Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Trong cuộc họp trực tuyến với các cơ sở y tế về tình hình chống dịch sởi chiều 12/8, Sở Y tế TP.HCM thông tin địa phương này đủ điều kiện công bố dịch sởi.
Cụ thể, từ tháng 5 đến ngày 11/8, thành phố đã ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Ca bệnh sởi đã xuất hiện ở 57 phường, xã, 16 quận, huyện, trong đó có 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh trở lên.
Người dân có nên lo lắng?
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), việc công bố dịch phải đảm bảo nguyên tắc “mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố” và “việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền”.
Đây là cơ sở pháp lý để cộng đồng cùng chung tay và quan tâm đúng mức đến việc phòng ngừa dịch bệnh trong gia đình và mọi người xung quanh.
Theo đó, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B (trong đó có bệnh sởi), thẩm quyền công bố dịch thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế.
Địa phương được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 3 năm gần nhất; một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên; một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng sau khi công bố dịch sởi, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch.
Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch.
Việc xử lý ổ dịch yêu cầu khai báo, báo cáo dịch và có thể phải thực hiện cách ly y tế, sử dụng vaccine để phòng bệnh (nếu là bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine) hay tiêu diệt trung gian truyền bệnh (nếu là bệnh truyền do vector), vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế (nếu bệnh truyền nhiễm lây truyền theo vật dụng)...
"Việc thực hiện cụ thể trong từng trường hợp dịch bệnh sẽ do Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định. Tuy nhiên, theo tôi, trong trường hợp dịch sởi hiện tại, các biện pháp chống dịch chỉ bao gồm tăng cường chẩn đoán và điều trị sởi, tăng cường khai báo, báo cáo dịch, thực hiện tiêm vaccine sởi (hoặc vaccine sởi - rubella) cho trẻ em dưới 5 tuổi (hoặc chỉ tiêm chọn lọc cho trẻ em chưa tiêm chủng đủ hoặc tiêm chủng không chọn lọc) để chống dịch", PGS Dũng nói.
Vì vậy, ông cho rằng người dân không nên lo lắng các biện pháp chống dịch sởi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống.
PGS Dũng cũng cho hay việc quyết định công bố dịch cần dựa trên đánh giá lợi ích và ảnh hưởng bất lợi. Lợi ích của công bố dịch là có thể huy động nguồn lực tốt hơn để phòng chống dịch, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng hay để cộng đồng chấp nhận các biện pháp hạn chế nếu cần thiết.
"Tuy nhiên, khi công bố dịch cũng gây sự lo lắng cho một số nhất định người dân. Trong trường hợp bệnh sởi tại TP.HCM, tôi cho rằng có lẽ lý do để công bố dịch là có thể huy động thêm nguồn vaccine sởi để tiêm phòng và kêu gọi người dân hợp tác trong chiến dịch tiêm chủng", vị chuyên gia nhận định.
Khu điều trị trẻ mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Giải pháp để dịch sởi không lan rộng
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Ban Chỉ đạo chống dịch có thể là tổ chức đưa ra giải pháp tối ưu để kiểm soát dịch sởi ở TP.HCM.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của các tổ chức có thẩm quyền về y tế (như WHO), ngoài những công việc về phát hiện, khai báo, báo cáo và giám sát dịch mà địa phương đang làm rất tốt, chúng ta cần phải tổ chức tiêm chủng để đối phó với dịch.
Ông cũng cho rằng việc đối phó bằng tiêm chủng có thể thực hiện ở nhiều mức độ. Chúng ta có thể chỉ đơn giản là củng cố lại hệ thống tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm chủng vaccine sởi chọn lọc cho trẻ nào chưa tiêm chủng đầy đủ.
Một phương án khác là tiêm chủng sởi không chọn lọc. Cụ thể, tiêm chủng sởi cho tất cả trẻ từ 9 tháng tuổi (hay từ 6 tháng tuổi) đến 59 tháng tuổi, bất kể tiền sử tiêm chủng vaccine sởi, miễn là mũi tiêm vaccine sởi gần nhất không gần hơn 4 tuần.
"Điều này phụ thuộc vào nguồn lực của ngành y tế cũng như mức độ của dịch, cần được điều tra thêm. Ban Chỉ đạo chống dịch sẽ quyết định là chiến dịch tiêm chủng sắp tới nên là tiêm vaccine chọn lọc hay không chọn lọc", PGS Dũng chia sẻ.
Trong hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch sởi với tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn, Sở Y tế TP.HCM cũng thống nhất 2 giải pháp, gồm:
- Nhóm giải pháp tiêm bù, tiêm bổ sung vaccine sởi
- Nhóm giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh và chỉ đạo HCDC, các Trung tâm y tế quận, huyện khẩn trương triển khai hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng, đồng thời, các bệnh viện triển khai ngay các giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, tất cả hướng đến mục tiêu làm giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân.
Cơ thể phi tuổi tác, tâm trí phi thời gian
Người phải đối diện với trạng thái căng thẳng liên tục sẽ chóng già hơn, cơ thể của họ lão hóa nhanh hơn. Kéo theo đó là nhiều bệnh tật liên quan tới huyết áp, rối loạn chuyển hóa.
Cuốn sách "Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian" mang đến cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến quá trình lão hóa của con người. Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng những phương pháp rất đơn giản.