Mỗi người đều cần uống ít nhất 2 lít nước một ngày. Ảnh: Shutterstock. |
Best Life thông tin nhiều người thường có thói quen đặt một cốc nước cạnh giường, đổ đầy nước mỗi đêm để uống mà không rửa sạch cốc thường xuyên. Trường hợp phổ biến hơn là sử dụng một ly nước yêu thích trong nhiều ngày liên tục và không bận tâm đến việc rửa nó. Các bác sĩ cho rằng việc làm này có thể dẫn đến một căn bệnh khó chịu.
"Norovirus, loại virus rất dễ lây lan, gây nôn mửa và tiêu chảy, có thể tồn tại một tuần hoặc hơn trong chiếc cốc không được rửa sạch", bác sĩ Dung Trinh, người sáng lập Healthy Brain Clinic, nói.
Thói quen phổ biến
Không thể phủ nhận, uống nhiều nước rất tốt cho cơ thể của mỗi người. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra thói quen uống nước liên quan đến việc sống lâu hơn và ít mắc các bệnh mạn tính hơn. Một ngày không uống nước có thể dẫn đến chóng mặt, mệt mỏi cũng như các vấn đề về tiêu hóa…
Trang Best Life nhận định điều quan trọng là phải cẩn thận về cách uống nước. Mỗi người cần đảm bảo không tiếp xúc với vi khuẩn có hại để giảm nguy cơ mắc bệnh do uống bằng ly bẩn.
"Việc tái sử dụng một chiếc cốc mà không rửa lại nó là điều phổ biến ở nhiều hộ gia đình. Đôi khi, chúng ta chỉ cần rót đầy ly một cách dễ dàng chứ không nghĩ đến những lo ngại liên quan đến vấn đề vệ sinh", bác sĩ Devin Stone, người sáng lập bioReigns, nói.
Rõ ràng, việc sử dụng ly để uống nước lọc và không rửa là câu chuyện thường thấy ở nhiều nơi. Thói quen có hại này có thể khiến người dân dễ mắc bệnh, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.
Việc uống nước bẩn sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm norovirus. Ảnh: Medical News Today. |
Tác hại của việc không rửa cốc nước thường xuyên
"Nếu bạn sử dụng một chiếc cốc trong một tuần mà không rửa sạch, vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển trên bề mặt chiếc cốc. Các bạn phải thường xuyên rửa cốc bằng xà phòng và nước để ngăn chặn sự tích tụ này, chứ không chỉ bằng nước thông thường", bác sĩ Peter Michael, Giám đốc Y tế của VUE, nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Dung Trinh cho rằng việc đổ nước cũ đi và rót nước mới lại không giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn.
"Ngay cả khi bạn đổ đầy nước ngọt vào cùng một cốc, bất kỳ loại vi khuẩn nào có trong đó đều sẽ nhân lên nhanh chóng và trở nên nguy hiểm", bác sĩ Dung Trinh nói.
Bác sĩ Stone nhận định norovirus chỉ là một trong những loại virus khó chịu có thể sống trên cốc nước chưa rửa. Theo thời gian, những vi khuẩn đó sẽ tạo ra một quần thể gọi là "màng sinh học" (biofilm).
"Nếu không cọ rửa những cốc thủy tinh uống nước, vi khuẩn sẽ trú ngụ ở đó và nhân lên về số lượng. Điều này khiến chúng ta dễ tiếp xúc với những vi khuẩn không mong muốn", ông Stone nhấn mạnh.
Theo 3 bác sĩ, ngay cả khi rửa cốc thường xuyên, việc để nước đọng lại vẫn có thể gây ra nhiều vấn đề. Ông Trinh cho biết một chiếc cốc để ngoài trời có thể tiếp xúc với vi khuẩn trong không khí, bụi bẩn hoặc các nguồn khác. Vì vậy, mỗi người nên đặt một chai nước có nắp đậy ở trên đầu giường.
"Vi khuẩn cũng có thể phát triển trong nước nếu không được thay thường xuyên, dù chỉ là vài ngày. Do đó, đừng để ly nước không đậy nắp cạnh giường của bạn", ông Stone cảnh báo.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.