêm nặng do lớp hóa trang dày, đậm gây nên. |
Những diễn viên tuồng như chúng tôi đã từng trải qua ít nhất một lần bị tổn thương da mặt trầm trọng. Dẫu đối mặt với nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn luôn tự hào và dành tình cảm lớn cho loại hình nghệ thuật này. Là một người trẻ, bản thân tôi sẽ quyết tâm gắn bó, cố gắng bảo tồn và đưa tuồng cổ đến gần với công chúng hơn. |