Người sáng tạo không thấy buồn chán dù phải ở một mình trong thời gian dài. Ảnh: Pexels. |
Khoảng thời gian cô đơn kéo dài khiến nhiều người trong chúng ta bồn chồn, lo lắng đến mức phải tìm một thứ gì đó để lấp đầy tâm trí. Trong khi đó, những người có đầu óc sáng tạo lại tận hưởng sự tự do này để giúp đầu óc được "giải thoát".
Các nhà tâm lý học đến từ Đại học Arizona, Đại học Arkansas và Đại học Minnesota của Mỹ đã tiến hành một khảo sát với hơn 2.000 người để tìm hiểu óc sáng tạo của một người sẽ biến hóa như thế nào khi không có gì hay ho để làm.
Kết quả được công bố trên Creativity Research Journal cho thấy những cá nhân có khả năng suy nghĩ khác biệt, táo bạo thường ít khi cảm thấy buồn chán nếu bị bỏ lại một mình với mớ suy nghĩ của bản thân.
Đây không phải một phát hiện bất ngờ, nhưng nó nhấn mạnh sự khác biệt khi tâm trí của chúng ta khi rảnh rỗi. Nghiên cứu này cũng có thể đưa ra những gợi ý để khuyến khích mọi người coi trọng thời gian rảnh rỗi thay vì ép mình phải làm những công việc lặt vặt hay "chạy deadline".
Bà Jessica Andrews-Hanna, nhà thần kinh nhận thức tại Đại học Arizona, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết việc hiểu căn nguyên của suy nghĩ, hành động của con người có thể mang lại những can thiệp đầy hứa hẹn để cải thiện sức khỏe và sự hạnh phúc.
Đại dịch toàn cầu đã dạy chúng ta một điều rằng bị cô lập trong thời gian dài là điều mà không phải ai cũng thích. Một số người tìm cách đối phó sự cô độc và áp lực đó, nhưng không phải tất cả phương pháp đều lành mạnh.
Đối với một số người, giãn cách xã hội là cơ hội quý giá để ngẫm về quá khứ, nghĩ đến tương lai. Họ sẽ lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi bằng những câu chuyện tưởng tượng, suy đoán hoang đường và không bị trói buộc trong những suy nghĩ đó.
"Trong xã hội bận rộn và chịu nhiều ảnh hưởng của kết nối kỹ thuật số như ngày này, thời gian được ở một mình để suy nghĩ mà không bị phân tâm có thể trở thành một thứ hàng hiếm", bà Andrews-Hanna nói.
Để tìm hiểu điều này thực tế xảy ra như thế nào, các nhà nghiên cứu đã mời 90 tình nguyện viên ngồi một mình trong phòng suốt 10 phút, không dùng đồ điện tử. Họ được yêu cầu nói ra những điều họ nghĩ trong đầu.
Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng được cho làm một bài kiểm tra nhỏ với các câu hỏi mở như: "Bạn sẽ kiếm tiền bằng cách nào với 100 sợi dây thun".
Từ thử nghiệm này, nhóm nghiên cứu rút ra được một kết luận khá nổi bật. Quentin Raffaeli, cử nhân ngành Tâm lý học tại Đại học Arizona, thành viên nhóm nghiên cứu, thông tin trong khi nhiều tình nguyện viên có xu hướng suy nghĩ những điều không liên quan đến nhau, những người sáng tạo lại có những suy nghĩ mang tính liên kết nhiều hơn.
"Những người sáng tạo trong thử nghiệm này nói nhiều hơn. Điều này phản ánh họ có những suy nghĩ tự do và ít bị buồn chán nếu ở một mình", Raffaeli nhận định.
Trong nghiên cứu thứ hai, nhóm nghiên cứu xem xét phần trả lời của 2.612 người trong một khảo sát trực tuyến về sự sáng tạo. Kết quả khảo sát này đã củng cố cho nghiên cứu đầu tiên - cho thấy những người sáng tạo ít cảm thấy buồn chán dù phải cách ly trong đại dịch.
Từ những kết luận này, nhóm nghiên cứu khẳng định không phải mọi người đều có chung suy nghĩ, hành động vào thời gian rảnh. Mất tập trung hay phân tâm khi rảnh cũng không có nghĩa là bạn không làm được gì hữu ích.
Thay vì cố quay cuồng để lấp đầy thời gian rảnh, bạn có thể tận hưởng thời gian đó để nghĩ về những điều bạn muốn, ví dụ như những ý tưởng độc đáo hoặc hoang đường.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.