Theo luật sư Phan Thị Lam Hồng, Giám đốc Công ty luật TNHH Đông Hà Nội, để xác định bạn Mai Anh có thuộc các trường hợp được nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú) về Hà Nội hay không, phải căn cứ vào quy định của Luật Cư trú và Luật Thủ đô.
Căn cứ thông tin bạn Mai Anh cung cấp, độc giả quê Hải Dương muốn đăng ký thường trú tại Hà Nội theo diện đã có chỗ ở hợp pháp, đã tạm trú một số năm, chứ không phải trường hợp nhập vào hộ khẩu của người thân. Trường hợp của bạn cũng không theo diện điều động, tuyển dụng làm việc.
Theo khoản 1, điều 20 của Luật Cư trú sửa đổi bổ sung năm 2013, công dân đã có thời gian sinh sống và làm việc tại Hà Nội có thể đăng ký thường trú khi đáp ứng đủ 3 điều kiện:
Có chỗ ở hợp pháp; Có thời gian tạm trú tại thành phố từ một năm trở lên với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên nếu đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Công an Hà Nội hướng dẫn người dân khai báo hộ khẩu. Ảnh: Anh Tuấn. |
Bên cạnh đó, khoản 3 và điểm b, khoản 4, điều 19 Luật Thủ đô 2001 cũng quy định cụ thể việc đăng ký thường trú tại Hà Nội.
Theo đó, khoản 3, điều 19 về Quản lý dân cư, quy định việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.
Còn khoản 4 quy định, công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được đăng ký thường trú ở nội thành:
a) Các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 điều 20 của Luật Cư trú.
b) Các trường hợp không thuộc điểm a khoản này đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
Theo luật sư Phan Thị Lam Hồng, căn cứ các quy định trên, việc đăng ký thường trú tại Hà Nội được chia thành 2 trường hợp.
Thứ nhất: Đăng ký thường trú tại ngoại thành Hà Nội (huyện, thị xã). Ở trường hợp này, để được đăng ký thường trú cần đảm bảo có thời gian tạm trú tại Hà Nội từ một năm trở lên và có chỗ ở hợp pháp.
Thứ hai: Đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội. Trong trường hợp này, nếu đã có nhà ở thì người muốn đăng ký thường trú phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên.
Việc xác định thời gian tạm trú sẽ căn cứ trên giấy tờ đăng ký tạm trú của bạn với cơ quan có thẩm quyền là cơ quan công an xã, phường nơi tạm trú.
Do đó, nếu bạn Mai Anh đã cư trú ở Hà Nội 5 năm (có đăng ký tạm trú), đã có nhà thuộc sở hữu của mình thì đủ điều kiện để được đăng ký thường trú ở thủ đô theo quy định của pháp luật hiện hành.