Ngày 11/11, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án “chàng rể bị tố lừa mẹ vợ 3 tỷ đồng”. Bị cáo là Trần Minh Anh (54 tuổi, quận Ba Đình) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa phúc thẩm được mở theo đơn kháng nghị của VKSND Hà Nội và kháng án của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Nguyên đơn dân sự trong vụ án là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (viết tắt là Công ty BVSC).
Vụ án này đã kéo dài gần 7 năm, qua 9 lần mở tòa. Trong thời gian trên, ông này bị bắt giam gần 4 năm. Tháng 9/2014, TAND Hà Nội đã tuyên Minh Anh vô tội.
Sau phiên tòa trên, VKSND Hà Nội kháng nghị, cho rằng bản án sơ thẩm chưa đánh giá đúng hành vi phạm tội của bị cáo và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Người từng được tuyên vô tội hầu tòa ngày 12/11. Ảnh: M.Đ. |
Còn bà Bùi Thị Minh (ở quận Hai Bà Trưng, mẹ vợ Minh Anh) – người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo toàn bộ bản án trên.
Ngày 12/11, đại diện Sở Tư pháp, Công ty BVSC, Sở Tư pháp... đều được triệu tập đến tòa.
Tại tòa, Minh Anh thừa nhận, cuối tháng 1/2007, ông đưa mẹ vợ là bà Minh đến phòng giao dịch Công ty BVSC để làm thủ tục mở tài khoản. Khi nộp hồ sơ, ông là người trực tiếp điền vào nội dung tờ khai, tự ý ký tên bà Minh vào mục chủ tài khoản.
Theo cáo buộc, mẹ con bà Minh chuyển hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản để kinh doanh chứng khoán. Hơn một năm sau, bà Minh đến Công ty BVSC rút tiền thì phát hiện trong tài khoản số dư chỉ còn lại 9 triệu đồng. Cho rằng con rể chiếm đoạt tiền, người phụ nữ này đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an.
Khai trước tòa, bị cáo 54 tuổi thừa nhận trong thời gian từ tháng 7/2007 – 1/2008, thực hiện 19 lần rút tiền. Số tiền trên, Minh Anh khai nhận dùng để chơi chứng khoán, trả tiền vé máy bay cho vợ và con về Việt Nam...
Nhiều bút lục và lời khai trước HĐXX, Minh Anh thừa nhận mọi giao dịch rút tiền, ông sử dụng hộ chiếu và CMND của mẹ vợ và những lần đó đều có mặt của bà Minh. Bị cáo giải thích phải “cậy nhờ” mẹ vợ đứng tên mở tài khoản ở Công ty BVSC vì theo quy định, một cá nhân chỉ được mở 1 tài khoản.
Bị cáo khẳng định khoản tiền hơn 3 tỷ đồng được hình thành trong quá trình vợ chồng ông buôn bán ở CHLB Đức. Năm 2007, hai vợ chồng ông bàn nhau bán ngôi nhà chung ở bên Đức lấy vốn để về Việt Nam đầu tư chứng khoán. Do sợ bị cơ quan chức năng Đức truy thu thuế, cả hai thống nhất gửi tiền qua tài khoản của con trai.
Trái ngược, người được bà Minh ủy quyền tại tòa cho rằng, số tiền trên là do con gái bà là chị Trần Minh Ngân (hiện cư trú tại CHLB Đức) gửi về để trả nợ.
Các lời khai tại tòa, Minh Anh thừa nhận có 2 giấy chứng nhận kết hôn với chị Ngân là vào năm 1988 và năm 2007.
Phiên tòa bước vào phần cao trào khi HĐXX tập trung xét hỏi nhóm cán bộ Công ty BVSC (thời điểm đó là kế toán, thủ quỹ) để làm rõ trách nhiệm của những người này. Trước tòa, nhóm cán bộ này tỏ ra quanh co. Chủ tọa đặt vấn đề: “Ai là chủ tài khoản được lập tại BVSC ngày 22/1/2007?”, song phía công ty bỏ ngỏ câu hỏi này.
Sau một ngày xét xử, sáng 13/11, TAND quyết định tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra lại một số vấn đề như làm rõ nguồn tiền hơn 3 tỷ đồng có phải là tài sản chung của hai vợ chồng Minh Anh? nếu các nhân viên BVSC làm đúng quy trình (mở tài khoản, rút tiền), bị cáo có thể thực hiện hành vi gian dối không?...
Theo cáo trạng, 3 nhân viên của Công ty BVSC đã bị truy tố, điều tra vì tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình điều tra, xét thấy các hành vi của các nhân viên là do áp lực công việc, không có động cơ vụ lợi cá nhân
và đã tự nguyện nộp 1,5 tỷ đồng khắc phục nên cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ bị can.