Trong một thời gian dài ở Hàn Quốc, định kiến bóng đá "quá cạnh tranh, quá mạnh mẽ" đối với phụ nữ trở thành suy nghĩ phổ biến. Các cô gái thường được yêu cầu phải cư xử khiêm tốn hoặc dịu dàng.
Trong giờ thể dục ở các trường học, giáo viên thường tự động đưa bóng đá cho các nam sinh và cho các nữ sinh chơi bóng né mà không hỏi ý kiến cả hai, theo CNN.
Tại trường tiểu học, Jung Ji-hyun (28 tuổi) từng là một trong hai cô gái chơi bóng đá, trong số 400 học sinh theo học. Tình yêu của cô dành cho thể thao bắt đầu từ khi chơi chuyền, rê bóng với các cậu bạn trong khu phố.
Trong khi cô gái còn lại phải dừng chơi bóng đá vì bố mẹ phản đối, Jung vẫn được cho phép tập môn thể thao vua. Đến khi vào đại học, cô tham gia vào một CLB bóng đá nữ, dù số lượng thành viên hiếm khi đủ 2 đội bóng.
"Không nhiều cô gái chơi môn này, do đó chúng tôi rất khó tìm được đối thủ. Sự bất mãn trong tôi bắt đầu tăng lên", cô nói.
Nutty FC được thành lập vào năm 2019. Ảnh: CNN. |
Khó tìm đối thủ vì ít người chơi
Jung đang làm việc cho một công ty về tiếp thị thể thao khi cô tình cờ biết đến đội nữ Romance FC có trụ sở tại London (Anh) - một đội bóng nghiệp dư nữ có mục đích tạo cơ hội cho các cầu thủ cả trong và ngoài sân cỏ.
“Việc họ tạo ra nội dung kết hợp giữa bóng đá và văn hóa thực sự thu hút tôi", Jung nói. Cô quyết tâm thành lập một đội tương tự ở Hàn Quốc.
Năm 2019, Jung và những người bạn chơi bóng đá của cô cùng mở đội nghiệp dư, lấy tên là Nutty FC, với hy vọng tăng cường sự quan tâm của nữ giới Hàn Quốc đến với bộ môn này.
“'Nutty tượng trưng cho mong muốn trở nên khác biệt của chúng tôi. Và C trong 'FC' là viết tắt của Creatives (sáng tạo), không phải Club (CLB)", Jung giải thích.
Ngoài việc ra sân ít nhất 1 lần/tuần, Nutty FC còn tiến hành các công việc sáng tạo, bao gồm thiết kế đồng phục, giới thiệu CLB và sản xuất các video, phim ngắn về bóng đá nữ ở Hàn Quốc.
Mục đích lớn nhất vẫn là cố gắng khiến người dân xứ kim chi quan tâm và yêu mến bóng đá nữ hơn. Sau 3 năm, họ phần nào tự hào vì giờ CLB đã có nhiều thành viên, xuất phát từ nhiều tầng lớp khác nhau.
Tháng 6/2021, Đài truyền hình SBS ra mắt chương trình truyền hình thực tế Kick a Ball, nơi các nữ khách mời, bao gồm diễn viên, người mẫu, ca sĩ và diễn viên hài, chơi bóng đá dưới sự huấn luyện của cựu cầu thủ bóng đá nổi tiếng Lee Young- pyo.
Theo Nielson Korea, ý tưởng độc đáo của chương trình về những phụ nữ mới bắt đầu cải thiện kỹ năng của họ đã thu hút sự tò mò của người xem, mang lại tỷ lệ khán giả cao nhất là 9,5% vào tháng 12/2021.
Nhưng tác động đem lại lớn hơn không chỉ mục đích giải trí đơn thuần.
