Khi trọng tài Anthony Taylor thổi còi kết thúc trận đấu giữa đội tuyển Hàn Quốc và Ghana, Son Heung-min thất vọng, ngồi gục xuống sân cỏ. Nam tiền đạo đã rơi nước mắt, theo The Straits Times.
Đó là hình ảnh không hề xa lạ với người hâm mộ bóng đá. Trong màu áo đội tuyển quốc gia lẫn CLB, cả trận thua lẫn những lần nâng cúp vô địch, chân sút 30 tuổi đều khóc rất nhiều.
Điều này khiến anh thường xuyên bị chế giễu, thậm chí chỉ trích. Nhiều người cho rằng nam cầu thủ yếu đuối, quá dễ xúc động và không biết cách kiềm chế xúc cảm.
Ngược lại, theo các chuyên gia tâm lý, việc một VĐV bộc lộ cảm xúc là điều hoàn toàn bình thường và còn mang lại lợi ích trong thi đấu thể thao. Son Heung-min hay bất kỳ cầu thủ nào khác đều có quyền khóc, miễn là nước mắt của họ không làm gián đoạn trò chơi.
"Crybaby" trong bóng đá
"Crybaby" là biệt danh của Son Heung-min. Ngay trong chính tự truyện, tiền đạo sinh năm 1992 cũng tự nhận mình là người dễ khóc, không giỏi che giấu cảm xúc.
Khi Tottenham Hotspur thắng hay thua, cổ động viên đều có thể chứng kiến cảnh Son Heung-min rơi nước mắt. Hình ảnh anh chàng được hai cầu thủ Manchester City dỗ dành sau khi Tottenham Hotspur thua trận chung kết Carabao Cup hồi năm ngoái đã trở thành meme nổi tiếng khắp mạng xã hội.
Trong màu áo đội tuyển Hàn Quốc, nam tiền đạo cũng nhiều lần bật khóc. Anh khóc trong phòng thay đồ, lúc Hàn Quốc thua Mexico với tỷ số 2-1 trong trận đấu vòng bảng World Cup 2018 tại Nga.
Son Heung-min lau nước mắt sau trận thua của tuyển Hàn Quốc trước Ghana. Ảnh: Alamy. |
Tiền đạo 30 tuổi đã lấy áo lau nước mắt sau khi cùng các đồng đội đánh bại tuyển Đức, nhưng không thể giành quyền vào vòng tiếp theo tại World Cup 2018.
Khi được hỏi về những giọt nước mắt trong trận thua Ghana mới đây, Son Heung-min nói: "Đó là phản ứng bình thường của một người đã làm hết sức mình mà không thắng được. Tôi nghĩ chúng tôi nên cảm thấy buồn, cảm thấy thiếu công bằng, nhưng có thể tự hào vì đã cống hiến hết mình trên sân cỏ".
Son Heung-min không phải cầu thủ đầu tiên bị chế giễu vì hình ảnh khóc lóc.
Sau chiến thắng nhọc nhằn của tuyển Brazil trước Costa Rica ở World Cup 2018, Neymar đã ôm mặt khóc trên sân cỏ. O Globo, tờ báo của Brazil, gọi hành động của nam cầu thủ là "không bình thường" và "đáng lo ngại". Tờ báo cũng nhấn mạnh các tuyển thủ cần thể hiện sức mạnh tinh thần, không phải sự "mong manh".
Trước sự chỉ trích, Neymar đã chia sẻ trên Twitter: "Mọi người đều biết tôi đến với World Cup cùng chân phải phẫu thuật hồi đầu tháng 3. Đó chỉ là những giọt nước mắt của niềm vui, của sự cố gắng vượt qua và của sức mạnh".
Vì sao khóc có thể giúp ích?
Nước mắt trong bóng đá không còn quá mới. Nhiều ngôi sao lớn cũng mang biệt danh "crybaby", từ màn ăn mừng đầy xúc động của Pele trong trận chung kết World Cup 1958, cho đến đôi mắt đỏ hoe của Paul Gascoigne tại World Cup 1990.
Nhưng phải đến World Cup 2014, những giọt nước mắt mới thực sự bùng nổ, theo tạp chí bóng đá FourFourTwo.
"Đó là thời điểm sự bộc lộ cảm xúc trở thành một điều hiển nhiên trong trò chơi. Các cầu thủ cảm thấy họ phải thể hiện sự đau đớn khi bị loại khỏi vòng bảng", tạp chí viết.
Theo Tom Bates, huấn luyện viên tâm lý học thể thao tại West Bromwich Albion, sự thay đổi trong bóng đá phản ánh những thay đổi trong văn hóa toàn cầu. Đàn ông được khuyến khích thể hiện thay vì che giấu cảm xúc. Nước mắt, sự yếu đuối hay nam tính trở thành những khái niệm được phân tách.
"Đã có sự thay đổi lớn ở Anh và sự chuyển đổi văn hóa trên khắp thế giới. Chúng ta bắt đầu nhận ra là việc thảo luận hay bộc lộ cảm xúc cá nhân không còn là điểm yếu. Trên thực tế, đó thực sự là sức mạnh. Một sức mạnh to lớn, bởi vì thật kỳ diệu khi bạn có thể nắm lấy những cảm xúc cá nhân và sau đó biến chúng trở thành động lực để tiến về phía trước".
Neymar khóc sau khi tuyển Brazil thắng Costa Rica ở World Cup 2018. Ảnh: Shutterstock. |
Bates nói thêm: "Ngày nay, tôi thích một cầu thủ cảm thấy thoải mái với cảm xúc của chính mình. Có một câu nói rất hay rằng: 'Trong một thế giới mà bạn có thể trở thành bất cứ thứ gì, hãy chọn là chính mình và trở nên tốt đẹp'. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là các cầu thủ được là chính mình. Họ cảm thấy bản thân có thể bộc lộ cảm xúc ở nơi công cộng".
Trong tâm lý học thể thao, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những cầu thủ dễ bộc lộ cảm xúc sẽ vượt qua khủng hoảng nhanh hơn.
Giáo sư Kang Seung-koo thuộc khoa Khoa học Thể thao tại Đại học Chung-Ang nói: "Những cầu thủ như Son Heung-min không chỉ rèn luyện hiệu suất thi đấu, mà còn học được khả năng quản lý và đối phó với khủng hoảng. Với họ, nước mắt như một liệu pháp tâm lý, chưa bao giờ là sự từ bỏ hay thất bại".
Son Heung-min cũng nói rằng bộc lộ cảm xúc, thay vì che giấu, đã giúp anh rất nhiều trong sự nghiệp sân cỏ.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi tại sao lại dễ rơi nước mắt như vậy, tiền đạo Hàn Quốc nói: "Tôi nghĩ điều quan trọng là phải cho người hâm mộ thấy mình là một con người tự nhiên. Sau đó, tôi có thể chia sẻ niềm vui của mình với người khác khi cảm thấy hạnh phúc, nói về nỗi đau với họ và nhận được sự an ủi cần thiết khi tôi cảm thấy buồn".
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Mục Đời Sống giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.