Hai năm qua, Nguyễn Tiến Anh (sinh năm 1995, quận 4, TP.HCM) luôn làm việc tại nhà hoặc các quán cà phê. Anh cũng dễ dàng tham gia những chuyến du lịch cùng bạn bè, miễn là nơi đó có Internet.
Nhiều người nhầm tưởng Tiến Anh là freelancer, có công việc tự do, nhận dự án từ đối tác và làm theo thời vụ.
Thực tế, anh là nhân viên toàn thời gian của một công ty quảng cáo tại Singapore, có hợp đồng lao động chính thức, nhận nhiệm vụ và KPI như mọi nhân sự bản địa. Chỉ khác ở chỗ anh sinh sống tại Việt Nam.
"Đầu năm 2020, tôi đọc được tin tuyển dụng của công ty trên mạng xã hội. Họ ưu tiên ứng viên trong nước, nhưng tôi vẫn quyết định gửi hồ sơ. Trong buổi phỏng vấn online, tôi nói rằng không muốn sang Singapore bởi lo ngại dịch bệnh. Sau cùng, công ty chấp nhận tuyển tôi và cho phép làm việc từ xa", nhân viên thiết kế đồ họa này chia sẻ cùng Zing.
Nhiều người trẻ lựa chọn làm việc từ xa vì ngại cảnh kẹt xe cùng văn hóa công sở. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Những nhân sự ở Việt Nam nhưng làm việc cho công ty tại nước ngoài như Tiến Anh không hề hiếm gặp. Nhiều năm qua, không ít bạn trẻ lựa chọn việc làm từ xa nhằm có cơ hội tiếp xúc với môi trường quốc tế, nhận mức lương tốt, đãi ngộ cạnh tranh cùng chế độ làm việc ngay tại nhà.
Đây thường là các công việc chỉ cần sử dụng đến máy tính và Internet như công nghệ thông tin, digital marketing, thiết kế đồ họa,...
Công ty thuê nhân sự từ xa có thể tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ngoài trong khi mức lương chi trả tiết kiệm hơn. Nhóm nước ở Đông Nam Á (như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines), Hàn Quốc, Mỹ hoặc Australia là những quốc gia thường tuyển dụng nhân sự từ xa tại Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn trên Business Insider vào tháng 6/2021, ông Jason Ritterman, giám đốc Công ty nguồn nhân lực Away Teams (Australia), cho biết xu hướng tuyển dụng nhân sự làm việc từ xa càng bùng nổ trong bối cảnh đại dịch.
Chỉ trong 12 tháng, số nhân lực làm việc từ xa mà Away Teams tìm kiếm cho khách hàng của mình đã tăng gấp 3 lần, lên đến hơn 350 người, riêng ở TP.HCM.
Cũng theo ông Ritterman, việc thuê nhân lực từ xa tại Việt Nam giúp các công ty ở Australia tiết kiệm khoảng 30-70% chi phí so với việc trả lương cho nhân viên bản địa.
Vì sao hấp dẫn?
Theo Tiến Anh, anh lựa chọn việc làm từ xa bởi mong muốn có cơ hội tham gia vào công ty nước ngoài, "làm đẹp" hồ sơ sự nghiệp.
"Không chỉ Singapore, tôi còn muốn làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc các nước châu Âu. Các công ty nước ngoài thường chi trả mức lương cao hơn so với trong nước, văn hóa doanh nghiệp cũng rất cởi mở và hiện đại. Đặc biệt, làm việc tại công ty quảng cáo của Singapore, tôi có cơ hội tham gia vào các dự án lớn cùng nhãn hàng nổi tiếng. Đây là điều các công ty ở Việt Nam vẫn còn hạn chế", anh tâm sự.
Thêm một điều Tiến Anh thích ở việc làm từ xa chính là không cần đến văn phòng vào giờ hành chính, tránh được cảnh kẹt xe cùng ô nhiễm, khói bụi.
Toàn bộ công việc của anh đều có thể thực hiện trên máy tính. Nhân viên này chỉ cần đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đúng tiến độ và báo cáo tình hình với cấp quản lý, trao đổi thông tin qua tin nhắn hoặc cuộc gọi.
"Trước đây, tôi từng là freelancer nên đã quen với cách làm việc từ xa. Tôi không phải người hướng ngoại, cảm thấy hơi phiền nếu phải gặp gỡ đồng nghiệp, cấp trên liên tục", anh cho hay.
Nguyễn Trân làm việc từ xa cho một công ty của Hàn Quốc. Ảnh: NVCC. |
Tương tự Tiến Anh, Nguyễn Trân (quê Bến Tre) cũng là nhân sự từ xa cho một công ty crypto tại Hàn Quốc. Cô nhận việc từ tháng 9/2021, nhiệm vụ chính là hỗ trợ và chăm sóc khách hàng.
