Theo Real Simple, vào mùa đông, điều kiện thời tiết khô và lạnh khiến da dễ bị thiếu hụt độ ẩm. Khi da không đủ ẩm, người có làn da khô gặp tình trạng bị khô ráp, tróc vảy và ngứa rát.
Trong khi đó, người có làn da dầu dễ bị mất cân bằng giữa lượng nước và dầu trên da. Khi độ ẩm bị thiếu hụt, tuyến bã nhờn càng tăng cường tiết dầu khiến bề mặt da luôn bị bóng nhờn, dễ gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Dù tình trạng da của bạn là gì cũng cần dưỡng ẩm đầy đủ và kỹ lưỡng với kem dưỡng. Kem dưỡng ẩm dành cho da khô và da dầu có sự khác biệt lớn về kết cấu.
Tùy vào tình trạng da, bạn nên lựa chọn kem dưỡng có kết cấu phù hợp. Ảnh: Pinterest. |
Kem dưỡng cho da khô có kết cấu đặc, có thể chứa dầu nhằm bảo vệ hơi nước không bị thoát ra khỏi da. Ngược lại, kem dưỡng cho da dầu có kết cấu dạng gel, mỏng nhẹ và không chứa dầu giúp thẩm thấu dễ dàng, không gây bí da.
Tuy có sự khác biệt về kết cấu, hầu hết kem dưỡng ẩm đều chứa 3 nhóm thành phần chính tương ứng với cơ chế dưỡng ẩm tự nhiên của da: Humectants (chất hút ẩm), occlusive agents (chất khóa ẩm) và emollients (chất làm mềm).
Theo Insider, humectants hay chất hút ẩm là những chất có khả năng hút nước từ lớp hạ bì (dermis) hoặc trong không khí để đưa lên lớp biểu bì da nhằm cung cấp độ ẩm. Một số chất hút ẩm thường gặp trong mỹ phẩm như glycerin, hyaluronic acid, sorbitol, propylene glycol, butylene glycol, sodium PCA...
Humectants hoạt động bằng cách hút ẩm từ hạ bì hoặc không khí xung quanh và chuyển lên bề mặt da. Ảnh: Itsthatgirlanna. |
Các chất humectants có khuyết điểm lớn là vào mùa đông, môi trường có không khí khô, độ ẩm thấp khiến hơi nước trong da dễ bị bay hơi. Humectants càng hút nước từ dưới hạ bì lên trên khiến da bị mất nước từ bên trong. Khi sử dụng humectants với nồng độ cao sẽ dễ gây kích ứng da. Do đó, humectants thường được kết hợp với occlusive agents để khắc phục nhược điểm này.
Occlusive agents hay chất khóa ẩm đóng vai trò như lá chắn bằng cách tạo lớp màng mỏng bao bọc bề mặt da, ngăn cản nước cũng như các dưỡng chất khác bị bay hơi khỏi da. Những thành phần thuộc nhóm khóa ẩm phổ biến trong kem dưỡng như silicone, mineral oil (dầu khoáng), sáp, lanolin (mỡ cừu), các loại dầu chiết xuất thực vật...
Occlusive agents tạo lớp màng bao phủ giúp giữ nước và dưỡng chất ở lại bên trong da. Ảnh: Itsthatgirlanna. |
Khi sản phẩm chứa nhiều thành phần occlusive agents thường gây cảm giác nặng nề và bí bách. Những sản phẩm như vậy thường dùng cho việc điều trị tình trạng da khô nghiêm trọng. Người có làn da dầu cần tránh sử dụng mỹ phẩm chứa nhiều chất occlusive agents vì có thể khiến lỗ chân lông dễ bị bít tắc và gây mụn.
Emollients hay chất làm mềm có tác dụng lấp đầy khoảng trống giữa các tế bào, làm mịn tế bào da bị bong tróc, từ đó góp phần sửa chữa các thương tổn và giúp bề mặt da nhìn mịn màng hơn.
Emollients giúp tạo độ đặc cho kem dưỡng ẩm, đồng thời mang lại cảm giác mềm mại khi sử dụng. Các chất emollients trong mỹ phẩm là acid béo (oleic acid, linoleic acid), ceramide, isohexadecan...
Emollients làm mịn kết cấu da, giúp giảm bớt cảm giác kích ứng khó chịu. Ảnh: Itsthatgirlanna. |
Ngày nay, kem dưỡng ẩm được pha trộn 3 nhóm thành phần trên theo tỷ lệ thích hợp nhằm khắc phục nhược điểm của mỗi nhóm, đồng thời phát huy tối đa vai trò dưỡng ẩm, nuôi dưỡng và tăng cường sự khỏe mạnh cho da.