Thai phụ phải đối diện với nguy cơ tiền sản giật. Ảnh: 9meseca. |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 2-3/6, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi trên 40 độ C. Thậm chí, cảm nhận thực tế ngoài trời có thể cao hơn nhiệt độ được dự báo.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó trưởng khoa khám Chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân, đặc biệt với phụ nữ mang thai.
Các nguy cơ
Theo chuyên gia này, mồ hôi bốc hơi làm tỏa nhiệt ra khỏi cơ thể, khiến bạn mát dần. Nhưng chúng cũng rút dần nước trong cơ thể cùng các axit amin, ure và muối - còn được gọi là chất điện giải.
Khi trời quá nóng, huyết áp có thể giảm mạnh. Đó cũng là kết quả của cơ chế tự làm mát trong cơ thể. Nếu nhiệt độ cơ thể tăng lên trên 37 độ C, các mạch máu sẽ bị giãn ra, làm tăng diện tích bề mặt mạch. Các tĩnh mạch sẽ làm mát máu. Nhưng khi mạch giãn, áp lực trong mạch giảm. Điều này có thể gây rủi ro cho những bệnh nhân hay dùng thuốc để hạ huyết áp. Nó có thể khiến huyết áp giảm xuống thấp đến mức ngất xỉu.
"Với các thai phụ cũng vậy, họ phải đối diện nguy cơ tiền sản giật. Một trong những nguyên nhân quan trọng là cơ thể bị thiếu nước. Cơ thể bị mất nước qua mồ hôi, hơi thở mà không được bồi phụ đủ dẫn đến rối loạn chuyển hóa muối và nước", bác sĩ Thanh nói.
Thời tiết nắng nóng cao điểm và kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ bầu. Ảnh: Freepik. |
Bên cạnh đó, thai phụ còn phải đối mặt nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi không được bồi phụ đủ nước. Việc không bài tiết được nước tiểu gây ra hậu quả dọa đẻ non và đẻ non. Uống ít nước còn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiểu ối ở phụ nữ mang thai.
Uống đủ nước rất quan trọng
Bác sĩ Thanh cho hay đối với phụ nữ mang thai, vấn đề quan trọng nhất là uống đủ nước mỗi ngày, nhằm bù vào lượng đã mất đi. Điều này giúp tránh được những hậu quả do rối loạn chuyển hóa muối - nước gây ra, bởi đây là nguồn gốc của tất cả rối loạn ảnh hưởng mẹ và em bé.
Phụ nữ mang thai không cần thiết phải uống nước i-on. Loại nước này chỉ uống khi có sự chỉ định của bác sĩ thông qua việc tiếp nước, truyền nước. Bạn cũng không nên uống các loại nước ngọt, có ga vì chúng chứa chất kích thích.
Hơn nữa, phụ nữ mang thai vốn tăng đường huyết. Bổ sung thêm đường sẽ làm gia tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.
"Đồ uống tốt nhất không chỉ riêng với phụ nữ mang thai mà cả mọi người là nước đun sôi để nguội, nước vô khuẩn đóng chai. Người dân có thể uống thêm các loại đồ uống mát như nước cam, mơ, chanh tươi...", bác sĩ Thanh nhấn mạnh.
Ngoài việc uống nhiều nước, khoảng 1,8 đến 2 lít nước/ngày, phụ nữ mang thai cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe bản thân như chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe. Bạn không nên đi ra đường vào thời điểm nhiệt độ tăng cao (giữa trưa).
Vị chuyên gia cũng cho rằng khi nắng nóng, nếu sử dụng quạt hay điều hòa, thai phụ cần lưu ý nhiệt độ phòng so với bên ngoài không chênh nhau quá lớn, dễ gây sốc nhiệt. Mẹ bầu nên tránh để quạt máy thổi thẳng vào người, phòng điều hòa cần để trên 26 độ C.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.