Vụ trộm hy hữu
Theo bản án sơ thẩm, năm 1988, ông Nguyễn Thanh Cần (SN 1966) và bà Nguyễn Thị Mén (SN 1968) kết hôn với nhau. Quá trình chug sống, nhờ chịu khó làm ăn nên hai vợ chồng dành dụm được 10 lượng vàng 9999, gần 4 chỉ vàng 18K và 5 chỉ vàng 24K.
Nhưng một thời gian sau thì hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ nhau nên sống ly thân nhưng vẫn ở chung trong nhà, mỗi người ở một phòng riêng. Trong thời gian này, bà Mén một mình quản lý vườn mãng cầu và kinh doanh xe tải, nhờ chăm chỉ làm ăn nên bà Mén mua thêm 16 lượng vàng 9999, gần 11 chỉ vàng 24K và 12,5 chỉ vàng 18K. Mặc dù đã ly thân nhưng hàng tháng bà Mén vẫn đưa cho chồng một số tiền để tiêu xài.
Về phần ông Cần, thấy vợ có nhiều tài sản và ít quan tâm đến mình nên ông ghen tức và nảy sinh ý định chiếm đoạt.
Khoảng 17h ngày 20/5/2012, biết vợ và con đang chở hàng lên TPHCM tiêu thụ. Sau khi đi làm rẫy về, ông Cần tìm cách phá chiếc két sắt, lấy đi toàn bộ tài sản mà người vợ tích cóp bấy lâu nay gồm 26 lượng vàng 9999, gần 16 chỉ vàng 24K, gần 16,5 chỉ vàng 18k và 197 triệu đồng tiền mặt (tổng giá trị hơn 1,3 tỉ đồng).
Sau đó, ông này cưa cửa sổ, tạo hiện trường giả nhằm đánh lạc hướng kẻ trộm đã đột nhập vào nhà. Rạng sáng ngày hôm sau, bà Mén cùng con đi bán hàng về thì tá hỏa khi phát hiện ra toàn bộ gia tài đã “không cánh mà bay”. Bà hỏi chồng thì ông này trả lời không biết nên sau đó, bà Mén trình báo lên cơ quan công an.
Khi được công an mời lên làm việc, ông Cần đã cúi đầu thừa nhận mình là thủ phạm lấy cắp tiền của vợ. Nhận thấy hành vi của Cần đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên cơ quan điều tra đã tiến hành bắt tạm giam và điều tra truy tố về tội danh “Trộm cắp tài sản”.
Của chồng công vợ
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/8/2012, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt mức án 7 năm tù giam. Nhưng sau đó, tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy bản án này để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Đầu tháng 7, TAND tỉnh Tây Ninh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần hai. HĐXX nhận thấy cơ quan điều tra không đủ chứng cứ để chứng minh được tài sản riêng của bà Mén và số tiền bị ông Cần lấy đi là bao nhiêu. Hơn nữa, bà Mén chỉ là người cất giữ tài sản chung của hai vợ chồng nên trong số tài sản ông Cần lấy đi vẫn phần của ông. Vì thế sau khi xem xét lại toàn bộ vụ án và những tình tiết liên quan, TAND tỉnh Tây Ninh xác định chưa có đủ căn cứ kết tội ông Cần phạm tội trộm cắp tài sản nên tuyên trắng án và trả tự do cho ông ngay tại tòa.
Vợ chồng ông Cần - bà Mén tại tòa phúc thẩm |
Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, ngay sau đó. VKS ND tỉnh Tây Ninh đã làm đơn kháng nghị lên tòa tối cao đề nghị hủy án sơ thẩm, xét xử lại theo hướng ông Cần phạm tội.
Chiều ngày 9/10, TAND Tối cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Ông Cần - bà Mén có mặt tại phiên tòa từ khá sớm, trên gương mặt của hai vợ chồng lộ rõ vẻ lo lắng. Bà Mén trầm ngâm nói: “Hai vợ chồng về ở với nhau từ thủa còn nghèo khó, làm lụng vất vả mãi mới tích cóp được đồng vốn. Nhưng có tiền anh lại sinh tính ham chơi, hay xảy ra cãi vã rồi sống ly thân. Bữa đó anh Cần bị đau mắt nhưng do còn giận nên tôi không quan tâm, ai ngờ anh ấy nghĩ quẩn mà gây ra chuyện tày đình này. Thực ra tôi vẫn còn thương lắm, nêu bây giờ anh bị tòa tuyên có tội rồi đi tù thì tôi không biết phải làm sao nữa. Tôi nghĩ mất trộm thật nên mới báo công an chứ biết ông lấy tui báo làm gì, của chồng công vợ”.
Tại phiên xử, do bản án sơ thẩm tuyên ông Cần vô tội là có căn cứ nên đại diện VKS ND Tối cao tại TP.HCM đã xin rút kháng nghị, giữ nguyên án sơ thẩm mà TAND tỉnh Tây Ninh tuyên trước đó.