TAND TP Hà Nội vừa ra bản án tuyên bị báo Trần Minh Anh (53 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng của VKSND Tối cao đã truy tố ngày 27/5/2011. Tòa dành quyền yêu cầu khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp khác cho ông Anh.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, tháng 1/2007, ông Anh đưa mẹ vợ là bà Bùi Thị Minh đến phòng giao dịch một Công ty CP chứng khoán để làm thủ tục giao dịch cho mẹ vợ.
Khi nộp hồ sơ, ông Anh là người điền các nội dung vào tờ khai, đồng thời ký tên bà Minh vào mục chủ tài khoản. Ngay sau đó, mẹ con bà Minh gửi hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản này. Số tiền này là do chị Trần Kim Ngân, con gái bà Minh gửi từ Đức về.
Từ 16/7/2007 đến 30/1/2008, ông Anh nhiều lần làm thủ tục, rút gần hết số tiền trên.
Ông Minh Anh (áo đỏ) và luật sư của mình trong ngày được tuyên vô tội. |
Gần một năm sau, bà Minh đến doanh nghiệp này rút tiền thì nhận được thông báo, số dư chỉ còn lại hơn 9 triệu đồng. Cho rằng con rể đã lừa tiền của mình, bà Minh làm đơn tố cáo.
Ông Anh bị bắt tạm giam để điều tra và đưa ra xét xử về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án kéo dài hơn 5 năm, với 7 bản kết luận điều tra, 4 bản cáo trạng, 8 lần xét xử và trả hồ sơ, đến chiều 17/9, TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo vô tội.
Theo nhận định của bản án sơ thẩm, lời khai của bà Minh và con gái (vợ cũ ông Anh) không thống nhất, có nhiều điểm mâu thuẫn.
Theo HĐXX, việc bà Minh và con gái cho rằng khoản tiền 176.000 Euro (tương đương hơn 3 tỷ đồng) là tài sản riêng của chị và việc chị gửi tiền từ Đức về Việt Nam để trả nợ mẹ, khoản tiền đó không liên quan đến ông Anh là không đúng với bản chất sự việc và không phù hợp với Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình.
Ngoài ra, khoản tiền trên là tài sản chung hợp pháp của vợ chồng chị Ngân và Minh Anh. Nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng vụ án dân sự khác.
Việc quy kết ông Anh gian dối để chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng trong tài khoản đứng tên bà Minh, HĐXX cho rằng ông Anh thực hiện 19 lần rút tiền trong tài khoản đứng tên bà Minh bằng cách mượn giấy tờ tùy thân của bà này, sau đó ký chữ ký thật của mình rồi tự mạo danh ký tên, ghi tên là Minh vào mục chủ tài khoản là hành vi gian dối.
Tuy nhiên, hành vi đó chỉ nhằm mục đích mở thêm tài khoản thứ hai nhằm tránh rủi ro trong đầu tư chứng khoán. Hơn nữa, lúc mở tài khoản này, tiền còn ở bên Đức, chưa có ở Việt nam và ông Anh đã chuyển vài trăm triệu vào tài khoản này.
Bản án cho rằng, hành vi của bị cáo này không thỏa mãn dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng đã truy tố.
Hơn nữa với nguyên tắc, quy trình hết sức chặt chẽ về chế độ kế toán tài chính trong việc rút tiền, rõ ràng công ty chứng khoán biết nhưng cố tình làm sai và không có chuyện công ty này bị ông Anh lừa dối.
TAND TP Hà Nội dành quyền yêu cầu khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp khác cho Minh Anh.
Kể về thân chủ của mình, luật sư Trần Việt Hùng cho biết, "Hình ảnh đầu tiên gặp anh Minh Anh vào một buổi sáng mùa đông, người đàn ông trung niên gầy, xanh xao và rất lo âu, suy sụp".
Lời khẩn khoản "Đừng bỏ tôi" của ông Anh đã khiến luật sư Hùng hơn 30 lần kiên trì vào trại gặp thân chủ, mất nhiều công đi thu thập chứng cứ. Bản thân luật sư Hùng luôn có niềm tin thân chủ của mình vô tội, tiếp thêm niềm tin cho thân chủ của mình vững vàng để đi đến ngày được tuyên "trắng án".
Theo luật sư Hùng, bản án nêu trên chưa có hiệu lực pháp luật. Bởi theo quy định, nếu các bên liên quan có kháng án hoặc VKS có kháng nghị thì Tòa tối cao sẽ xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Theo luật, các bên liên quan là bà Minh và công ty chứng khoán liên quan sẽ có 15 ngày để kháng án. VKS có thời hạn 30 ngày để kháng nghị bản án. Hiện vẫn chưa bên nào có kháng án hoặc kháng nghị bản án.