Khi cả thế giới bước sang năm thứ ba chống chọi với Covid-19, cùng sự tiến hóa và khả năng lây lan mạnh của các biến chủng mới, nhiều nhà khoa học lạc quan tin rằng đại dịch này sẽ thuyên giảm trong năm 2022.
Không còn quá nghiêm trọng
Mặc dù biết rằng biến chủng Omicron sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng trong vài tháng tới, nhiều kịch bản tích cực cho thấy tình hình sẽ được cải thiện do khả năng miễn dịch ngày càng cao ở con người, bằng cách tiêm chủng và lây nhiễm tự nhiên, giúp làm giảm ảnh hưởng của virus lên sức khỏe.
“Sự gia tăng của các ca nhiễm Omicron ở châu Âu và Bắc Mỹ diễn ra rất nhanh và chúng ta sẽ thấy tốc độ đó giảm xuống trong vòng môt hoặc 2 tháng tới, mặc dù có thể mất từ 4 đến 6 tháng để biến chủng này lan ra toàn thế giới”, ông Jeremy Farrar, Giám đốc của tổ chức y tế Wellcome cho biết.
Người dân xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 ở Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP. |
Vào hôm 30/12/2021, khi Nam Phi, nơi đầu tiên ghi nhận Omicron vào tháng 11/2021, đã dỡ bỏ các hạn chế di chuyển của người dân. “Tất cả dữ liệu đều cho thấy đất nước có thể đã vượt qua đỉnh của làn sóng thứ tư”, tuyên bố từ chính phủ Nam Phi nêu rõ.
Tim Colbourn, giáo sư dịch tễ học tại Đại học College London, nhận định: “Hoàn toàn hợp lý khi nghĩ rằng gánh nặng của Covid-19 có thể giảm 95% vào năm 2022, và đó không còn là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đây sẽ là một mục tiêu để chấm dứt đại dịch”.
Một số chuyên gia coi chính Omicron như một dấu hiệu của sự tiến hóa trong tương lai của virus SARS-CoV-2, vì chọn lọc tự nhiên ủng hộ các đột biến lây truyền nhanh nhất và hiệu quả nhất, thường là trên những người có hệ miễn dịch được bảo vệ.
Các thí nghiệm khoa học cho thấy các đột biến ở Omicron giúp nó dễ lây nhiễm hơn các biến chủng trước đó, nhất là ở đường hô hấp trên và mũi - khu vực thiên về lây truyền nhanh. Nhưng ngược lại, chúng ít có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, nơi thường bị tổn thương nhiều nhất.
Xuất hiện biến chủng thay thế
Tốc độ lây truyền cao của Omicron sẽ gây ra khả năng lây nhiễm cho 3 tỷ người trên toàn cầu trong vòng 2 tháng tới, tương đương số liệu của hai năm đầu tiên của đại dịch, theo nghiên cứu của Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe tại Đại học Washington.
“Nhưng sự gia tăng lớn về số ca lây nhiễm và số ca nhập viện sẽ ít hơn so với biến chủng Delta hoặc đợt đỉnh điểm vào mùa đông năm ngoái ở cấp độ toàn cầu”, Chris Murray, Giám đốc Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe tại Đại học Washington cho biết.
Các nhà khoa học trên thế giới gấp rút giải trình tự bộ gene của virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19 để nghiên cứu các biến chủng mới. Ảnh: AFP. |
Nhiều bằng chứng cho thấy Omicron sẽ thay thế Delta trở thành biến chủng thổng trị thế giới, giống như cách Delta đã quét sạch các biến chủng trước đó.
“Tôi sẽ lo lắng hơn nếu có nhiều biến chủng lan truyền cùng một lúc, vì chúng sẽ tấn công theo các ngách khác nhau, và chúng ta sẽ đối mặt với động lực tiềm ẩn nguy hiểm của nhiều chủng cùng tương tác”, ông Farrar nói.
Ngay cả khi Omicron thực sự trở thành biến chủng chính, thì một biến chủng khác xuất hiện là điều chắc chắn.
Trong khi những thay đổi lẻ tẻ của mã di truyền là các sự kiện ngẫu nhiên trong quá trình sao chép của virus và không thể đoán trước được sự đa dạng của các đột biến đặc trưng cho Omicron, thì áp lực môi trường tạo ra một số nhóm phát triển có thể dự đoán được.
Một cộng đồng mà hầu hết người đã phơi nhiễm với SARS-CoV-2, sẽ dung nạp loại biến chủng truyền nhanh và dễ dàng. Các đột biến khiến virus có khả năng gây tử vong cao sẽ không thích ứng được, thậm chí còn là một khuyết tật nếu chúng cản trở quá trình lây truyền.
SARS-CoV-2 phụ thuộc vào các tế bào lây nhiễm và nó có thể đã gần đạt đến giới hạn của điều đó.
Kịch bản không mong đợi
Liệu các tác nhân gây bệnh mới có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn khi chúng được hình thành trong cộng đồng hay không là một vấn đề tranh luận giữa các nhà khoa học. Nhưng Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, tin rằng điều đó đúng với virus corona.
Bốn loại virus corona ở người, từ lâu đã lan truyền trên toàn thế giới gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh từ nhẹ đến trung bình, có thể đã gây ra dịch bệnh nghiêm trọng khi chúng lần đầu tiên chuyển từ động vật sang người.
Có thể SARS-CoV-2 sẽ tiến hóa không theo quy luật thông thường, khó lường trước được. Ảnh: BBC. |
Cụ thể, ông Hunter tin rằng, loại virus corona OC43 được lai từ gia súc vào khoảng năm 1889 đã gây ra đại dịch “cúm Nga”, sẽ gây ra các đợt dịch giống Covid-19 ngày càng nhẹ trong khoảng 4 hoặc 5 năm, mặc dù không phải ai cũng bị thuyết phục bởi bằng chứng này.
Ông nói: “SARS-CoV-2 sẽ liên tục tạo ra các biến chủng mới không ngừng nhưng khả năng miễn dịch tế bào của con người sẽ tăng cường để chống lại các bệnh nghiêm trọng nếu con người mắc phải. Cho tới cuối cùng, chúng ta sẽ không phải lo về chuyện đó”.
Một kịch bản khác có thể xảy ra nếu SARS-CoV-2 phát triển ngược lại so với thông thường. Sẽ có một nguy cơ nhỏ xảy ra khi sự tiến hóa đột ngột nhảy sang “một thứ gì đó bất thình lình không xuất phát từ các dòng virus đang lan truyền”, Farrar nói.
Một khả năng là SARS-CoV-2 sẽ tiến hóa ở động vật và sau đó chuyển sang người. Các dịch cúm thường bắt đầu bằng một loại virus cúm xuất phát từ chim hoặc lợn.
Trường hợp khác, SARS-CoV-2 có thể hoán đổi gene với một loại virus khác thông qua “tái tổ hợp gene”. Ví dụ, nếu ai đó đồng thời nhiễm SARS-CoV-2 và Mers - loại virus không lây truyền giữa người với người nhưng khiến khoảng 40% người bệnh tử vong, thì có thể xảy ra hiện tượng lai phát sinh, kết hợp khả năng truyền nhiễm và gây chết người.
Mặc dù một bước nhảy vọt về mặt tiến hóa như vậy không phải là không thể, nhưng hầu hết chuyên gia coi đó là điều cực kỳ khó xảy ra. Colbourn nói: “Tôi lo lắng về nếu có một đại dịch khác mà chúng tôi chưa biết hơn là các biến chủng tiếp theo của SARS-CoV-2”.