Các cô gái của Nutty FC tiến hành ghi hình cho dự án của đội bóng. Ảnh: CNN. |
Plab Football, một nền tảng thể thao xã hội tổ chức cho người dùng chơi futsal - môn bóng đá trong nhà với mỗi đội có 5 người chơi, ít gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm người chơi - cho biết họ đã tăng 45,2% người chơi nữ vào tháng 7/2021 so với thời điểm một tháng trước khi Kick a Ball phát sóng lần đầu tiên.
Nền tảng này xếp hạng người dùng thành 5 cấp độ khác nhau tùy theo kỹ năng, với cấp độ 5 biểu thị người chuyên nghiệp và cấp độ 1 dành cho người mới bắt đầu. Dữ liệu từ ứng dụng cho thấy hơn 50% trong tổng số 11.074 người dùng nữ được xếp hạng 2 hoặc thấp hơn.
Khi Nutty FC mở đợt tuyển dụng vào tháng 3/2022, số lượng ứng viên đăng ký tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Phần lớn cho biết chương trình đã truyền cảm hứng cho họ.
Jung giải thích rằng nhiều bạn bè nữ của cô, những người ban đầu từ chối tham gia Nutty FC vì “không biết chơi”, giờ đang thành lập đội của riêng họ bao gồm các thành viên cũng là người mới tham gia.
Khán đài thưa thớt
Trong khi số lượng phụ nữ bình thường tham gia vào môn thể thao vua ngày càng tăng, Jung nói rằng còn nhiều việc cô cần phải làm cho bóng đá nữ ở Hàn Quốc.
Ji So-yun, nữ cầu thủ Hàn Quốc đầu tiên thi đấu tại Women's Super League (Giải Hạng nhất) ở Anh, trở về quê hương để thi đấu cho Suwon FC Women sau khi đạt 12 danh hiệu với đội nữ Chelsea.
Trong cuộc họp báo hồi tháng 5, tiền vệ 31 tuổi chỉ ra bóng đá nữ ở Hàn Quốc vẫn đứng sau các nước châu Âu, nơi các đội nữ chuyên nghiệp được điều hành cùng với đội nam dưới một CLB.
Trái với tình yêu cuồng nhiệt dành cho bóng đá nam, khán giả xứ kim chi còn khá hời hợt với bóng đá nữ. |
“Tôi bị Suwon FC thu hút vì đó là CLB trong nước đầu tiên điều hành cả đội nam và nữ. Ở Anh, các CLB cùng nhau quảng bá đội nam và đội nữ. Tôi nghĩ đó là cách mà đội bóng nữ có được nhiều người ủng hộ", Ji giải thích.
Giải bóng đá bán chuyên dành riêng cho nữ WK League của Hàn Quốc vừa mới được điều chỉnh lại giờ các trận đấu diễn ra, từ 16h xuống 19h theo giờ địa phương để tiện cho khán giả theo dõi.
Liên đoàn bóng đá nữ Hàn Quốc (KWFF) giải thích lý do đằng sau sự thay đổi này là “sự quan tâm ngày càng tăng đối với bóng đá nữ”.
Theo KWFF, WK League có trung bình 353 khán giả theo dõi mỗi trận trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với các giải nữ của châu Âu.
Giải vô địch bóng đá nữ của Anh có trung bình 1.931 khán giả mỗi trận trong mùa giải 2021/22. Đội bóng nữ Barcelona ở Tây Ban Nha đã lập kỷ lục thế giới về lượng khán giả theo dõi trận chung kết gặp Wolfsburg hồi tháng 4, với 91.648 người hâm mộ.
Để lấp đầy khán đài, Jung gợi ý rằng các đội WK League nên thu tiền vé.
Hiện tại, Suwon FC là đội duy nhất trong số tám đội tính phí người hâm mộ. Mức giá lần lượt là 5.000 won cho người lớn và 1.000 won cho trẻ em, chỉ bằng một phần ba giá vé bóng đá nam.
“Giải đấu cần doanh thu để cải thiện và nó cần cải thiện để thu hút người hâm mộ. Nhưng thật tiếc là điều này không xảy ra", Jung than phiền.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.