Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nắng nóng, trẻ cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Vào những ngày nhiệt độ tăng cao, trẻ nhỏ có nguy cơ mất nước do hiếu động, ham chơi, dẫn đến ra nhiều mồ hôi và quên uống nước.

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng và oi bức khiến con trai gần 2 tuổi của chị Mạc Hằng (29 tuổi, Hà Nội) không kịp thích nghi, thường xuyên có dấu hiệu mệt mỏi.

"Con tôi rất thích hoạt động thể chất, ham chơi nên liên tục đổ mồ hôi và thường quên uống nước. Lo con mệt và mất nước, tôi thường xuyên gợi ý, khuyến khích con uống nhưng bé không hợp tác. Mỗi ngày, con chỉ uống khoảng 100 ml nước lọc và 2 hộp sữa nhỏ loại 110 ml", chị Hằng nói.

Bà mẹ một con lo rằng lượng nước con nạp mỗi ngày là quá ít so với nhu cầu.

Tre mat nuoc anh 1

Chị Mạc Hằng lo rằng lượng nước con nạp mỗi ngày là quá ít so với nhu cầu. Ảnh: NVCC.

Trẻ em dễ bị mất nước hơn người lớn

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Đào, khoa Nhi, Bệnh viện quận 11, TP.HCM, cho hay Việt Nam là nước nhiệt đới. Vào những ngày thời tiết nắng nóng, lượng nước mất đi do bài tiết mồ hôi lớn. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường hiếu động, ham chơi nên ra nhiều mồ hôi, gây thiếu nước.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thành Úc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, cũng cho rằng trong thời tiết nóng, trẻ em dễ bị mất nước hơn người lớn. Lượng nước trẻ em cần uống trong thời tiết nóng thay đổi tùy theo độ tuổi, cân nặng, mức độ hoạt động và nhiệt độ môi trường.

Khi bị mất nước, trẻ em thường có dấu hiệu như: Cảm thấy khát nước; nước tiểu màu vàng sẫm, có mùi hôi; đi tiểu ít thường xuyên hơn bình thường; cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng; cảm thấy mệt, khô miệng, môi và lưỡi; mắt trũng sâu.

Theo bác sĩ Úc, tốt nhất, cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống nước suốt cả ngày, thay vì đợi cho đến khi bé cảm thấy khát. Khuyến khích bé uống nước trong các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ là cách tốt nhất để giúp bé đủ nước.

Ngoài ra, điều quan trọng là đảm bảo bé uống nước trước, trong và sau khi hoạt động thể chất. Đổ mồ hôi có thể khiến bé mất nước nhiều hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Đào cho hay mỗi ngày trẻ em cần uống khoảng 50-60 ml nước cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Trẻ ra mồ hôi quá nhiều sau khi hoạt động thể lực, vận động hoặc mới di chuyển dưới trời nắng cũng cần tăng nhu cầu nước uống. Lúc này, phụ huynh có thể cho con uống khoảng 100 ml/kg cân nặng/ngày.

Tre mat nuoc anh 2

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống nước suốt cả ngày, thay vì đợi cho đến khi bé cảm thấy khát. Ảnh: Hk01.

Một số thức uống vừa cung cấp đủ nước vừa có giá trị dinh dưỡng cho trẻ như: Sữa tươi, sữa đậu nành, sinh tố, nước ép trái cây. Ngoài ra, chúng ta còn có nước để giải khát như: Nước lọc, nước khoáng, nước tinh khiết và nước mát được chế biến theo cách dân gian (nước sâm, rau má).

"Phụ huynh hãy nhắc con uống nước nhiều lần trong ngày, có thể chọn nước lọc, nước rau má, nước sâm mát (không đường) hay các loại nước trái cây, rau củ ép tự nhiên không thêm đường, kể cả sữa, sữa chua để bổ sung nước", bác sĩ Hồng Đào nói.

Trong những ngày nắng nóng, các bé thường thích uống nước lạnh, ăn kem. Các chuyên gia tư vấn uống nhiều đồ uống lạnh và kem sẽ khiến nồng độ glucose tăng cao, có thể gây ảnh hưởng chế độ ăn uống bình thường của trẻ.

Uống quá nhiều cũng không tốt

"Tuy nhiên, cha mẹ phải thận trọng, nếu cho bé uống quá nhiều nước cũng không tốt. Các dấu hiệu của việc uống quá nhiều nước có thể bao gồm đi tiểu thường xuyên, nước tiểu nhạt màu hoặc trong, bụng đầy hơi, buồn nôn và đau đầu", bác sĩ Thành Úc khuyến cáo.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, uống quá nhiều nước có thể dẫn đến hạ natri máu, tức là tình trạng nồng độ natri trong máu bị pha loãng. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như nhầm lẫn, co giật và hôn mê.

Do đó, trẻ uống đủ nước để giúp bé không bị mất nước, nhưng không lạm dụng quá nhiều. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc uống quá nhiều nước ở bé, cha mẹ nên cho con ngừng uống và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi.

Chữa lành bằng sách

Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:

Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.

Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.

Bác sĩ cảnh báo nguy cơ biến chứng tim mạch khi trời nắng nóng

Tiếp xúc với nhiệt độ cao không chỉ làm tăng nguy cơ kiệt sức và đột quỵ do nhiệt, chúng còn có thể gây gánh nặng cho sức khỏe tim mạch.

Kieng tom khi bi ho? hinh anh

Kiêng tôm khi bị ho?

0

Người bị ho nên chú ý bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của mình một số nhóm thực phẩm giàu vitamin, kháng viêm. Việc kiêng một số loại hải sản như tôm là chưa có căn cứ khoa học.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm