Các nốt phát ban do thủy đậu rất ngứa và khiến trẻ nhỏ khó chịu. Ảnh: Livescience. |
Thủy đậu là căn bệnh phổ biến và chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, nhưng bạn có thể mắc bệnh này ở mọi lứa tuổi. Thủy đậu thường tự khỏi sau 1-2 tuần mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, bệnh thủy đậu dễ lây lan từ người này sang người khác, vì vậy, trẻ bị nhiễm virus nên ở nhà cho đến khi phát ban đóng vảy hoàn toàn.
Triệu chứng điển hình ở trẻ
Theo Kids Health, phát ban thủy đậu bắt đầu bằng nhiều vết sưng nhỏ màu đỏ trông giống mụn nhọt hoặc vết côn trùng cắn. Chúng xuất hiện thành từng đợt từ 2 đến 4 ngày, sau đó phát triển thành mụn nước có thành mỏng chứa đầy dịch. Các vết phồng rộp vỡ ra, để lại vết loét hở, cuối cùng đóng vảy trở thành vảy khô, màu nâu.
Vì phát ban theo từng đợt, cả 3 giai đoạn của phát ban thủy đậu (mụn đỏ, mụn nước và vảy) xuất hiện trên cơ thể cùng một lúc. Phát ban thường bắt đầu ở bụng hoặc lưng và mặt. Sau đó, nó lan ra gần như khắp cơ thể, bao gồm da đầu, miệng, tay, chân và bộ phận sinh dục.
Trước hoặc sau khi phát ban xuất hiện, trẻ cũng có thể bị sốt cao, ớn lạnh, đau nhức, đau họng, đau đầu, thường cảm thấy không khỏe, ăn không ngon. Thủy đậu rất ngứa và có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ngay cả khi chúng không có nhiều nốt.
Cha mẹ phải làm gì?
Để giúp trẻ giảm ngứa, tránh gãi để lại sẹo khó lành, cha mẹ có thể:
- Sử dụng gạc ướt mát hoặc tắm trong nước ấm cứ sau 3-4 giờ trong vài ngày đầu tiên.
- Vỗ nhẹ (không chà xát) cơ thể cho khô.
- Thoa kem dưỡng da lên những vùng bị ngứa (nhưng không thoa lên mặt, đặc biệt là vùng gần mắt).
- Hỏi bác sĩ về các loại kem giảm đau để bôi lên vết loét ở vùng sinh dục.
- Hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc mua không kê đơn (OTC) để cho trẻ uống khi bị ngứa.
Để tránh trầy xước ở các nốt phát ban:
- Đeo bao tay hoặc găng tay cho trẻ để tránh gãi trong khi ngủ.
- Cắt móng tay và giữ sạch sẽ.
Nếu con bạn có vết phồng rộp trong miệng, cho trẻ ăn thức ăn lạnh, mềm, nhạt vì thủy đậu ở miệng có thể gây khó uống hoặc ăn. Ngoài ra, tránh bất cứ thứ gì có tính axit hoặc mặn, như nước cam hoặc bánh quy.
Điều quan trọng cần lưu ý là trẻ nhỏ không được uống aspirin để hạ sốt do thủy đậu. Nó có thể dẫn đến căn bệnh nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye, căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan và não, nguy cơ tử vong cao. Thay vào đó, hãy sử dụng các loại thuốc không chứa aspirin, chẳng hạn acetaminophen. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo tránh điều trị bằng ibuprofen nếu có thể vì nó có liên quan đến nhiễm trùng da do vi khuẩn đe dọa tính mạng.
Một số loại thuốc có thể giúp trẻ giảm ngứa khi bị thủy đậu. Ảnh: Sheknows. |
Vì thủy đậu rất dễ lây, cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc gần trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu vì bệnh có thể gây nguy hiểm cho các trường hợp này.
Cha mẹ cần gọi điện cho bác sĩ hoặc đưa con đi bệnh viện nếu trẻ:
- Bị sốt kéo dài hơn 4 ngày.
- Bị ho nặng hoặc khó thở.
- Có vùng phát ban rỉ mủ (chất lỏng đặc, hơi vàng) hoặc bị đỏ, ấm, sưng hoặc đau.
- Bị đau đầu dữ dội.
- Rất buồn ngủ hoặc khó thức dậy.
- Gặp khó khăn khi nhìn vào đèn sáng.
- Gặp khó khăn khi đi bộ.
- Có vẻ bối rối.
- Nôn mửa.
- Trông rất mệt.
- Bị cứng cổ.
Cách phòng ngừa
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thủy đậu là tiêm vaccine thủy đậu. Vaccine thủy đậu rất an toàn và phòng bệnh hiệu quả. Để giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu, trẻ em nên tiêm vaccine thủy đậu khi được 12-15 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi được 4-6 tuổi.
Hầu hết người chủng ngừa sẽ không bị thủy đậu. Nếu một người đã được tiêm phòng mắc bệnh thủy đậu, các triệu chứng thường nhẹ hơn với ít hoặc không có mụn nước (họ có thể chỉ có những đốm đỏ) và sốt nhẹ hoặc không sốt.
Để giúp ngăn virus lây lan, các thành viên trong gia đình nên rửa tay kỹ và thường xuyên.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.