Khi bắt đầu tìm kiếm việc làm, Bùi Ngọc Anh (sinh năm 1997, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dành sự quan tâm đến một tập đoàn khá lớn. Cô ấn tượng với trụ sở, quy mô nhân sự hàng nghìn người cùng sự nổi tiếng của các đơn vị này trong lĩnh vực.
Tuy nhiên, Ngọc Anh không vội nộp hồ sơ. Việc đầu tiên, cô gõ "review công ty A." lên thanh tìm kiếm mạng xã hội. Tiếp đến, cô còn lục tìm hồ sơ của quản lý bộ phận trên LinkedIn (nền tảng về nhân sự, việc làm).
Sau 3 năm đi làm, cô đã có đủ kinh nghiệm để lựa chọn và sàng lọc "điểm dừng chân" kế tiếp.
"Giữa nhân viên và công ty không còn là mối quan hệ xin - cho như nhiều năm trước. Cả 2 bên đều cần tìm hiểu lẫn nhau trước khi hợp tác để tránh sự bất mãn, khó chịu không đáng có", Ngọc Anh nói với Zing.
Một số nhân sự lên mạng xã hội để tìm kiếm đánh giá, nhận xét về công ty mình đang quan tâm. Ảnh: Facebook. |
Tìm 'review' trên mạng
Nhiều người trẻ cũng như Ngọc Anh, coi việc "điều tra" và chọn lọc công ty, cấp quản lý là bước bắt buộc khi "săn" việc làm.
Họ cho biết đề cao văn hóa công sở và năng lực dẫn dắt của lãnh đạo. Lương thưởng rất quan trọng, nhưng tiềm năng phát triển và tinh thần cũng là những yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Nhiều năm qua, việc tìm hiểu công ty, nhân sự càng dễ dàng hơn nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội và các nền tảng việc làm. Trên mạng, rất nhiều hội, nhóm "review" công ty xuất hiện, thu hút hàng trăm nghìn thành viên.
Ngọc Anh hy vọng tìm được người quản lý giỏi ở nơi làm việc mới. Ảnh: NVCC. |
Theo Ngọc Anh, cô muốn theo đuổi ngành nhân sự và kỳ vọng trở thành một headhunter thành công.
Sau 3 năm làm việc tại phòng HR một công ty công nghệ, cô quyết định xin nghỉ để tìm đến một đơn vị tuyển dụng chuyên nghiệp hơn.
Cô cho biết chấp nhận mức lương trung bình, nhưng sẽ lựa chọn nơi có quản lý tốt, giàu kinh nghiệm để học hỏi.
"Sếp giỏi sẽ cho nhân viên của mình nhiều bài học giá trị. Nếu không chịu khó tìm hiểu từ đầu, tôi tin rằng mình khó lòng gặp được một người như vậy. Ai đi làm một thời gian rồi đều sẽ hiểu quản lý tốt có ý nghĩa thế nào", cô cho hay.
Minh Trang (sinh năm 1999, Hà Nội) cũng đang băn khoăn để lựa chọn cho mình một nơi làm việc mới phù hợp. Cô khẳng định việc tìm hiểu về công ty, quản lý trước khi ứng tuyển là hoàn toàn cần thiết.
"Có hiểu biết cơ bản về môi trường làm việc và năng lực lãnh đạo sẽ giúp tôi cân nhắc xem có nên nộp hồ sơ vào vị trí hay không. Đồng thời, thông tin này cũng sẽ giúp ứng viên tăng tỷ lệ thành công phỏng vấn. 'Biết người biết ta' vẫn có lợi hơn mà", Minh Trang cười và nói.
Minh Trang mong muốn tìm được môi trường làm việc phù hợp để gắn bó lâu dài. Ảnh: NVCC. |
Các công ty tiềm năng đều được Minh Trang tìm hiểu thông qua mạng xã hội. Nếu doanh nghiệp đủ lớn, cô dễ dàng nhận được hàng nghìn đánh giá từ nhân sự đã và đang làm việc.
"Tìm kiếm tên công ty trên hội nhóm, tôi thấy rất nhiều bài đăng trái chiều. Có người xưng là nhân sự cũ, tố văn hóa công ty độc hại, lương thưởng không rõ ràng. Người khác lại chê đồng nghiệp xấu tính, thường ngồi lê đôi mách. Cũng có người dành lời khen, cho rằng môi trường thân thiện, cởi mở. Dường như mọi ý kiến khen, chê đều có nếu chúng ta chịu khó lục tìm", cô kể lại.
Cũng theo Minh Trang, phần lớn công ty đều bị chê nhiều hơn khi được nhắc tên trên mạng xã hội. Nhưng đối với cô, những ý kiến này chỉ mang tính chất tham khảo. Thay vì tin tức từ người dùng mạng, cô tin tưởng chia sẻ của người quen hơn.
"Tôi cũng tìm hiểu về công ty mới qua bạn bè đã hoặc đang làm việc tại đây. Tôi tin sự phù hợp ở một mức độ nào đó sẽ giúp nhân sự thêm yêu công việc và có động lực để gắn bó hơn", cô nói.
Tầm ảnh hưởng của Internet
Theo Forbes, những đánh giá từ Internet có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là bậc trung hoặc thấp.
Nghiên cứu từ Công ty nguồn nhân sự Randstad (Mỹ) cho thấy 57% ứng viên sẽ bỏ qua một công ty nếu nhận thấy nơi này nhận nhiều đánh giá tiêu cực trên Internet. Đối với họ, nơi làm việc cũng như phim ảnh hoặc hàng hóa, tức là việc lựa chọn sẽ chịu ảnh hưởng bởi điểm Rotten Tomato và đánh giá của người mua trước.
Theo nhiều chuyên gia, đánh giá từ Internet không thể phản ánh câu chuyện thực tế của một doanh nghiệp. |
Nhưng theo CNBC, thực tế cho thấy đánh giá từ Internet không hoàn toàn phản ánh sự thật về một doanh nghiệp.
Nền tảng Fractl thực hiện khảo sát trên 1.096 nhân sự viết review về công ty mình. Kết quả cho thấy khoảng 10% thừa nhận cố tình nói dối, làm quá vấn đề trong bài đăng. Gần một nửa trong số đó cho biết làm vậy để bày tỏ sự bất mãn, gây tổn hại đến danh tiếng của công ty và quản lý cũ.
Các vấn đề được nhắc đến nhiều nhất bao gồm cấp quản lý có năng lực yếu kém, môi trường làm việc độc hại và tỷ lệ thay thế nhân viên cao.
Ông Scott Dobroski, người phát ngôn của nền tảng việc làm Glassdoor, nói trên CNBC: "Điều quan trọng là chúng ta phải xem cách một công ty giải quyết phản hồi tiêu cực về mình trên mạng xã hội. Ứng viên có thể mang những câu hỏi về vấn đề này để trao đổi trong quá trình phỏng vấn với nhà tuyển dụng".