Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Điệp viên ẩn danh’ - màn kết hợp ăn ý giữa Will Smith và Tom Holland

Tác phẩm hoạt hình mới của xưởng Blue Sky mang đậm tính giải trí và hài hước. Song, các tuyến nhân vật cũng như ý nghĩa nhân văn của bộ phim chưa được chú trọng đầy đủ.

Trailer bộ phim 'Điệp viên ẩn danh' Tác phẩm hoạt hình hài hước về một điệp viên bỗng dưng bị biến thành chim bồ câu.

Thể loại: Hoạt hình, hài hước

Đạo diễn: Troy Quane, Nick Bruno

Diễn viên: Will Smith, Tom Holland, Rashida Jones, Karen Gillan, DJ Khaled, Ben Mendelsohn

Zing.vn đánh giá: 6/10

Trong Spies in Disguise, Walter Beckett (Tom Holland) là một chuyên gia vũ khí tài năng. Song, chàng trai trẻ bị cả tổ chức điệp viên xa lánh vì tính cách hậu đậu cùng vô số phát minh không giống ai. Trong khi đó, Lance Sterling (Will Smith) lại là chàng điệp viên siêu đẳng, lịch lãm, được mọi người mến mộ.

Trong một nhiệm vụ, Lance bị tên khủng bố Killian (Ben Mendelsohn) gài bẫy, gán cho tội phản bội. Anh lập tức bị một đội đặc nhiệm bao gồm Marcy (Rashida Jones), Eyes (Karen Gillan) và Ears (DJ Khaled) truy bắt. Bất đắc dĩ, chàng điệp viên đành phải nhờ cậy sự giúp đỡ của Walter để trở nên “vô hình”.

Tuy nhiên, một tai nạn biến Lance thành chim bồ câu. Từ đây, bộ đôi rơi vào hàng loạt tình huống dở khóc, dở cười để thoát khỏi sự săn đuổi của nhóm đồng nghiệp, cũng như nỗ lực tìm cách giải cứu thế giới.

Hài hước nhờ sự kết hợp giữa người và chim

Spies in Disguise khai thác rất tốt yếu tố giải trí đến từ sự trái tính trái nết của hai nhân vật chính. Từ một siêu điệp viên, Lance Sterling giờ đây mắc kẹt trong lốt bồ câu yếu đuối, vô dụng. Tuy nhiên, anh vẫn giữ quen thói kiêu căng và “hành hạ” Walter Beckett bằng hàng loạt câu thoại dí dỏm.

review phim Diep vien an danh anh 1

Hai nhân vật chính do Tom Holland và Will Smith lồng tiếng có nhiều nét trái ngược.

Trong khi đó, cậu chuyên viên vũ khí vốn hậu đậu nay phải tiến ra thực địa nên đụng đâu hỏng đó. Những phát minh của Walter thể hiện sự sáng tạo của ê-kíp khi lồng ghép nhiều xu hướng hiện đại trên mạng xã hội. Từ đây, tác phẩm mang đến tiếng cười nhờ hàng loạt màn tranh cãi hay tình huống oái oăm của “bộ đôi hoàn cảnh”.

Will Smith và Tom Holland có nhiều lần tung hứng ăn ý trong lần đầu kết hợp, một phần vì tạo hình và tính cách của Lance Sterling và Walter Beckett như được đo ni đóng giày cho bộ đôi diễn viên lồng tiếng. Smith vốn là ngôi sao hàng đầu tại Hollywood, còn Holland luôn gắn liền với hình ảnh đáng yêu, hay ngại ngùng trước công chúng dù đã nổi danh.

Ngoài ra, Spies in Disguise còn khéo léo biến những tập tính bình thường của loài bồ câu trở nên “lầy lội” hơn. Lance Sterling phải làm quen với nhiều điểm khác biệt của loài chim như thích ăn đồ thừa, nhìn được 360 độ cùng lúc… Qua đó, đàn bồ câu trong phim tuy không có lời thoại nhưng vẫn “chiếm sóng” nhờ vẻ ngoài dễ thương, hành động khó đỡ.

review phim Diep vien an danh anh 2

Hàng loạt tình huống hài hước nảy sinh sau khi Lance bị hóa thành chim bồ câu.

