Theo Dmarge, chi phí cách ly tại khách sạn ở Australia vào khoảng 3.000 USD/người. Về lý, số tiền này sẽ được người cách ly trả cho khách sạn và những bên liên quan. Tuy nhiên, nhiều người quyết định trốn nợ và điều này đang gây ra vấn đề lớn cho Australia.
Báo cáo hồi tháng 2 của tờ Sydney Morning Herald cho thấy khoảng 7.000 người Australia trở về nước chưa thanh toán khoản nợ 16,4 triệu USD cho chính quyền bang New South Wales.
Hồi tháng 6, Thủ hiến Annastacia Palaszczuk (bang Queensland) cũng tiết lộ khoảng 18,4% đơn nợ quá hạn và 9,7% đơn nợ quá hạn quá lâu.
Australia đau đầu với những khoản nợ. |
Với những trường hợp này, Sở thuế New South Wales có thể tự động rút tiền từ tài khoản ngân hàng, giữ lương hoặc tịch thu tài sản của người nợ.
Dmarge nhấn mạnh chính quyền các bang không quên khoản thu này. Họ sẽ bắt những người cách ly phải trả số tiền nợ. Tuy nhiên, người nợ có thể trả theo các phương án trong thời gian lâu hơn, nếu gặp khó khăn tài chính.
Damien Tudehope, Bộ trưởng Bộ Tài chính bang New South Wales nhấn mạnh chi phí cách ly không đơn giản là phòng khách sạn, đồ ăn. Người cách ly còn phải trả các chi phí an ninh, xét nghiệm...
Trong khi đó, Thủ hiến Palaszczuk tuyên bố sẽ đòi nợ những người chưa chịu trả phí cách ly để xứng đáng với tiền thuế của dân.
"Chúng tôi nợ những người đóng thuế. Đó là tiền của họ. Chúng tôi cần thu lại số tiền này", bà Palaszczuk nói.
Cơ quan y tế của Queensland chưa áp dụng biện pháp thu nợ cho tới gần đây. Họ đã thuê một công ty thu nợ tư nhân để quản lý các hóa đơn quá hạn nhằm tránh lặp lại tình trạng này.
Những người bắt đầu trả nợ hoặc có yêu cầu cách ly miễn phí (đang xét duyệt) sẽ không bị chính quyền đòi nợ.