Bằng cách tiêu ít hơn số tiền kiếm được hàng tháng, bạn sẽ dần hình thành thói quen quản lý tiền bạc, từ đó giữ ngân sách ổn định và đạt các mục tiêu tài chính đề ra.
Điểm chính:
- "Live below your means" cho phép bạn hạn chế nợ, dành dụm tiền và có sự ổn định tài chính.
- Không có quỹ khẩn cấp hay tiết kiệm là dấu hiệu của người sống quá khả năng.
- Bạn có thể thắt chặt chi tiêu bằng cách quản lý ngân sách hàng tháng.
"Live below your means" (sống dưới mức có thể) thường được nhắc đến trong quản lý tài chính cá nhân như một nguyên tắc bảo toàn tài sản. Với người đã quen tiêu xài không tính toán, việc điều chỉnh lối sống dường như không phải điều dễ dàng. Nhưng nếu bạn quyết tâm, "live below your means" có thể đem đến nhiều lợi ích.
Vì sao "live below your means" quan trọng?
Hiểu đơn giản, sống dưới mức có thể nghĩa là bạn tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được.
Giả sử, mỗi tháng bạn có tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Nếu đến cuối tháng bạn chỉ dùng hết 15 triệu đồng, thì bạn đang sống dưới mức của mình 5 triệu đồng.
Đây là một thói quen quan trọng giúp bạn tránh nợ nần, tiết kiệm phòng trường hợp khó khăn, đồng thời dùng tiền dư đầu tư sinh lời, xây dựng sự ổn định tài chính, theo Clever Girl Finance.
Một thực hành khác là "live within your means" (sống trong khả năng). Trong trường hợp bạn chưa thể thay đổi ngay cách bản thân dùng tiền, việc giảm mức độ tiêu xài sao cho không vượt thu nhập có thể là khởi đầu tốt.
Làm thế nào để chi tiêu dưới mức cho phép?
Nhưng "live below your means" không có nghĩa bạn không thể tiêu tiền vào điều mình thích, hay tận hưởng cuộc sống theo nhiều cách khác nhau.
Nerd Wallet nói chìa khóa của tiêu xài có chừng mực là quản lý tiền thay vì chạy theo nhu cầu. Ngoài ra, trang cũng gợi ý bạn chi ít hơn 15% thu nhập hàng tháng.
Sau đây là 3 mẹo để bạn dần thắt chặt chi tiêu mà không cảm thấy hụt hẫng:
Theo dõi ngân sách thường xuyên
"Hãy đưa ra các lựa chọn tài chính khi bạn có thời gian nhìn nhận chúng một cách sáng suốt. Đừng tiêu xài theo hướng bộc phát", Charlie Bolognino, chuyên gia tài chính ở Minnesota, Mỹ, nói.
Lập kế hoạch chi tiêu trước thời điểm dùng tiền là bí quyết khiến mỗi đồng tiền đều có ích, hạn chế phung phí.
Có nhiều phương pháp phân bổ tiền khác nhau. Một phương pháp cơ bản từng được Zing đề cập là 50/20/30. Theo hình thức này, bạn chia tổng thu nhập sau thuế theo tỷ lệ 50% dành cho chi phí thiết yếu, 20% cho tiết kiệm, trả nợ hoặc đầu tư, và 30% cho các nhu cầu cá nhân như giải trí, học tập.
Cắt giảm các khoản không cần thiết
Bắt đầu bằng việc rà soát lại các mục đã chi trước đây, có thể bạn sẽ phát hiện một số khoản vô nghĩa đang tiêu tốn của mình kha khá tiền.
Những gói xem phim online, các thẻ thành viên ít sử dụng đều nên được cân nhắc hủy gia hạn để bảo vệ túi tiền. Ngoài ra, bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách tự pha cà phê ở nhà, tái sử dụng đồ cũ, tắt điện khi không cần thiết.
Đừng mua sắm theo cảm xúc
Hãy nhớ lại xem đã bao nhiêu lần bạn mua một món đồ chỉ vì thấy đẹp, thấy vui, hoặc vì ai đó bạn quen cùng sở hữu?
Để sống dưới khả năng cho phép, theo Live Mint, bạn cần học cách phân biệt mong muốn với nhu cầu thật sự.
Giảm hạn mức thẻ tín dụng là một biện pháp hữu ích cho bạn. Trước khi quyết định mua gì đó từ quảng cáo hiện ra trên mạng, hãy hít thở sâu, suy nghĩ xem mình sẽ dùng nó vào việc gì, khi nào, với tần suất bao nhiêu.
Dấu hiệu bạn đang sống vượt mức
Những dấu hiệu sau cho thấy bạn có thể đang có mức sống cao hơn khả năng của mình:
- Bạn không có quỹ khẩn cấp. Khi mất việc làm hay giảm thu nhập, bạn chới với vì thiếu khoản dự phòng để trang trải. Tương tự với việc bạn không có khoản tiết kiệm nào cho riêng mình.
- Bạn mua những món hàng bản thân không thể chi trả. Chúng khiến bạn phải vay mượn và vướng vào nợ nần.
- Bạn chật vật trả nợ tín dụng hàng tháng. Một lời khuyên phổ biến là bạn nên trả hết số dư thẻ tín dụng theo tháng, tránh trả thêm lãi.
Robert T. Kiyosaki, tác giả cuốn sách "Rich Dad Poor Dad", nói ngoài suy nghĩ "live below your means", tư duy đầu tư và gia tăng tài sản sẽ góp phần củng cố khả năng tài chính. Khi sở hữu nhiều, bạn tự do hơn trong cách xài tiền của mình.
Thế nhưng, nếu bạn thấy mình gặp các dấu hiệu trên, có lẽ điều đầu tiên bạn nên làm là học cách tiết chế tiêu dùng, giữ thu chi cân đối.