Tuy là phim hoạt hình, nhưng tác phẩm vẫn mang đậm chất điệp viên hành động bởi tiết tấu nhanh, gấp gáp. Phim đồng thời ghi điểm nhờ phần đồ họa đẹp mắt và đầy màu sắc, cũng như nhiều màn chiến đấu kịch tính.

Dàn nhân vật thiếu điểm nhấn

Vì ôm đồm nhiều tính giải trí, Spies in Disguise không còn thời lượng để xây dựng câu chuyện riêng cho từng nhân vật. Walter Beckett là cái tên được ưu ái khi sở hữu một phân đoạn kể lại thời thơ ấu cùng mẹ. Tuy nhiên, chi tiết chỉ thể hiện được niềm đam mê khoa học khác người, cũng như ước muốn bảo vệ thế giới của cậu từ xưa.

Trong khi đó, điểm tạo nên sự khác biệt giữa Walter so với Lance Sterling, chính là dùng sự nhân từ để cảm hóa tội phạm, lại chưa đủ sáng tỏ. Mối quan hệ giữa chàng kỹ sư và mẹ cũng không được khai thác đúng mức để nêu bật lên ý nghĩa gia đình hay để lại điểm nhấn về mặt cảm xúc.

review phim Diep vien an danh anh 3

Các nhân vật trong phim thiếu sự xây dựng và đầu tư đúng mức.

Giống như Walter, việc Lance luôn lạm dụng bạo lực để chống khủng bố cũng chẳng hề có lý do cụ thể. Chàng điệp viên sở hữu vẻ ngoài lịch lãm và thái độ cao ngạo, nhưng không được đào sâu nội tâm. Nhân vật thiếu đi sự phát triển tính cách nên hành động cảm thông với Walter ở cuối phim còn chưa thuyết phục.

Killian cũng rơi vào tình trạng tương tự khi có mục đích rõ ràng, nhưng lại thiếu mất động cơ hành động. Gã muốn tiêu diệt tổ chức điệp viên vì sử dụng bạo lực nhân danh chính nghĩa, nhưng bất chấp hậu quả. Song, lý do đằng sau chỉ được đề cập qua một vài câu thoại ngắn gọn.

Mối quan hệ giữa Killian và Lance Sterling trong quá khứ thiếu đi cơ sở giải thích. Nếu có sự đầu tư đúng mức, gã lẽ ra đã có thể trở thành nhân vật phản diện đa chiều, đáng thương hơn là đáng trách. Một số nhân vật phụ như Marcy, Eyes hay Ears đều không có vai trò và đất diễn rõ nét.

review phim Diep vien an danh anh 4

Nhóm nhân vật phụ cũng không để lại nhiều ấn tượng cho người xem.

Bên cạnh đó, phần ý nghĩa của Spies in Disguise còn khá mù mờ. Ngoại trừ yếu tố tình bạn của đàn bồ câu, thông điệp về việc dùng bạo lực hay không với tội phạm chưa đủ rõ ràng và cuối cùng được giải quyết một cách dễ dàng, thiếu thuyết phục.

Nhìn chung, Spies in Disguise là một bộ phim hoạt hình điệp viên đủ tính giải trí và hấp dẫn. Tuy nhiên, phim chỉ mang đến tiếng cười, chứ khó để lại nhiều cảm xúc cho khán giả sau khi khép lại.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa đề Điệp viên ẩn danh.

‘Judy’ - cuộc đời bi kịch của giọng ca ‘Over the Rainbow’

Judy Garland từng vụt sáng nhờ bộ phim kinh điển “The Wizard of Oz” (1939). Nhưng những gì chờ đợi minh tinh ở “bên kia cầu vồng” lại vô cùng bi thương.

Hạ Tuyết

Bạn có thể quan tâm