Tính linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc chính là lý do khiến cô yêu thích công việc này.
"Lâu nay, tôi không cần phải dậy sớm 1-2 tiếng đồng hồ để chuẩn bị và chạy xe ra đường, cũng có thể chuyển từ TP.HCM về Bến Tre sống cùng mẹ. Việt Nam và Hàn Quốc lệch nhau 2 múi giờ, nhưng công ty luôn sắp xếp giờ làm hợp lý cho những nhân sự từ xa như tôi", Nguyễn Trân nói.
Cũng theo cô, việc làm từ xa giúp cô buộc phải nâng cao tính tự giác, thúc đẩy bản thân để hoàn thành công việc hiệu quả. Việc giao tiếp với đồng nghiệp, cấp trên hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng làm cô cảm thấy hứng thú.
"Chúng tôi phải dùng 100% tiếng Anh khi làm việc và giao tiếp với nhau. Bản thân tôi rất thích như vậy vì cảm thấy mọi người đều bình đẳng, không cần câu nệ".
Nguyễn Trân không tiết lộ cụ thể thu nhập với việc làm từ xa. Cô chỉ cho biết với mức sinh hoạt ở quê, không phải trả chi phí thuê nhà, mức lương của mình là "ổn định".
"So với nhiều công việc khác, mức lương của tôi không quá cao. Nhưng với tôi, thu nhập như vậy là phù hợp với khối lượng công việc", cô chia sẻ.
Không chỉ có thuận lợi
Nguyễn Trân cho biết được cấp trên tại Hàn Quốc tạo điều kiện để hoàn thành công việc theo lịch trình cá nhân. Cô cũng được nghỉ trong các dịp lễ của Hàn Quốc và Việt Nam. Như đợt 30/4-1/5 vừa qua, cô có thể đi chơi, tận hưởng ngày nghỉ như một nhân viên của công ty nội địa.
Tuy nhiên, cũng theo cô, việc làm từ xa có lẽ chỉ thoải mái đối với những ai thật sự có tính tự giác, độc lập cao trong công việc.
"Đặc thù công việc không phải lên văn phòng, không gặp trực tiếp cấp trên đôi khi làm tôi rất mất tập trung, dẫn đến hiệu suất không tốt. Hơn nữa, tôi cũng rất buồn khi chỉ có thể nói chuyện với đồng nghiệp qua các cuộc gọi hoặc tin nhắn. Không gặp gỡ, tôi khó tạo dựng các mối quan hệ công việc thân thiết, gắn bó", cô tâm sự.
Đối với Trân, mỗi người trẻ đều có quan điểm và mong muốn riêng trong sự nghiệp. Có người ưu tiên thu nhập, người khác lại chỉ cần tránh xa công sở.
Hiện tại, cô vẫn gắn bó với công việc từ xa của mình bởi sự phù hợp với cuộc sống cá nhân. Nhưng nếu được lựa chọn, cô vẫn muốn làm một công việc offline toàn thời gian và chỉ coi việc từ xa như một nguồn thu nhập phụ.
Làm việc từ xa giúp người trẻ linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Còn với Tiến Anh, phần lớn người trẻ làm việc từ xa cho công ty nước ngoài đều khó nhận được thu nhập cùng cơ hội tương đương nhân sự bản địa.
Anh được công ty tại Singapore cho biết sẽ trả mức lương tương đương 60 triệu đồng nếu đồng ý ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, anh muốn ở nhà cùng gia đình trong giai đoạn dịch bệnh. Vì vậy, mức lương hàng tháng sau thuế của Tiến Anh chỉ là một nửa.
"Tôi từng thử thương lượng với công ty, bày tỏ mong muốn nhận mức lương sau thuế là 40 triệu đồng nhưng không được chấp nhận. Việt Nam có mức sinh hoạt phí thấp hơn tại Singapore, công ty chi trả thù lao như vậy là điều dễ hiểu. Nhưng tôi có phần hụt hẫng bởi từng được các công ty trong nước chào mời với thu nhập như vậy", Tiến Anh nói.
Tiến Anh cũng cho biết mình chưa được tăng lương sau 2 năm làm việc. Công ty giải thích rằng vì dịch bệnh, họ đành hoãn các chế độ cùng lộ trình tăng thu nhập cho nhân viên từ xa.
Đầu năm 2022, sau Tết Nguyên đán, Tiến Anh quyết định sang Singapore để làm việc.
"Sau thời gian làm việc từ xa, tôi cảm giác mình khó có thể được trao các cơ hội cùng chế độ như một nhân viên bản địa. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh đã ổn định. Tôi cho rằng đây là lúc thử thách mình ở những chặng đường mới mẻ hơn".