Ô nhiễm không khí do bụi mịn có thể tác động lớn đến sức khỏe con người. Ảnh minh họa: Thairath. |
Bụi mịn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trên toàn thế giới. Đây là một dạng ô nhiễm không khí vô hình có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng lâu dài.
Bụi mịn có các kích thước là hạt nhỏ, PM2.5, dùng để chỉ các hạt có đường kính 2,5 micron trở xuống, trong khi hạt thô, PM10, có nghĩa là các hạt có đường kính 10 micron trở xuống.
PM10 có thể gây kích ứng mắt, mũi và đường hô hấp trên. Nhưng PM2.5 là mối lo ngại lớn hơn về sức khỏe vì các hạt nhỏ hơn có thể di chuyển sâu vào phổi, đi vào máu, được vận chuyển đến não và các cơ quan khác.
Tác động của bụi mịn với sức khỏe
Theo The Guardian, tiếp xúc với PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm các bệnh về phổi như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và viêm phổi; bệnh tim mạch; đột quỵ và các bệnh về thần kinh.
Ông Mark Brooke, Giám đốc điều hành của Tổ chức Phổi Australia, cho biết những tác động ngắn hạn có thể biểu hiện dưới dạng làm trầm trọng thêm các triệu chứng hiện có, suy giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ nhập viện và nguy hiểm tính mạng. Việc tiếp xúc lâu dài với không khí có nồng độ bụi mịn cao cũng có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh COPD.
Các nghiên cứu đã chỉ ra phơi nhiễm PM2.5 khi mang thai làm tăng các rủi ro khi sinh bao gồm nguy cơ sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân. Vì trẻ em thở nhanh hơn người lớn, chúng phải tiếp xúc với ô nhiễm không khí nhiều hơn. Nghiên cứu từ Mỹ đã tìm thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than và việc giảm điểm kiểm tra ở trẻ em.
Bụi mịn cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bằng cách làm hỏng mạch máu và gây ra phản ứng viêm dẫn đến huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, đột quỵ và đau tim. Điều này đặc biệt đúng đối với những người mắc bệnh tim từ trước hoặc có các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, mức cholesterol cao và tiểu đường.
Tình trạng ô nhiễm không khí này có liên quan đến nhiều loại ung thư như ung thư vú và ung thư hệ tiêu hóa (thực quản, dạ dày, ruột, tuyến tụy, gan).
Bụi mịn gây ra mối đe dọa lớn nhất cho phổi. Theo nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan), ngay cả với lượng ô nhiễm không khí tối thiểu từ bụi mịn, nguy cơ ung thư phổi vẫn tăng 20%. Ở những điểm nóng về bụi mịn như khu vực thành thị, nguy cơ ung thư phổi tăng 80%.
Ngoài các bệnh về đường hô hấp, ung thư và bệnh tim mạch, các hạt bụi mịn còn liên quan trực tiếp đến rối loạn thần kinh. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn có thể dẫn đến các rối loạn thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và các dạng sa sút trí tuệ khác.
Cách giảm tác hại của bụi mịn
Theo The Health Site, dưới đây là những lời khuyên giúp bạn bảo vệ và giảm nhẹ các tác hại của bụi mịn và ô nhiễm môi trường với sức khỏe:
- Luôn cập nhật về chất lượng không khí tại địa phương
- Vào những ngày chất lượng không khí kém, giảm các hoạt động ngoài trời, đặc biệt đối với những người có bệnh về hô hấp hoặc tim
- Sử dụng máy lọc không khí có bộ lọc HEPA để giảm mức độ bụi mịn trong nhà
- Nếu có thể, hãy tránh những khu vực có lưu lượng giao thông đông đúc và khí thải công nghiệp
- Sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe để giảm lượng khí thải phương tiện cá nhân.
Cuốn sách xem xét quan niệm của loài người về bộ não qua nhiều thời đại, mô tả chi tiết cấu trúc và hoạt động của bộ não, phân tích cách mà hệ thống tri giác và não bộ giúp ta lý giải những cảm giác của mình về thế giới xung quanh. Ngoài ra, sách còn thảo luận về khái niệm ý thức và vai trò của cảm xúc. Đặc biệt, một chủ đề nóng hổi cũng được nhắc tới: trí tuệ nhân tạo liệu có thể sánh với trí tuệ con người?