“Bản thân tôi dị ứng với việc một người đăng nhiều bài nhưng chất lượng không đảm bảo. Nhà quản lý thì chạy theo những chỉ số máy móc. Với nhà nghiên cứu khoa học, cái lớn nhất là cảm nhận đồng nghiệp dù điều đó không số hóa được. Nhưng đó mới là cái thực chất. Khi đa số đánh giá anh là nhà khoa học nghiêm túc, có ý tưởng mới tức anh nhà khoa học giỏi”, GS Ngô Bảo Châu đúc kết.
Vị cố vấn chiến lược của ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học (NCKH) được thể hiện ở hai điểm chính đó là quy trình chuyên nghiệp và phẩm chất chuyên nghiệp.
“Nguyên tắc làm khoa học ở đâu cũng giống nhau. Chỉ khác, ở nước phát triển, có truyền thống có lẽ không cần ai giảng cho bạn về quy trình hay phẩm chất cần có vì nó tự nhiên như thế rồi. VN chưa có truyền thống như vậy”.
Từ trăn trở đó, GS Châu nói ông “suy nghĩ cẩn thận và mạnh dạn” chia sẻ 10 quy trình nghiên cứu khoa học và 3 phẩm chất của người làm khoa học chuyên nghiệp.
GS Ngô Bảo Châu trong buổi giao lưu chiều 16/12 tại ĐH Quốc gia Hà Nội. |
“Vỡ ra nhiều điều” từ hội thảo, hội nghị
Trước câu hỏi của một nhà khoa học trẻ về cái mới nhà nghiên cứu cần có, GS Châu cho rằng: “Nói chung, kết quả mới là quan trọng nhất. Trong trường hợp kết quả cũ chúng ta mới xem xét phương pháp mới khi và chỉ khi hi vọng bằng phương pháp đó tác giả hoặc người khác có thể làm ra kết quả mới. Tuy nhiên bài báo sẽ hay hơn nếu có phương pháp mới”.
TS Phan Xuân Hiếu băn khoăn: “Mỗi năm mỗi trường có 5-7 hội nghị tốt nhưng ta lại không đủ thời gian đọc kỹ tất cả các nghiên cứu. Có thực tế, nghiên cứu make up (trang điểm, hình thức) đẹp nhưng giá trị thực chưa chắc cao. Nhưng có bài không tốt nhất vào hiện tại nhưng sau 10 năm lại được nhìn nhận, đánh giá tốt. Làm sao chỉ lướt qua thôi đề tài nào đó có thể thấy giá trị thực của nó?”
Trước câu hỏi thú vị này, GS Ngô Bảo Châu nhắc đến vai trò của việc tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học.
“Giá trị không phải nằm ở báo cáo kỉ yếu mà là dịp được ngồi nghe nhà khoa học trình bày. Mới gần đây tôi phát hiện ra tại sao phải nghe giảng. Có những cái họ không dám viết ra nhưng bằng động tác cơ thể, những cái phẩy tay không quan trọng, những cái hạn chế của họ giúp tôi thu thập được nhiều điều bổ ích.
Hơn nữa, việc gặp và trao đổi trực tiếp qua đối thoại là hết sức quan trọng. Tiếp xúc cá nhân là cơ hội lớn nhất và nhanh nhất các bạn có thể tìm đề tài khoa học thỏa mãn được tính thời sự và có thể giải quyết được, chứ không phải quá khó.
Bên lề hội thảo nhiều người cũng sẵn sàng cởi mở hơn về những khúc mắc, khó khăn họ đang gặp phải mà đôi khi họ ít chia sẻ qua thư từ hay các forum hoặc muốn dành cơ hội cho sinh viên của họ. Khi chương trình lớn sẽ có nhiều khúc mắc và các bạn trẻ có thể làm gia được.
Hãy tham gia nhiều hội thảo của các nhà khoa học lớn. Nếu không hiểu bạn có thể hỏi và trao đổi trực tiếp với diễn ra sau buổi hội thảo. Đừng ngần ngại trình bày với họ đây là vấn đề bạn rất quan tâm và ở lĩnh vực này đâu là vấn đề nóng hổi và sinh viên có thể làm. Có người có thể không nói nhưng sẽ có người nói cho bạn biết”.
Đừng đánh giá chỉ qua bài báo khoa học
TS Trần Phương, Nghiên cứu sinh ĐH Melbourne với những trăn trở về áp lực số lượng bài báo phải xuất bản với công việc của nhà khoa khọc. |
Một nữ sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học băn khoăn hỏi: “Thời gian cho công trình nghiên cứu có quan trọng không? Số lượng bài đăng tạp chí rất quan trọng. Nếu em dành cả đời nghiên cứu ý tưởng mà biết nếu có nhiều thời gian sẽ thành hiện thực vậy liệu em có chỗ đứng trong giới khoa học khi lượng bài báo ít ỏi?”.
Trầm ngâm, GS Ngô Bảo Châu đáp lời: “Tôi bị dị ứng trước việc đăng quá nhiều bài nhưng chất lượng không đảm bảo, nhà quản lý chỉ chạy theo chỉ số, máy móc.
Cảm nhận đồng nghiệp về mình như thế nào dù không số hóa được nhưng đó mới là cái thực chất. Khi đa số đánh giá anh là nhà khoa học nghiêm túc, có ý tưởng mới tức anh nhà khoa học giỏi.
Và tốt nhất nên để đồng nghiệp nước ngoài đánh giá. Nhiều người quan niệm đồng nghiệp nước ngoài họ không hểu trình độ, thực tế VN nhưng thực ra sai. Họ rất hiểu mình khó khăn thế nào nên nhiều khi không không khắt khe, gay gắt nhiều như trong nước. Vấn đề là anh có dám đưa công trình cho họ đánh giá hay không mà thôi”.
GS Châu khẳng định: “Để có sự đánh giá chính xác, bài báo không quyết định. Không cần phải chạy theo số lượng.
Tuy nhiên giữa 15-20 bài báo không khác nhau mấy nhưng 0 và 1 lại khác. Bạn vẫn phải có bài báo. Khi theo đuổi lâu dài vẫn có mục đích ngắn hạn, vẫn có sản phẩm để họ đánh giá về bạn.
(…) Ở Pháp tôi nghĩ Mỹ thích số lượng bài báo nhưng 7 năm làm việc ở Mỹ thực tế không phải vậy. Suy nghĩ của đồng nghiệp về bạn mới quan trọng và số lượng bài báo nhiều có khi ảnh hưởng ngược lại”.
Về câu hỏi liệu có nên dành cả đời cho một nghiên cứu, GS đưa lời khuyên: “Cần thận trọng. Để làm như vậy đòi hỏi con người có phẩm chất phi phàm, không phải ai được như vậy. Để có mục đích lâu dài nên có mục đích ngắn hạn. Nếu không bạn sẽ không đủ kinh phí, sức lực theo đuổi cái lâu dài”.
Phó GĐ Nguyễn Hữu Đức bổ sung: “Nước phát triển họ có văn hóa discovery – tức du lịch, tìm tòi, phát minh, phát hiện. Người châu Á thường chỉ đến để vui chơi, chụp ảnh, khoe với gia đình. Sự khác biệt rất rõ.
Thứ hai quan sát ở nước ngoài người ta quan niệm nghiên cứu khoa học thực sự là nghề, để đam mê và cũng để tồn tại. Ở ta, có mối liên hệ giữa nâng cao học thức với bằng cấp, chức vị xã hội dẫn đến những khó khăn, lệch lạc rất dễ xảy ra”.